Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 7:

Quốc hội thảo luận dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi)

TÙNG QUANG; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Trong tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội sẽ thảo luận dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) cùng với 10 dự án luật khác, đồng thời tiếp tục thảo luận chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Quốc hội thảo luận dự án Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) - ảnh 1
Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV

Trong tuần làm việc thứ 4 (17 – 21.6.2024) của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội tập trung cho công tác lập pháp.

Theo đó, Quốc hội thảo luận về các dự án Luật gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật Phòng không nhân dân; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).

Quốc hội biểu quyết thông qua: Luật Lưu trữ (sửa đổi) và Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2025.

Theo chương trình, trong tuần làm việc, Quốc hội cũng thảo luận về: Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065; Chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.

Trước đó, từ ngày 20.5 đến ngày 8.6 diễn ra đợt 1 của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV theo hình thứ họp tập trung tại Nhà Quốc hội. Tại đợt họp này, Quốc hội đã tiến hành xem xét, cho ý kiến vào những nội dung quan trọng như: công tác nhân sự; đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024; thực hiện phiên chất vấn và trả lời chất vấn; thông qua một số Nghị quyết quan trọng...

Đặc biệt, trong phiên thảo luận tại tổ về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các đại biểu Quốc hội tán thành với sự cần thiết đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035. Theo các đại biểu Quốc hội, đây là Chương trình hết sức quan trọng, nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đặc biệt là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Tiếp đó, năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương đã yêu cầu, nghiên cứu trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về xây dựng Chương trình này.

Đại biểu Quốc hội cũng đánh giá rất cao Chương trình đã được Chính phủ, Bộ VHTTDL rất tích cực, dày công chuẩn bị nội dung. Chương trình đã được hoàn thiện, chỉnh sửa nhiều lần trên cơ sở ý kiến góp ý của các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, ý kiến của Hội đồng thẩm định Nhà nước; ý kiến thẩm tra của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035, được Chính phủ xây dựng bao gồm các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp nhằm phát triển văn hóa Việt Nam trong giai đoạn 2025 - 2035 trên phạm vi cả nước, phù hợp với quy định về chương trình mục tiêu quốc gia theo khoản 9 Điều 4 Luật Đầu tư công.

Việc đầu tư Chương trình ở thời điểm hiện nay đáp ứng đầy đủ căn cứ chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn; tiếp tục khẳng định các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hoá đối với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển bền vững đất nước;...

Đồng thời, việc thực hiện Chương trình sẽ góp phần tăng cường nguồn lực đầu tư, đáp ứng yêu cầu bức thiết về phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.