Quốc hội thảo luận dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):

Bao quát nhưng không bỏ lọt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn

TÙNG QUANG; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Tiếp theo Chương trình làm việc tại Kỳ họp thứ 7, sáng 26.6, Quốc hội tiến hành thảo luận hội trường về dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi). Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đã giải trình, tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Bao quát nhưng không bỏ lọt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn - ảnh 1

Phiên thảo luận tại hội trường sáng 26.6

 Tại phiên thảo luận tại hội trường sáng nay đã có 24 ý kiến đại biểu Quốc hội, trong đó tập trung vào các nội dụng:  Phạm vi điều chỉnh của Luật; hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của bảo tàng tư nhân; di vật, cổ vật, bảo vật; di sản của đồng bào dân tộc thiểu số; quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị của công viên địa chất; số hóa di sản văn hóa; Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; về các chính sách hỗ trợ nghệ nhân; thủ tục hành chính trong xây dựng công trình trong khu vực bảo vệ di tích; xã hội hóa trong bảo vệ và phát huy giá trị các di tích văn hóa…

Luật phải có tính phổ quát nhưng không bỏ trống, sót lọt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn

Phát biểu giải trình làm rõ thêm một số nội dung mà các đại biểu Quốc hội quan tâm, Bộ trưởng Bộ VHTTD Nguyễn Văn Hùng cho biết: Khi được Quốc hội, Chính phủ giao, với tư cách là cơ quan soạn thảo để trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 7, Bộ VHTTDL đã chủ động làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, nghiên cứu các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành và chuẩn bị một cách đầy đủ, công phu, tuân thủ đúng những quy trình về xây dựng văn bản quy phạm pháp luật. Chúng tôi ý thức đây là luật chuyên ngành có độ khó vì liên quan đến di tích, di sản, một lĩnh vực quan trọng của văn hóa. Qua rà soát cho thấy liên quan đến 23 luật đang còn hiệu lực. Vấn đề đặt ra đối với cơ quan soạn thảo là xây dựng Luật Di sản văn hoá (sửa đổi) cần bao quát nhưng không được để chồng lấn, giao thoa quy định ở các luật khác mà hiện chúng ta vẫn đang tiếp tục thực hiện.

“Với sự nỗ lực như vậy nhưng chắc chắn không bao quát hết và chúng tôi tiếp tục nghiên cứu các ý kiến xác đáng của  đại biểu Quốc hội. Tôi cho rằng, quan điểm nhận thức theo chủ nghĩa Mác-Lênin: Từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, và từ tư duy trừu tượng đến thực tiễn là con đường biện chứng của sự nhận thức chân lý, thực tại khách quan. Cũng vậy, từ những di sản đơn lẻ, cách tiếp cận đơn lẻ để bao quát lên trở thành luật”, Bộ trưởng nhấn mạnh và cho biết thêm: Từ chỉ đạo của Quốc hội là những vấn đề nào đã “chín”, đã rõ và trong thực tiễn thấy cần phải cụ thể hóa thì đưa vào Luật, những vấn đề chưa rõ thì cần phải tiếp tục nghiên cứu thêm.

“Luật phải có tính phổ quát nhưng không bỏ lọt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn. Đây là yêu cầu không chỉ đối với Bộ VHTTDL. Chúng tôi tiếp thu những ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội và sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, nhất là cơ quan thẩm tra để hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8”, Bộ trưởng khẳng định.

Bao quát nhưng không bỏ lọt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn - ảnh 2
Luật phải có tính phổ quát nhưng không bỏ lọt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn. Đây là những yêu cầu không chỉ Bộ VHTTDL. Chúng tôi tiếp thu những ý kiến xác đáng của đại biểu Quốc hội và sẽ phối hợp với các cơ quan của Quốc hội, nhất là cơ quan thẩm tra để hoàn thiện và trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng

Đa dạng hóa mô hình bảo tàng để cung cấp dịch vụ tốt hơn trong vấn đề hưởng thụ văn hóa của nhân dân

Ngoài những vấn đề chung, có tính nguyên tắc khi xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng cũng dành thời gian thích đáng trả lời một số nội dung cụ thể được các đại biểu Quốc hội quan tâm.

Liên quan đến vấn đề phạm vi điều chỉnh, theo Bộ trưởng, về cơ bản, các đại biểu đều đồng ý với cơ quan soạn thảo, chủ yếu đề nghị bổ sung thêm về danh lam thắng cảnh, di sản địa chất.

 “Trong quá trình xây dựng dự án Luật, cơ quan soạn thảo đã phối hợp chặt chẽ với Bộ TN&MT để xem xét sửa đổi. Hiện nay, Chính phủ cũng đang giao Bộ TN&MT sửa đổi Luật Địa chất và khoáng sản. Do đó, phải tính toán sao cho chặt chẽ để đảm bảo sự thống nhất trong phạm vi này. Trên tinh thần đó, Bộ VHTTDL đã có báo cáo Quốc hội, giải trình làm rõ.

“Về giải thích từ ngữ, với những ý kiến hợp lý, ban soạn thảo sẽ cố gắng biên tập lại theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp cận và cô đọng nhất”, Bộ trưởng cho biết.

Liên quan đến nội dung bảo tàng, Bộ trưởng cho biết: Hiện Luật chỉ có quy định bảo tàng quốc gia, bảo tàng chuyên ngành, bảo tàng cấp tỉnh và bảo tàng tư nhân. Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, hướng tiếp cận mở rộng hơn, theo đó cho phép có bảo tàng công lập và bảo tàng ngoài công lập.

“Như vậy sẽ khắc phục thực trạng như hiện nay ở cấp tỉnh, đã có bảo tàng cấp tỉnh rồi nhưng muốn làm thêm bảo tàng có tính chất chuyên ngành thì không được phép mà phải làm theo dạng phòng trưng bày hoặc nhà trưng bày, nhưng bản chất lại là bảo tàng”, Bộ trưởng chỉ ra bất cập trong thực tế và cho biết, hướng tiếp cận mới là đa dạng hóa mô hình bảo tàng để cung cấp dịch vụ tốt hơn, đáp ứng yêu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân.

Đề cập đến bảo tàng số, Bộ trưởng cho biết: Hiện nay luật chưa được thể chế, kể cả trong quy định của quốc tế nhưng để đón bắt với công nghệ, cơ quan soạn thảo đã bổ sung quy định trưng bày trên không gian mạng, khi có đủ độ “chín” thì tính toán xây dựng bảo tàng số.

Chính sách cho nghệ nhân đầy đủ hơn, huy động các nguồn lực cho di sản

 Về chính sách nghệ nhân được các đại biểu Quốc hội rất quan tâm, Tư lệnh ngành Văn hoá nhấn mạnh:  Nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích và di sản. Chính vì vậy, khắc phục những bất cập của Luật trước đây, trong sửa đổi lần này không chỉ dừng lại chính sách cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn mà còn cho tất cả nghệ nhân khi đã được vinh danh đều được hưởng các chế độ, chính sách Nhà nước, trong đó, có chế độ mai táng, sinh hoạt phí hàng tháng… Ngoài ra, tùy theo nguồn lực địa phương, có thể khuyến khích HĐND quyết định  chính sách riêng để động viên nghệ nhân trao truyền, giảng dạy.

Bao quát nhưng không bỏ lọt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn - ảnh 3

Nghệ nhân giữ vai trò rất quan trọng trong bảo tồn, phát huy giá trị di tích và di sản. Chính vì vậy, khắc phục những bất cập của Luật trước đây, trong sửa đổi lần này không chỉ dừng lại chính sách cho các nghệ nhân có hoàn cảnh khó khăn mà còn cho tất cả nghệ nhân khi đã được vinh danh đều được hưởng các chế độ, chính sách Nhà nước, trong đó, có chế độ mai táng, sinh hoạt phí hàng tháng… Ngoài ra, tùy theo nguồn lực địa phương, có thể khuyến khích Hội đồng nhân dân quyết định  chính sách riêng để động viên nghệ nhân trong công tác trao truyền, giảng dạy.

 Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Một trong những nội dung cũng được các đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm là đảm bảo nguồn lực để bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá.

Về nội dung này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết: Chúng tôi đề nghị cần có quỹ để hỗ trợ bảo tồn di tích, di sản. Cơ sở của việc đề nghị là từ trong thực tế đã được kiểm nghiệm. Cụ thể, Quốc hội vừa qua chấp thuận cho Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện. Thực tế Thừa Thiên Huế chỉ trong thời gian ngắn sau khi thông qua loại quỹ này đã có điều kiện để tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Quỹ này huy động các nguồn lực khác nhau để trùng tu, tôn tạo, phát huy giá trị di tích. Nếu chỉ chờ nguồn lực Nhà nước, đầu tư công sẽ rất khó khăn.

Phân cấp, phân quyền triệt để cho các địa phương

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Về phân cấp, chúng tôi cố gắng phân cấp triệt để cho các địa phương trên cơ sở cấp nào công nhận di tích thì cấp đó có toàn quyền quyết định những vấn đề thuộc về bảo tồn di tích và nâng cấp.

Liên quan đến nội dung xây dựng, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại các khu vực dân cư tập trung tại vùng lõi và vùng đệm của di sản, Bộ trưởng bày tỏ, đây là vấn đề thực tế đang đặt ra. Các địa phương cũng gặp vấn đề này vì thường xuyên có đơn thư gửi đến nhưng lại không có cơ sở pháp luật để xử lý. Nếu dựa vào luật là xây dựng thì được cấp phép sửa chữa ngay nhưng nằm trong khu di tích thì lại lúng túng.

Bao quát nhưng không bỏ lọt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn - ảnh 4

Chúng tôi cố gắng phân cấp triệt để cho các địa phương trên cơ sở cấp nào công nhận di tích thì cấp đó có toàn quyền quyết định những vấn đề thuộc về bảo tồn di tích và nâng cấp.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

“Chúng tôi cùng với các địa phương cố gắng giải quyết bài toán này. Vừa qua, Thừa Thiên Huế di tản toàn bộ nhà ở trong khu vực Đại Nội. Có thể xem đây như là cuộc “đại cách mạng” mà nhờ có ngân sách Trung ương mới triển khai được khu tái định cư. Tuy nhiên đây là nhà ở tập trung, còn vấn đề đặt ra ở đây là nhà ở riêng lẻ. Do đó cần phải giải quyết hài hòa, trên cơ sở ủy quyền cho các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương xem xét thấu đáo từng trường hợp cụ thể. Về lâu dài, chính quyền địa phương phải lập dự án, có chính sách đền bù thoả đáng để đưa người dân ra khỏi khu di tích”, Bộ trưởng nói và khẳng định trước khi kết thúc phần giải trình: “Các ý kiến của các đại biểu Quốc hội sẽ được cơ quan soạn thảo tiếp thu, đảm bảo không có ý kiến nào không được tiếp thu, xem xét. Chúng tôi sẽ phối hợp với cơ quan thẩm tra để soạn thảo Luật theo hướng đảm bảo chất lượng, có sự bao quát nhất”.

Với thời lượng 10 phút, như Bộ trưởng nói, không thể trả lời hết tất cả 24 ý kiến của các đại biểu Quốc hội, nhưng ngoài những vấn đề chung, có tính nguyên tắc khi xây dựng dự án Luật, Bộ trưởng đã dành thời gian thích đáng, giải trình thấu đáo, rõ ràng, cụ thể, được các đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

Hồ sơ dự án luật công phu, kỹ lưỡng

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, các ý kiến phát biểu của các đại biểu Quốc hội đều tâm huyết, chất lượng, thẳng thắn, ngắn gọn, sát thực tiễn, đi thẳng vào vấn đề, tiếp cận dự án với nhiều nội dung phong phú, sâu sắc, trên tinh thần xây dựng và trách nhiệm cao.

Đây là dự án luật sửa đổi cho ý kiến lần đầu, qua thảo luận sáng nay và thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của luật, cơ bản thống nhất quan điểm sửa đổi luật này một cách toàn diện, nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Bao quát nhưng không bỏ lọt những vấn đề cụ thể trong thực tiễn - ảnh 5

 Đây là dự án luật sửa đổi cho ý kiến lần đầu, qua thảo luận sáng nay và thảo luận ở tổ, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao Chính phủ và cơ quan chủ trì thẩm tra đã chuẩn bị hồ sơ dự án luật công phu, kỹ lưỡng, lắng nghe ý kiến của các cơ quan liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, các đối tượng chịu sự tác động của luật, cơ bản thống nhất quan điểm sửa đổi luật này một cách toàn diện, nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những khó khăn, vướng mắc, giải quyết các vấn đề phát sinh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nhiều đại biểu nhấn mạnh, yêu cầu cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ lưỡng các nội dung để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của dự thảo Luật với các luật có liên quan, các quy định trong dự thảo Luật về quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản; vấn đề phân cấp, phân quyền trong quản lý, bảo vệ, phát huy di sản; mối quan hệ giữa 3 nội dung này trong dự án Luật.

Nhiều ý kiến phát biểu về các nội dung như: chính sách của Nhà nước về di sản văn hóa, sở hữu di sản văn hóa, khu vực bảo vệ của di tích, hợp tác công – tư trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản, sự cần thiết của Quỹ bảo tồn và phát huy di sản…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, sau Kỳ họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến phát biểu tại hội trường và các ý kiến thảo luận tại tổ để xây dựng Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8.