“Ánh sáng” soi đường, chỉ lối cho giới văn nghệ sĩ

ĐÌNH TOÁN - NGỌC NHIÊN - ĐÀO ANH (thực hiện)

VHO - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhà văn hóa lớn, nhà lãnh đạo hết lòng vì sự phát triển của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Đối với văn nghệ sĩ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành nhiều sự quan tâm, đặt nhiều kỳ vọng.

“Ánh sáng” soi đường, chỉ lối cho giới văn nghệ sĩ - ảnh 1

 Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với văn nghệ sĩ và các đại biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021. Ảnh: TRẦN HUẤN

 Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại niềm tiếc thương vô hạn trong mọi tầng lớp nhân dân, giới văn nghệ sĩ. Dù đã đi xa nhưng những chỉ đạo của Tổng Bí thư về phát triển văn hóa, nghệ thuật nước nhà sẽ vẫn còn đó; là “ánh sáng” soi đường, chỉ lối cho văn nghệ sĩ.

Tổng Bí thư luôn dành trọn tâm huyết cho phát triển văn hóa, văn nghệ

“Ánh sáng” soi đường, chỉ lối cho giới văn nghệ sĩ - ảnh 2

NSNA Vũ Huyến và cuốn sách mi xuất bản trân trng tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào năm 2022

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”. Tầm nhìn vượt thời đại của Tổng Bí thư đã cho thấy bên cạnh đẩy mạnh sản xuất, phát triển kinh tế, văn hóa phải được quan tâm đúng mức, phát triển theo chiều sâu.

Từ những chỉ đạo của Tổng Bí thư cũng có thể thấy, phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) phải trên trục coi đây là tinh hoa, làm cơ sở để phát triển văn hóa. Đặc biệt, phải coi các tác phẩm VHNT như một “hàng hóa tinh thần” đặc biệt. VHNT phải góp phần quan trọng vào rèn luyện nhân cách, lý trí con người. Việc cho ra đời các tác phẩm VHNT chất lượng phải là cái đích để văn nghệ sĩ hướng đến mà cống hiến. Những người làm công tác trong lĩnh vực văn hóa, văn nghệ phải xác định lao động nghệ thuật là để “khai sáng” chứ không chỉ đơn thuần là hưởng thụ.

Nhờ có những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, đầy tính thuyết phục, phát triển văn hóa Việt Nam đã có nhiều bước tiến lớn. Ngay cả những nơi xa xôi, khó khăn nhất của Tổ quốc, văn hóa cũng được quan tâm đầu tư, phát triển. Tôi nhớ đến những ngày ở huyện đảo Bạch Long Vĩ. Khi nhắc đến huyện đảo, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ đây là nơi đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, chứ chưa nói đến việc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ. Thế nhưng dưới sự quan tâm, chỉ đạo của Đảng, đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nơi đây đã xây dựng được một nhà văn hóa đa năng; là nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, văn nghệ, thể thao phục vụ bà con. Có thể nói, những chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng về phát triển văn hóa, văn nghệ đã củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

(NSNA VŨ HUYẾN)

Mất mát không thể bù đắp của dân tộc

Những ngày qua, khi nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, nhân dân đủ mọi tầng lớp đã nói đến ông với niềm tôn kính, tiếc thương vô hạn. Trong sự nghiệp lãnh đạo của mình, Tổng Bí thư đã để lại những dấu ấn không thể phai mờ trong trái tim mỗi người. Tổng Bí thư là người học tập, làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh một cách thành thật, trung thành nhất. 80 năm tuổi đời và 57 năm tuổi Đảng, cuộc đời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã dành trọn cho Đảng, Tổ quốc và nhân dân mà không một chút toan tính cá nhân. Những gì thuộc về danh dự của Đảng, Tổ quốc, Tổng Bí thư coi là nhiệm vụ trọng đại, kiên quyết bảo vệ, giữ gìn. Dù trong hoàn cảnh nào, những chỉ đạo, chia sẻ của Tổng Bí thư luôn được cán bộ và nhân dân tin tưởng tuyệt đối.

Với VHNT, Tổng Bí thư là người am hiểu rất rõ. Vì thế, ông luôn căn dặn, nhắc nhở anh chị em trong giới lãnh đạo, cũng như các văn nghệ sĩ về vị trí, vai trò của VHNT. VHNT giữ vai trò vô cùng quan trọng đối với công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Khi quán triệt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, không bao giờ Tổng Bí thư nói lý thuyết chung chung. Ông còn trích dẫn những tác phẩm mà ông từng đọc và yêu thích. Vì thế, lời nói của Tổng Bí thư có tác động mạnh mẽ, thấm sâu trong tâm hồn những người hoạt động VHNT.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn coi VHNT là “tâm hồn” dân tộc. Trong các Hội nghị, giới văn nghệ sĩ đều lắng nghe, đồng tình với quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư. Dù bận trăm công nghìn việc, Tổng Bí thư luôn dành trọn tình cảm cho văn nghệ sĩ. Với văn nghệ sĩ, những hình ảnh giản dị của Tổng Bí thư sẽ vẫn mãi trong tim họ. Tổng Bí thư là tấm gương sáng để văn nghệ sĩ noi theo, tiếp tục cống hiến vì sự phát triển VHNT nước nhà.

(Nhà văn LÊ HOÀI NAM, nguyên Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nam Định)

Vô tư cống hiến như lời căn dặn của Tổng Bí thư

Tôi vinh dự khi từng vài lần được hát tại các chương trình có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự. Tôi nhớ nhất năm 2019, hát cho chương trình Xuân quê hương phục vụ khán giả Việt Nam và kiều bào tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia. Hôm ấy, tôi hát các bài Người mẹ của tôi, Mẹ tôi Trên đỉnh Phù Vân. Để hòa chung bầu không khí vui tươi, phấn khởi, Tổng Bí thư còn vỗ tay, hát theo những giai điệu của bài hát Nối vòng tay lớn.

Bác và phu nhân đã ngồi xem từ đầu đến cuối và dành cho các nghệ sĩ những bó hoa tươi thắm nhất. Được vinh dự bắt tay Tổng Bí thư, cảm nhận được sự ấm áp mà Tổng Bí thư mang lại, đó là vinh dự lớn trong cuộc đời làm nghệ thuật của Tùng Dương. Những cử chỉ, ánh mắt trìu mến của bác Trọng đã cho thấy bác luôn dành những tình cảm trân quý, sự quan tâm dành cho các nghệ sĩ.

Trong suy nghĩ của không chỉ riêng Tùng Dương, giới nghệ sĩ mà còn của bao người dân Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một người lãnh đạo tận tụy vì nước, vì dân; là tấm gương sáng ngời, mẫu mực về đạo đức cách mạng của người chiến sĩ cộng sản. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là hình mẫu cho phong cách lãnh đạo giản dị, gần dân, sát dân, luôn vì lợi ích của nhân dân; một đời liêm khiết; nói được, làm được. Cả cuộc đời, Tổng Bí thư đã dành hết sức mình cho công cuộc xây dựng Đảng và sự phát triển đất nước. Sự quyết liệt của Tổng Bí thư trong những chỉ đạo đã truyền cảm hứng để giới nghệ sĩ cố gắng và nỗ lực. Trong đó, phải tăng cường hội nhập nhưng vẫn chú trọng giữ vững bản sắc văn hóa dân tộc.

Bản thân Tùng Dương được truyền cảm hứng rất lớn từ câu nói của Tổng Bí thư “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!”. Do đó, Tùng Dương mong muốn không chỉ giới văn nghệ sĩ mà mọi tầng lớp nhân dân hãy luôn sống với tâm trong sạch, cống hiến hết mình để không phải hối tiếc một điều gì, như những gì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã căn dặn.

(Ca sĩ TÙNG DƯƠNG)

Tổng Bí thư luôn dành những tình cảm đặc biệt cho văn nghệ sĩ

Tôi có hai lần vinh dự được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong các cuộc gặp mặt của bác với văn nghệ sĩ. Hai lần gặp là hai lần Tổng Bí thư siết chặt tay trìu mến và thân thiện. Lần nào gặp, chúng tôi cũng được bác dặn dò: “Nhớ người nghệ sĩ phải là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng!”. Khi ấy, tôi đã hứa với bác: “Em sẽ cùng các nghệ sĩ cống hiến cho nền sân khấu nước nhà!”. Lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là động lực để tôi cống hiến hết mình vì nghệ thuật, vì nhân dân. Và giờ, tôi tự hứa với Tổng Bí thư sẽ cống hiến đến khi không còn sức lực nữa.

Tôi còn nhớ tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam vào năm 2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định, đội ngũ văn nghệ sĩ gắn bó mật thiết với đời sống của nhân dân. “Trách nhiệm xã hội của văn nghệ sĩ đã được khẳng định và đánh giá cao. Tài năng và nhiệt huyết của văn nghệ sĩ đóng góp xứng đáng vào việc hình thành hệ giá trị mới, xây dựng nền văn hóa, VHNT Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Chính tình hình tư tưởng, tình cảm của đội ngũ trí thức văn nghệ sĩ hiện nay đã góp phần quan trọng vào sự ổn định chính trị của xã hội, sự phát triển của đất nước”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh. Tổng Bí thư cũng nhắc nhở, văn nghệ sĩ đừng để sự tầm thường, dễ dãi ám ảnh mình.

Sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát to lớn của đất nước nói chung và văn hóa - nghệ thuật nói riêng. Nghệ sĩ quý, kính trọng vì Tổng Bí thư đã rất sát sao, hết mình vì sự phát triển của văn hóa, VHNT. Trong những bài nói, phát biểu, chỉ đạo... Tổng Bí thư luôn lồng vào những câu thơ, trích dẫn, các tác phẩm nghệ thuật.

Đây không chỉ cho thấy sự am hiểu sâu rộng của một nhà lãnh đạo, mà còn “gieo” vào nghệ sĩ chúng tôi rất nhiều thiện cảm. Tình cảm Tổng Bí thư dành cho văn nghệ sĩ rất chân thành là một lẽ, quan trọng hơn, những chỉ đạo của Tổng Bí thư luôn rất đúng, trúng, kịp thời và sát với thực tiễn hoạt động văn hóa - nghệ thuật. Những câu nói giản dị, gần gũi, ấm áp khiến cho mỗi người đều cảm thấy như chính mình đang được nhận sự quan tâm, khích lệ của Tổng Bí thư. Những lời căn dặn của Tổng Bí thư đã động viên, thúc đẩy chúng tôi rất nhiều trong quá trình làm nghề.

(NSND LỆ NGỌC, Chủ tịch Sân khấu Lệ Ngọc)