Những người vợ lính Trường Sa:

Lặng lẽ hy sinh, kiên cường chờ đợi

MAI THẮNG

VHO - Với những người vợ của lính nhà giàn DK1, việc được chồng tặng hoa, quà vào các dịp lễ, Tết, ngày Lễ Tình nhân hay mùng 8 tháng 3 là điều hiếm hoi. Từ biển xa gửi về, món quà đôi khi chỉ là gói cá khô, can nước mắm… hoặc đơn giản là dòng tin nhắn, lời chúc yêu thương hay “bông hồng trong điện thoại”.

 Chỉ bấy nhiêu thôi cũng đủ để các chị cảm thấy ấm lòng, thêm vững vàng nuôi con giỏi, dạy con ngoan, trở thành điểm tựa vững chắc cho chồng yên tâm bám biển, bảo vệ nhà giàn giữa biển khơi của Tổ quốc.

Lặng lẽ hy sinh, kiên cường chờ đợi - ảnh 1
Ba mẹ con chị Lê Thị Ngân trong căn phòng công vụ khi trung tá Phạm Văn Bảy công tác ở nhà giàn DK1

Tình cờ gặp gỡ, chồng vợ nên duyên

Đã 16 năm có lẻ kể từ ngày cô gái xứ Thanh “xiêu lòng” trước chàng trai vạm vỡ quê lúa Thái Bình. Dù đã có với nhau hai mặt con, nhưng chị Lê Thị Ngân vẫn nhớ như in buổi đầu tình cờ gặp gỡ rồi “phải lòng nhau”, khi biết anh - thiếu úy Phạm Văn Bảy - là bộ đội nhà giàn DK1.

“Năm 2005, em theo chị gái vào Vũng Tàu kinh doanh sim, card điện thoại, nào có biết yêu là gì. Vậy mà tự nhiên lại phải lòng ông bộ đội hải quân. Thời gian trôi nhanh quá, mới ngày nào mà giờ hai đứa con cũng lớn cả rồi…”, chị Ngân bộc bạch khi tôi hỏi: “Chị có thể kể về chuyện tình yêu với người lính nhà giàn DK1 không?”.

Trong căn nhà công vụ Quân chủng Hải quân cho mượn, chị Ngân cẩn thận lật từng tấm ảnh kỷ niệm hiếm hoi những dịp hai người gặp nhau. Chị kể, buổi chiều hôm ấy, anh Bảy đến mua thẻ điện thoại rồi mượn luôn xe đạp của chị, nói là “đi chơi, chiều về sẽ trả”.

“Lúc đó em chẳng biết anh ấy là ai, nhưng đánh liều cho mượn. Anh nói đi một lúc sẽ về, ai ngờ đợi dài cổ đến chiều cũng chẳng thấy. Em đã nghĩ mình bị lừa thì anh ấy mang xe đến trả. Mãi sau này em mới biết, anh chẳng đi đâu cả, chỉ lấy cớ mượn xe rồi về trễ để có cơ hội làm quen”, chị Ngân cười.

Chẳng biết từ bao giờ, màu áo trắng hải quân của chàng trai trẻ đã ẩn hiện trong tim, khiến cô gái thôn quê nhiều đêm thao thức. Nhận lời yêu Bảy, Ngân vừa vui, vừa lo. Vui vì đã có người để thương để nhớ, nhưng cũng lo lắng vì biển cả xa xôi, sóng gió khắc nghiệt, thiên tai bất thường - không biết điều gì có thể xảy ra.

Trước lúc chia xa, cầm tay người yêu, Bảy nói: “Chờ anh nhé, nhất định anh sẽ về”. Hai tháng sau ngày chia tay, kể từ khi anh lên đường ra nhà giàn công tác, Ngân nhận được lá thư đầu tiên người yêu gửi về, chứa chan biết bao tâm sự.

“Đó là lá thư tình cảm và xúc động nhất. Em không nghĩ anh Bảy lại viết hay như vậy. Anh kể về cuộc sống ở nhà giàn gian khổ, khắc nghiệt, bốn bề sóng gió. Em đã khóc vì thương anh. Ngày ấy chưa có điện thoại như bây giờ. Để gửi thư, em phải căn thời gian tàu thay trực, vào đơn vị nhờ đồng đội đưa ra cho anh. Sau này, anh Bảy mới gọi điện về qua sóng Radio Vũng Tàu. Hơn một năm yêu nhau, anh chỉ chở em đi dạo quanh bờ biển đúng một lần duy nhất. Chính lần đó, em đã quyết định sẽ lấy anh làm chồng. Cưới nhau hơn 16 năm, nhưng thời gian ở gần nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Những ngày lễ, Tết là lúc tủi  thân nhất. May mà có hai con ngoan ngoãn bên cạnh, em cũng nguôi ngoai phần nào. Dẫu thiệt thòi, nhưng phải nói thật, em rất hạnh phúc. Bây giờ em đã quen với cảnh vợ chồng xa nhau. Chỉ mong anh ấy khỏe mạnh, hoàn thành tốt nhiệm vụ, thế là mẹ con em mừng rồi”, Ngân chia sẻ.

Lặng lẽ hy sinh, kiên cường chờ đợi - ảnh 2
Nhà giàn DK1 - nơi các “phu quân” của những người vợ lính Trường Sa ngày đêm trấn giữ biển trời Tổ quốc

Điểm tựa cho chồng yên tâm bám biển

Hơn 16 năm làm vợ lính nhà giàn DK1, niềm vui lớn nhất của chị Ngân là có hai đứa con ngoan - một gái, một trai. Cô con gái đầu lòng sắp vào cấp 2, còn cậu con út đang học tiểu học.

Đồng lương của lính nhà giàn DK1 được xem là “cao”, nhưng suốt 20 năm công tác, dù tằn tiện tích cóp, trung tá Phạm Văn Bảy vẫn chưa đủ tiền để mua đất, xây nhà riêng.

Dẫu còn nhiều vất vả, nhưng trong căn phòng nhỏ thuộc khu nhà công vụ Quân chủng Hải quân cho mượn, gia đình anh chị vẫn luôn tràn ngập niềm vui, nhất là mỗi khi anh Bảy được nghỉ phép.

“Niềm an ủi lớn nhất của em khi anh Bảy vắng nhà là hai con khỏe mạnh, ngoan ngoãn. Cuộc sống còn nhiều lo toan, nhưng em sẽ là điểm tựa vững vàng để anh yên tâm bám biển”, chị Ngân bày tỏ.

Khi tôi hỏi: “Ngày 8.3, anh Bảy tặng chị món quà gì?”, chị Ngân đỏ mặt cười: “Cũng chưa biết nữa. Những năm anh ở nhà giàn DK1, cứ đến 8.3 là lại gửi hoa hồng trong điện thoại kèm lời chúc. Có khi là cân cá kìm khô, có khi là cân cá muối làm mắm. Có quà là vui rồi, chỉ mong anh hoàn thành nhiệm vụ trở về bình an”.

Mỗi người có một gia đình, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế khác nhau, nhưng những người vợ lính DK1 đều có chung một điểm: Thủy chung, vẹn tròn, hiếu thảo, đảm đang, chịu khó, là điểm tựa vững chắc để chồng yên tâm bám biển. Chị Lê Thị Ngân là một trong những “phu nhân” như thế.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc