Vượt trên ngàn phong ba

VĂN CHƯƠNG

VHO - Tàu Trường Sa 21 của Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân tiến ra thềm lục địa, tiếp cận các Nhà giàn DK1 giữa lúc sóng gió cồn cào. Tiếng hát văng vẳng của lính Nhà giàn DK1 qua máy bộ đàm “Vượt trên ngàn phong ba… giữ biển đảo quê hương”. Nếu lên được nhà giàn thì cùng ca hát, chia sẻ niềm vui, còn không lên được thì hát qua bộ đàm. Đồng hành theo con tàu ra khơi, tôi hiểu hơn về tinh thần của người đảng viên giữa phong ba.

 Vượt trên ngàn phong ba - ảnh 1
Thượng úy Trần Văn Công, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên tàu Trường Sa 21

 “Đứng mũi, chịu sào”

“Đứng mũi chịu sào” là cụm từ thường được gắn cho người đứng đầu một cơ quan, tổ chức. Nhưng với lính Hải quân, cụm từ này có khi phải được giải nghĩa theo cách khác biệt. Vào lúc 13 giờ 40 phút chiều ngày 10.1.2025, con tàu Trường Sa 21 vang lên tiếng loa thông báo “tổ mũi ra vị trí, sẵn sàng thu neo”. Đại úy Trần Minh Huấn đứng ở ca bin quan sát sóng biển đang bổ ngang vào mũi tàu và quan sát độ sâu của vị trí con tàu đang thả neo trên bãi cạn ở thềm lục địa.

Đại úy Trần Minh Huấn (sinh năm 1993, quê ở xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu) 10 năm tuổi Đảng, Phó Bí thư Chi bộ tàu Trường Sa 21. Người con sinh ra ở miền quê có nhạc sĩ nổi tiếng là Cao Văn Lầu gắn với bài Dạ cổ hoài lang, từ lúc tuổi thơ đã sống với nghệ thuật Đờn ca tài tử miệt mài vang lên bên dòng sông Cửu Long, nên dù đang trải qua những giây phút nhọc nhằn, trên khuôn mặt của người đảng viên trẻ vẫn hiện ra nét phóng khoáng, với nụ cười.

Sau khi thuyền trưởng phát lệnh “thu neo”, trung tá Đinh Văn Hồng, nhân viên cơ điện và đồng đội là thiếu tá Lê Văn Lâm, thủy thủ trưởng tiến ra mũi tàu. Lúc này mũi con tàu cứ hất lên bầu trời, dừng lại gần 1 giây rồi lại hụp xuống.

Mỗi lần mũi tàu tung lên khoảng 10m, sau đó lại hạ xuống dưới chân sóng, những người lính bám ở mũi tàu giống như chiếc lá đang vít chặt vào cành cây. Chỉ nhìn hình ảnh những người lính ra mũi tàu để thu neo chừng 5 phút, tôi đã có cảm giác muốn chuếnh choáng như sắp say sóng.

Đại úy Huấn cứ mỗi lần nghe tổ mũi báo cáo tốc độ thu neo thì lại tiếp tục hô “được... được”. Tiếng khẩu lệnh vang lên, sau đó lại bị âm thanh ầm ầm của sóng biển khỏa lấp. Dường như nhớ ra điều gì, đại úy Huấn thắp hương và nhắc anh em, “đây là nơi liệt sĩ Tạ Ngọc Tú đã hy sinh”. Chuẩn úy Tú quê ở huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, hy sinh vào ngày 21.4.2001 tại Nhà giàn DK1/16, người đảng viên trẻ hòa vào biển cả ở thềm lục địa khi mới bước sang tuổi 28.

Nhìn khói hương lan tỏa trong ca bin, tôi nhớ những ngư dân đánh bắt xa bờ ở tỉnh Bình Định, Quảng Ngãi, Khánh Hòa... kể lại, khi tới thềm lục địa đánh cá cũng thường thắp hương tưởng niệm những người lính đã hy sinh.

 Vượt trên ngàn phong ba - ảnh 2
Tinh thần đảng viên trên tàu Trường Sa 21 là không ngại khó khăn, gian khổ

Đảng viên hứng sóng gió

Ngày 12.1.2025, sóng biển vẫn không ngớt hạ bớt độ cao, bầu trời cuồn cuộn mây đen và những đám mây liên tục biến thành những hình thù khác nhau, vì gió thổi căm căm. Việc chuyển hàng cho các Nhà giàn DK1 vẫn được thực hiện.

Thượng úy Trần Văn Công, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên tàu Trường Sa 21 tiếp tục trực tiếp ra boong tàu, quần áo ướt sũng vì sóng biển liên tục ập lên boong. Tất cả các thuyền phó đều có mặt trên boong tàu để tham gia cẩu hàng. “Chuẩn bị buộc hàng... anh em sẵn sàng vào vị trí thả hàng xuống biển cho anh em Nhà giàn DK1 kéo lên”, tiếng những người lính vang lên giữa sóng gió cuồn cuộn.

Sau này khi trở về bờ, tôi truy cập lại thông tin thời tiết trên website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia và được biết, đúng ngày đó khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây quần đảo Trường Sa) và vùng biển từ Bình Định đến Cà Mau, gió Đông Bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao 4 - 6,5m.

Sau khi anh em ném được hàng xuống biển, tôi vuốt nước mặn trên mặt và ghé tai hỏi Thượng úy Công: “Ở trên tàu, Bí thư Chi bộ, Chính trị viên là cán bộ chỉ huy, nhưng từ ngày đầu tới ngày cuối vẫn thấy Bí thư Chi bộ trực tiếp ra boong tàu làm việc như mọi cán bộ, đây có phải là phương châm sâu sát, miệng nói, tay làm?”. Thượng úy Công cho biết: “Tham gia cùng anh em để chia ngọt, sẻ bùi, xây dựng tình đoàn kết gắn bó đồng chí, đồng đội”.

Thượng úy Trần Văn Công (sinh năm1995, quê ở xã Thạch Đồng, huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa), tuổi thơ của anh lớn lên bên cạnh dòng sông Bưởi và thường nghe cha, mẹ kể về tấm gương của những liệt sĩ, trong đó có ông nội.

Thượng úy Công cho biết, năm nay tròn 30 tuổi, trong khi trên tàu có nhiều đồng chí có thâm niên trên 30 năm quân ngũ, có kinh nghiệm, vì vậy bản thân cũng phải thường xuyên gần gũi anh em để học hỏi kinh nghiệm, từ đó thực hiện tốt phương châm “Đúng, đủ, thống nhất, chất lượng, hiệu quả”, góp phần xây dựng Chi bộ tàu Trường Sa 21 trong sạch, vững mạnh, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Trái tim của tàu

Trên tàu Trường Sa 21 chuyển quà Tết cho các Nhà giàn DK1 trên thềm lục địa, những đảng viên có thâm niên tuổi Đảng cao nhất là lính làm bên các bộ phận hàng hải, cơ điện, thợ máy. Thiếu tá Vũ Trọng Cường, sinh năm 1978, luôn là người lọt vào ống kính của phóng viên đi trên tàu. Bởi có những thời điểm sóng biển chỉ cao chừng 3,5 mét, anh là người cầm lái ca nô để chờ quà Tết rời tàu tiếp cận bên Nhà giàn DK1. Có khi ca nô rời tàu thì sóng yên ả, nhưng 15 phút sau, khi ca nô đang trở về thì sóng gió lại nổi lên ùn ùn.

Thiếu tá Cường quê ở xã Tân Việt, huyện Hưng Hà (Thái Bình), nơi ngã 3 sông Hồng và sông Trà Lý. Anh tâm sự, mình là đảng viên 11 năm tuổi Đảng, với tinh thần đảng viên thì luôn sẵn sàng làm những công việc khó khăn. Trước khi được biên chế về tàu Trường Sa 21, anh công tác tại xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa, hàng trăm lượt chạy ca nô chở các đoàn công tác ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Phú Yên, Hà Nội... ra thăm đảo nên có nhiều kinh nghiệm.

Có một cán bộ luôn đi đến các phòng ngủ để động viên, thăm hỏi các thành viên đoàn công tác bị say sóng, đó là thiếu tá Lê Đông Huy (sinh năm 1976, quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa), chức danh tổ trưởng tổ phục vụ. Thiếu tá Đông cho biết, là đảng viên 21 năm tuổi Đảng, mình phải thể hiện tinh thần sâu sát, trách nhiệm, ân cần, anh em nào không ăn được thì mình bê cháo tận giường, hoặc động viên cố gắng nuốt vài cục cơm nóng chấm muối mè.

Trong lúc con tàu ầm ầm vượt sóng lớn để tiến sâu vào bãi cạn Phúc Tần, trung tá Vũ Quốc Dự (sinh năm 1971), chức vụ máy trưởng luôn nhìn chăm chú vào các đồng hồ của 2 cỗ máy dưới hầm tàu. Trung tá Dự tâm sự: “Cuộc đời binh nghiệp của tôi đã trải qua 6 con tàu, bản thân luôn nêu cao tinh thần của người cán bộ đảng viên, sâu sát, trách nhiệm, bởi máy là trái tim của con tàu, trái tim không được phép lạc nhịp khi tàu hành trình ra thềm lục địa của Tổ quốc”. 

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc