Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng:
Thể hiện những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt và tầm nhìn vượt thời đại
VHO - Với 80 năm tuổi đời và 57 năm tuổi Đảng, dù ở cương vị nào, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng luôn dành sự quan tâm đặc biệt, dồn nhiều tâm huyết cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Trong đó, cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư đã xác định rõ quan điểm, mục tiêu, định hướng nhiệm vụ phát triển văn hóa, để văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực và nguồn lực nội sinh cho sự phát triển của đất nước.
“Kim chỉ nam” gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng
Cuốn sách Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra mắt hồi tháng 6 vừa qua được nhận định đã nâng tầm lý luận về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các trang viết trong tác phẩm cũng định hướng nhiệm vụ cho sự phát triển văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới. 92 bài viết, bài phát biểu, bài nói, lược ghi, trả lời phỏng vấn, thư... của Tổng Bí thư về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam được tuyển chọn đã hệ thống hóa sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời kỳ mới.
Cuốn sách không chỉ là sản phẩm trí tuệ, tâm huyết của riêng Tổng Bí thư, mà quan trọng hơn, là một công trình khoa học có tính chất hệ thống, tập hợp những tư tưởng, quan điểm chỉ đạo của Đảng về vai trò, sứ mệnh của văn hóa, như: Nguồn lực nội sinh cho phát triển, sự gắn kết của văn hóa với kinh tế, chính trị, xã hội… Đây chính là “kim chỉ nam” về giữ gìn giá trị văn hóa truyền thống và cách mạng, về phát triển văn hóa hiện tại và tương lai. Ngoài ra, cuốn sách còn thể hiện rõ tư tưởng đề cao ý nghĩa trung tâm của con người là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng trong phát triển văn hóa; gắn với xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam. Qua đó, góp phần quan trọng làm giàu thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “… Khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng…”. Những chỉ đạo của Tổng Bí thư đã cho thấy tâm huyết, trăn trở của ông cho sự nghiệp phát triển văn hóa, con người Việt Nam.
Viết về cuốn sách, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đúc rút những vấn đề có tính quy luật khách quan, có giá trị định hướng rất sâu sắc về đường hướng xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Trong đó, trọng tâm là xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới, đồng thời có những gợi mở rất quan trọng về các thành tố trong từng hệ giá trị.
Nói về vai trò của văn học, nghệ thuật (VHNT) - “tiếng nói của tình cảm” và các nhà văn - “người dự báo”, “thư ký của thời đại”, Tổng Bí thư đã chỉ rõ: “Mỗi tác phẩm VHNT thật sự có giá trị phải có sức lay động công chúng, độc giả bằng trách nhiệm, tấm lòng, trái tim của người nghệ sĩ”; “Sự nghiệp sáng tạo văn học đòi hỏi phải có những người có tài năng, có tâm hồn, có nhân cách, đặc biệt là có chỗ đứng và cách nhìn đúng đắn”.
Về vai trò của văn hóa, văn nghệ trong giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất đạo đức, nhân cách con người, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Văn hóa đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức, nhân cách con người, nâng cao bản lĩnh và ý thức dân tộc, giữ gìn bản sắc dân tộc, làm cho phát triển kinh tế thị trường mà không băng hoại giá trị đạo đức xã hội, “hội nhập mà không hòa tan”.
Thể hiện tầm hiểu biết sâu rộng về phát triển văn hóa
Theo Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng, thông qua cuốn sách, những người công tác trong lĩnh vực văn hóa thấy được trách nhiệm của mình trong sự nghiệp xây dựng, giữ gìn, phát triển văn hóa, con người Việt Nam. Độc giả cũng có thể thấy được những giải pháp, nhiệm vụ, phương hướng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã gửi gắm trong cuốn sách, với tư cách là một người am tường về văn hóa. Cuốn sách cũng thể hiện sự tin yêu, mong muốn của Tổng Bí thư đối với ngành Văn hóa.
“Tiếp cận cuốn sách của Tổng Bí thư không chỉ đơn thuần hiểu đây là kho tàng tri thức của nhân loại, mà còn là cuốn cẩm nang cho những người công tác trong lĩnh vực văn hóa. Vượt ra khỏi khuôn khổ của những luận điểm cơ bản, tác phẩm còn là những vấn đề mà Tổng Bí thư gửi gắm. Thông qua đó, đội ngũ những người công tác trong lĩnh vực văn hóa được nâng cao nhận thức một cách sâu sắc những chủ trương, đường lối của Đảng về văn hóa; nắm được những vấn đề về lý luận từ tổng kết thực tiễn mà Tổng Bí thư đã nêu…”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nhận định.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển, Bộ trưởng yêu cầu thông qua việc số hóa, ứng dụng công nghệ, các thư viện cần có những giải pháp giúp độc giả ở nhiều nơi tiếp cận được với tác phẩm Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; chủ động hướng dẫn bạn đọc nghiên cứu theo hướng dễ hiểu, dễ đọc, dễ tiếp cận, để họ có thể nắm được những luận điểm cơ bản mà Tổng Bí thư nêu.
Cảm nhận về cuốn sách, GS.TS Phùng Hữu Phú, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương nhấn mạnh, với tầm cao trí tuệ, sự hiểu biết sâu rộng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã làm sâu sắc thêm những nguyên lý căn cốt của văn hóa; khẳng định văn hóa là giá trị sáng tạo tinh hoa, hồn cốt, sinh khí, sức mạnh của dân tộc. Xây dựng môi trường văn hóa, phát triển các lĩnh vực văn hóa, nâng cao đời sống văn hóa cho người dân, làm cho văn hóa thấm sâu vào mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống xã hội là nhiệm vụ quan trọng. Những luận điểm được Tổng Bí thư đưa ra trong cuốn sách có giá trị lý luận và thực tiễn đặc biệt sâu sắc, mang tính thuyết phục.
PGS.TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam chia sẻ, qua những trang sách quý của Tổng Bí thư, đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức nước nhà càng ý thức sâu sắc hơn vai trò của mình trong xã hội ngày nay, qua đó thấy được phải có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc để cho ra đời những tác phẩm văn học nghệ thuật có tư duy sâu sắc, tầm nhìn rộng lớn.
Với Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, ông một lần nữa khẳng định, bên cạnh tổng kết những vấn đề lý luận từ thực tiễn, tác phẩm Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc của Tổng Bí thư đã nêu những vấn đề cấp bách trong phát triển văn hóa, VHNT Việt Nam. Từ những vấn đề được đúc kết trong cuốn sách, các Hội VHNT trên cả nước cần chủ động đổi mới, sáng tạo, biết huy động mọi nguồn lực để nâng cao chất lượng hoạt động, đáp ứng kỳ vọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.