Quốc hội thảo luận tại tổ:

Cần thiết phải ban hành Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Góp ý cho Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi) trong phiên thảo luận tổ của Quốc hội vào chiều 18.6, các đại biều đều thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về văn hoá nói chung, di sản văn hoá nói riêng.

Cần thiết phải ban hành Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)  - ảnh 1

Đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) phát biểu trong phiên họp tổ

Đại biểu Đỗ Văn Yên (Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, ông thống nhất với sự cần thiết phải ban hành Luật nhằm thể chế hoá chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về văn hoá và di sản văn hoá phù hợp với tình hình mới và khắc phục một số hạn chế phát sinh trong thực tiễn.

Góp ý cho quy định về dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích tại Điều 34, đại biểu cho biết, qua nghiên cứu thực tế, ông nhận thấy hầu hết các địa phương đã ban hành Quy chế phân cấp cho cấp huyện quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích trên địa bàn theo các địa phương quản lý. Cho nên có trường hợp cấp quyết định đầu tư là UBND cấp huyện theo thẩm quyền được giao thì UBND cấp tỉnh đồng ý chủ trương đầu tư và uỷ quyền. Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt dự án bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích, thực hiện sau khi có ý kiến thẩm định của Sở VHTTDL đối với di tích cấp tỉnh. "Do đó tôi đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cần bổ sung luật hoá vấn đề đang triển khai trong thực tiễn nói trên vào nội dung khoản 3 Điều 34 cho phù hợp.

Cần thiết phải ban hành Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)  - ảnh 2
Bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản Văn hoá - Bộ VHTTDL tại phiên họp tổ chiều 18.6

Đại biểu Phạm Trong Nghĩa (Uỷ viên chuyên trách Uỷ ban Xã hội của Quốc hội) đánh giá hồ sơ dự án Luật được chuẩn bị công phu, bảo đảm đầy đủ các thành phần hồ sơ theo quy định tại Điều 64 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Góp ý cho dự thảo luật, ông đề nghị rà soát dự thảo Luật với các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, nhất là các luật như: Luật Lưu trữ, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư, Luật Quy hoạch, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Khoáng sản,... để có cơ sở xây dựng các quy định bảo đảm chất lượng, khả thi.

"Đề nghị tiếp tục rà soát, nghiên cứu Các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên: Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa (Công ước ICESCR), Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị (Công ước ICCPR), đặc biệt là các Công ước của UNESCO như Công ước Bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới năm 1972 - phê chuẩn 1987, Công ước Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể năm 2003  - phê chuẩn 2005...", đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị.

Cần thiết phải ban hành Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)  - ảnh 3
Quốc hội tiến hành thảo luận ở tổ vào chiều 18.6

Góp ý cho dự thảo Luật, đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) cho biết, ông đồng ý với sự cần thiết phải sửa đổi Luật Di sản Văn hoá như Tờ trình của Chính phủ nhằm tiếp tục thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, nhà nước; Khắc phục những khó khăn, vướng mắc do luật hiện hành quy định; Giải quyết các vấn đề mới phát sinh trong giai đoạn hiện nay; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa; Đáp ứng các cam kết quốc tế mà Việt Nam tham gia là thành viên về việc bảo tồn các di sản văn hoá.

Tán thành với hồ sơ dự thảo Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi), đại biểu Lưu Bá Mạc (Lạng Sơn) đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bổ sung thêm quy định có liên quan đến việc quản lý, phát triển, bảo vệ và phát huy giá trị của mô hình công viên địa chất, nhất là những công viên địa chất trong nước đã và đang được UNESCO công nhận hoặc xem xét công nhận là công viên địa chất toàn cầu. Trong đó đều có liên quan đến di sản văn hoá phi vật thể, di sản văn hoá vật thể, di tích lịch sử - văn hoá, di sản địa chất, danh lam thắng cảnh. Từ đó góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.

Cần thiết phải ban hành Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)  - ảnh 4
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng và các đại biểu Quốc hội

Lí do đại biểu nêu ra là năm 2014, Đề án "Bảo tồn di sản địa chất, phát triển và quản lý mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam, tầm nhìn đến năm 2030", đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1590/QĐ-TTg. Hiện nay, Việt Nam đã có 3 công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Đồng thời, đã có một số địa phương, trong đó bao gồm tỉnh Lạng Sơn, cũng đã và đang trong quá trình xây dựng, phát triển công viên địa chất toàn cầu.

Tuy nhiên, đến nay chưa có hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật, cũng như chưa cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc triển khai mô hình công viên địa chất toàn cầu UNESCO. Do vậy, việc nghiên cứu, bổ sung quy định có liên quan đến thể chế, chính sách liên quan đến công viên địa chất, mạng lưới công viên địa chất ở Việt Nam, góp phần phát triển du lịch bền vững là hết sức cần thiết.