Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi):

Tập trung vào 3 nhóm chính sách

THU SÂM; ảnh: TRẦN HUẤN

VHO - Trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) trong phiên họp của Quốc hội vào chiều 18.6, Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, dự thảo Luật bổ sung 1 loại hình di sản văn hoá mới, gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành (7 chương 73 điều).

 Tập trung vào 3 nhóm chính sách - ảnh 1
Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng trình bày Tờ trình về dự thảo Luật Di sản văn hoá (sửa đổi)

Cụ thể, Chương I. Những quy định chung, gồm 8 điều (từ Điều 1 đến Điều 8); Chương II. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể, gồm 11 điều (từ Điều 9 đến Điều 19); Chương III. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa vật thể, gồm 31 điều (từ Điều 20 đến Điều 50).

Chương IV. Bảo vệ và phát huy giá trị di sản tư liệu gồm 11 điều (từ Điều 51 đến Điều 61);  Chương V. Bảo tàng, gồm 14 điều (từ Điều 62 đến Điều 75); Chương VI. Hoạt động kinh doanh, dịch vụ di sản văn hóa, gồm 4 Điều (từ Điều 76 đến Điều 79); Chương VII. Điều kiện đảm bảo hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa, gồm 11 điều (từ Điều 80 đến Điều 90); Chương VIII. Quản lý nhà nước về di sản văn hóa, gồm 09  điều (từ Điều 91 đến 99); Chương IX. Điều khoản thi hành, gồm 3 điều (từ điều 100 đến 102).

Về nội dung cơ bản và những điểm mới của dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Bộ trưởng thông tin, trên cơ sở kế thừa các nội dung còn phù hợp của Luật Di sản văn hóa năm 2001, được sửa đổi, bổ sung năm 2009, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) tập trung vào 3 nhóm chính sách đã được Chính phủ và Quốc hội thông qua tại hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật.

 Tập trung vào 3 nhóm chính sách - ảnh 2
Toàn cảnh phiên họp chiều 18.6

Trong đó hoàn thiện các quy định về chính sách của nhà nước về bảo vệ phát huy giá trị di sản văn hóa, vấn đề về sở hữu và quyền sở hữu, quyền liên quan đối với di sản văn hoá, quy định về bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa ở các lĩnh vực di sản văn hoá phi vật thể, di sản văn hoá vật thể gồm di tích, di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia, di sản tư liệu, bảo tàng, về trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành địa phương.

Trong đó đối với Chính sách 1, Bộ VHTTDL đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với các nội dung: Rà soát, hoàn thiện một số thuật ngữ liên quan để tạo ra nhận thức và cách hiểu thống nhất trong thực thi và áp dụng pháp luật; Quy định rõ quyền sở hữu, quyền khác đối với di sản văn hóa, tạo cơ sở để xác định rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của các đối tượng chủ sở hữu, tổ chức, cá nhân được giao sử dụng di sản văn hóa và các tổ chức, cá nhân trong xã hội đối với hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản và việc xác lập quyền sở hữu.

Quy định rõ di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng được chuyển nhượng thông qua mua bán dân sự, trao đổi, tặng cho, thừa kế ở trong nước để gia tăng giá trị của di sản, chỉ cấm kinh doanh mua bán bảo vật quốc gia thuộc sở hữu chung, sở hữu riêng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư và Luật Thương mại; cấm kinh doanh xuất khẩu di vật, cổ vật nhằm tránh mất mát di sản văn hoá ra nước ngoài;

 Tập trung vào 3 nhóm chính sách - ảnh 3

Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật gồm 9 chương 102 điều, tăng 2 chương, 29 điều so với Luật Di sản văn hóa hiện hành

Quy định hoạt động kinh doanh giám định di vật, cổ vật nhằm ngăn chặn kinh doanh, mua bán trái phép di vật, cổ vật và làm mất mát di sản văn hóa; Bổ sung quy định mua và đưa cổ vật có nguồn gốc Việt Nam ở nước ngoài về nước; Bổ sung quy định xác lập cơ chế ghi danh, công nhận, các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa có phạm vi phân bố liên tỉnh, liên quốc gia;

Quy định cụ thể về di sản tư liệu, nguyên tắc thực hành di sản văn hóa phi vật thể và biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị di sản trên cơ sở nội luật hóa các Điều ước quốc tế về di sản văn hóa mà Việt Nam là thành viên: từ việc nhận diện, kiểm kê, ghi danh, xếp hạng, công nhận; lập và triển khai quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án, dự án bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa...

Đối với Chính sách 2, Bộ VHTTDL đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với các nội dung cụ thể: Quy định phân cấp, phân quyền đảm bảo các nguyên tắc về phân cấp, phân quyền trên cơ sở quy định của pháp luật liên quan. Trong đó, có quy định cụ thể về nội dung phân cấp, phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương, rõ trách nhiệm quản lý nhà nước từ trung ương đến địa phương;

Quy định rõ cơ chế, nguyên tắc phối hợp giữa các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong quản lý nhà nước về di sản văn hóa; Quy định rõ về nội dung, nhiệm vụ, trách nhiệm để phân định rõ các nội dung hoạt động và trách nhiệm của các tổ chức được giao quản lý, bảo vệ, sử dụng và phát huy giá trị di sản văn hóa.

 Tập trung vào 3 nhóm chính sách - ảnh 4
Quốc hội nghe Tờ trình về dự thảo Luật Di sản Văn hoá (sửa đổi)

Bổ sung quy định về chuyển đổi số, xây dựng, cập nhật quản lý, khai thác cơ sở dữ liệu về di sản văn hoá; ứng dụng khoa học công nghệ thông tin, tuyên truyền quảng bá di sản; Quy định  về thanh tra, nội dung kiểm tra nhằm phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm pháp luật, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa.

Đối với Chính sách 3, Bộ VHTTDL đã nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện với nội dung cụ thể như: Quy định cụ thể về nguồn lực cho hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hoá gồm gồm tài chính, nhân lực; Quy định rõ về hoạt động kinh doanh, dịch vụ về di sản văn hóa;

Quy định về Quỹ bảo tồn di sản văn hóa; Về khai thác, sử dụng di sản, về xã hội hóa, về hợp tác công tư để đầu tư, phát huy giá trị di sản trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển công nghiệp văn hóa…bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển bền vững.

Về bảo đảm tính thống nhất của văn bản quy phạm pháp luật, xác định đây là bộ luật có phạm vi tác động lớn, liên quan tới nhiều ngành, lĩnh vực, Bộ VHTTDL đã chủ động rà soát, phối hợp chặt chẽ với các Bộ để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, làm rõ và khắc phục các chồng chéo giữa văn bản pháp luật về di sản văn hóa với các luật khác như Luật Lưu trữ, Bộ luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Quy hoạch, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Doanh nghiệp, Luật Ngân sách Nhà nước… bảo đảm thống nhất các quy định về thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực này; nhất là chỉnh lý 02 Dự thảo Luật Di sản văn hóa (sửa đổi) và Dự thảo Luật Lưu trữ (sửa đổi) giải quyết triệt để giao thoa, chồng lấn về tiêu chí và các biện pháp bảo vệ, phát huy giá trị giữa đối tượng tài liệu lưu trữ có giá trị đặc biệt, tài liệu lưu trữ tư có giá trị đặc biệt được công nhận bảo vật quốc gia, ghi danh di sản tư liệu.