Kỷ niệm 16 năm ngày thành lập Vùng 2 Hải Quân (19.3.2009 - 19.3.2025):
Dáng đứng Việt Nam ngoài bãi cạn Cà Mau
VHO - Ngoài thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc có một nhà giàn DK1 được coi là “Nhà giàn ở cuối chân trời” mang tên DK1/10. 31 năm qua, DK1/10 tồn tại không chỉ với tư cách là “cột mốc chủ quyền quốc gia trên biển”, mà còn trụ vững như dáng đứng Việt Nam giữa ngàn khơi Tổ quốc.

Cột mốc sống giáp đường biên ba nước
Trong hệ thống nhà giàn DK1, DK1/10 là Nhà giàn xa nhất cách trung tâm TP Vũng Tàu (Bà Rịa - Vũng Tàu) hơn 600 hải lý. Đây cũng được gọi là nhà giàn ở “cuối chân trời” vì tiếp giáp vùng lãnh hải của ba quốc gia là Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Hiện tại DK1/10 là nhà dàn duy nhất “một thân” đóng trên bãi san hô ngầm thuộc tỉnh Cà Mau. Gọi là “một thân” bởi chưa được nâng cấp xây dựng mới như 14 nhà giàn khác.
Nhà giàn DK1/10 được xây dựng năm 1994, đóng trên bãi cạn san hô ngầm thuộc tỉnh Cà Mau. Nhiệm vụ chủ yếu của nhà giàn này làlàm điểm tựa cho ngư dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ ra đánh bắt hải sản, thu thập khí tượng thủy văn, bảo vệ môi trường biển khu vực đường lãnh hải tiếp giáp vùng biển quốc tế.
Do đóng quân tiếp giáp biển Philippines và Malaysia, nên nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ ở nhà giàn này khá đặc biệt so với các nhà giàn khác. Ngoài huấn luyện sẵn sàng chiến đấu trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió bảo vệ chủ quyền biển đảo, đặc biệt luyện chống biệt kích người nhái xâm nhập từ vùng biển tiếp giáp giữa Philippines và Malaysia, cán bộ chiến sĩ ở nhà giàn còn thường xuyên làm nhiệm vụvới các đơn vị Quân khu 9 (Bộ Quốc phòng) để đón các chuyến bay quân sự từsân quân sự Trà Nóc - Cần Thơ ra luyện tập cách hạ cánh giữa biển khơi.
Trắc thủ ra đa, thiếu tá Nguyễn Văn Tài cho biết, quản lý của vùng biển rộng lớn và để không sót lọt mục tiêu, hệ thống radar của nhà giàn liên tục quét trên mặt biển phòng trừcó biệt kích người nhái đột nhập vào nhà giàn.
Tổ chức gác đêm quan sát 24/24, kịp thời xử lý các tình huống bất thường xảy ra. Trong bất kỳ điều kiện hoàn cảnh nào cũng không được phép lơ là mất cảnh giác.
Chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/10, đại uý Nguyễn Đình Đức cho biết, nằm trong hệ thống DK1, nhưng DK1/10 là nhà giàn khá đặc biệt. Thời tiết ở đây bị ảnh hưởng liên tục gió chướng và gió mùa Tây Nam nên khí hậu khô rát quanh năm.
Nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu của cán bộ chiến sĩ cũng có những yêu cầu cao hơn so với các nhà giàn khác. “Sống giữa vùng biển giáp ranh của ba nước Việt Nam, Philippines và Malaysia, tàu thuyền đi lại nhiều và có nguy cơ bất ổn định cao, nên cán bộ chiến sĩ ngày đêm nêu cao tinh thần cảnh giác cao độ, phối hợp chặt chẽ với các tàu trực, thường xuyên tổ chức quan sát mặt biển, phát hiện mục tiêu từ sớm, từ xa, kịp thời báo cáo cấp trên và xử lý.
DK1/10 cũng là điểm tựa vững chắc cho bàcon ngư dân ra đánh bắt thủy, hải sản. Hằng năm có từ 20-50 lượt ghe thuyền của ngư dân các tỉnh miền Tây Nam Bộ hoạt động đánh bắt đều được nhà giàn đăng ký, hướng dẫn đánh bắt trong vùng biển Việt Nam, tuyệt đối không được khai thác nơi vùng biển giáp ranh, chồng lấn với các vùng biển nước ngoài.
Qua đó tuyên truyền cho bàcon ngư dân các chủtrương ưu đãi của nhà nước, khi xảy ra tình huống bất trắc trên biển, nhanh chóng liên lạc với nhà giàn và tàu trực để được ứng cứu kịp thời”, đại úy Đức chia sẻ.

Nhà giàn “đi trước, về sau”
Do đóng quân ngoài vùng biển xa nhất của Tổ quốc, nên khi tổ chức thay quân bao giờ cũng sớm hơn và khi đón quân về đất liền sẽ muộn hơn so với các nhà giàn khác.
Hiện nay, các nhà giàn DK1 tổ chức thay quân làm hai đợt vào tháng 3 và tháng 10 trong năm. Do đóng quân ở “góc biển chân trời” nên cán bộ chiến sĩ đi làm nhiệm vụ ở nhà giàn DK1/10 bao giờ cũng đi trước riêng lẻ một chuyến tàu. Khi có chiến sĩ hoàn thành nghĩa vụ được về đất liền, bao giờ cán bộ chiến sĩ cũng xuống tàu sau cùng, sau khi tàu trực đã đón người, hàng từ các nhà giàn khác. DK1/10 cũng được coi là“nhà giàn thiệt thòi”.
Vào mùa biển lặng từ tháng 3 đến tháng 6 hằng năm, 14 nhà giàn khác thường được đón các đoàn đại biểu ra thăm và biểu diễn văn nghệ cho cán bộ chiến sĩ xem. Do ở quá xa so các nhà giàn khác, nên DK1/10 ít khi được đón các đoàn khách từ đất liền tới. Do vậy, cán bộ chiến sĩ ở nhà giàn này “rất thèm văn công biểu diễn”.
Thiếu tá Lê Đình Tiến, Chính trị viên chia sẻ: “DK1/10 là nhà giàn “một thân”, chỗ ăn, nghỉ, sinh hoạt, huấn luyện của bộ đội khá chật hẹp. Hệ thống nước ngọt cũng không được dồi dào so với các nhà giàn khác. Song với tinh thần chủđộng khắc phụ khó khăn, quyết tâm bám trụ vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, ngoài huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vùng biển được phân công, cán bộ chiến sĩ chúng tôi tăng gia trồng rau xanh, tổ chức câu cá nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho bộ đội. Hệ thống thông tin, tuyên truyền cũng được nâng cấp, đổi mới. Giữa biển khơi, có thể nói chuyện với người thân đất liền bình thường. Cán bộ chiến sĩ rất yên tâm tư tưởng và quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao”.
Tháng 3 mùa biển lặng. Vùng biển Cà mau phẳng như mặt gương. Từ tàu tuần tiễu, nhìn nhà giàn DK1/10 như đóa sen khổng lồ in hình xuống biển, trên đó là những người lính khoác “áo vằn cánh sóng” đang ngày đêm thầm lặng dâng hiến tuổi thanh xuân của mình cho bình yên của chủ quyền biển đảo.
Tất cả chúng tôi tự hào về những người lính DK1. Các anh như những dáng đứng Việt Nam đẹp đẽ kiêu hùng nhất giữa biển trời đất mẹ phía ngàn khơi của Tổ quốc.