Tiếp tục giải pháp tài chính cho dự phòng HIV/AIDS

VHO – Việt Nam đã giảm tới 57% số ca nhiễm mới HIV trong một thập kỷ qua. Đây là kết quả của nỗ lực của Việt Nam trong các giải pháp nhằm đạt mục xóa bỏ dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Ngày 14.6, Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Tổ chức sức khỏe toàn cầu PATH và Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo tổng kết dự án “Thúc đẩy tăng trưởng thị trường” kéo dài 8 năm qua; đồng thời khởi động dự án “Hỗ trợ kỹ thuật và bền vững khu vực tư nhân tại Việt Nam” (STEPS).

Tiếp tục giải pháp tài chính cho dự phòng HIV/AIDS - Anh 1

Toàn cảnh Hội thảo

Dự án “Thúc đẩy tăng trưởng thị trường” được triển khai từ năm 2014 đến năm 2021. Thông qua dự án này, USAID và PATH đã phối hợp với Cục Phòng, chống HIV/AIDS Việt Nam (VAAC), Bộ Y tế để triển khai chương trình theo cách tiếp cận bền vững nhằm gia tăng đầu tư, tạo cầu và tăng cung các hàng hóa và dịch vụ HIV mới. 
Thông qua dự án, những mô hình mới và sáng tạo như dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng, tự xét nghiệm HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV (PrEP) được mở rộng. Cụ thể, bộ dụng cụ tự xét nghiệm HIV hiện được bán rộng rãi tại các nhà thuốc và các kênh thương mại điện tử giúp những người có nguy cơ dễ dàng tiếp cận, trong khi đó dịch vụ xét nghiệm HIV tại cộng đồng đã được triển khai tại 33 trên 63 tỉnh, thành phố và dịch vụ PrEP đã được mở rộng tới 29 tỉnh, thành phố. Chỉ tính thông qua các mô hình dịch vụ do dự án hỗ trợ, đã có gần 218.000 người được xét nghiệm HIV tại cộng đồng, trong đó 8.986 người được chẩn đoán nhiễm HIV mới và được kết nối với dịch vụ điều trị. Ngoài ra, hơn 46.000 bộ dụng cụ tự xét nghiệm HIV đã được phân phát miễn phí và 16.700 người đã sử dụng PrEP – loại thuốc uống có hiệu quả ngăn ngừa lây nhiễm HIV khi tuân thủ chỉ định.
Bên cạnh đó, dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường đã khẳng định lại vai trò của cộng đồng trong công cuộc phòng, chống HIV/AIDS. Đây là điều vô cùng quan trọng bởi cộng đồng đích có nguy cơ cao nhiễm HIV như nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, nhóm chuyển giới nữ, người hành nghề mại dâm và người tiêm chích ma tuý thường có nhu cầu được nhận tư vấn về HIV và các dịch vụ sức khoẻ khác từ chính các đồng đẳng viên trong cộng đồng của họ. Điêu này góp phần làm giảm tới 57% số ca nhiễm mới HIV trong một thập kỷ qua.
Để tiếp nối thành công các kết quả đạt được trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, các cơ quan nêu trên đã công bố dự án mới “Hỗ trợ kỹ thuật và bền vững khu vực tư nhân tại Việt Nam” (STEPS) trị giá 15 triệu đô la và thực hiện trong 5 năm. Dự án trị giá 12,6 triệu USD sẽ được thực hiện đối tác chiến lược là Doanh nghiệp xã hội Glink để duy trì những nỗ lực đạt được từ dự án Thúc đẩy tăng trưởng thị trường và phát triển hơn nữa thị trường dịch vụ chăm sóc HIV và sức khỏe ban đầu. Với hơn 95% thị trường PrEP (theo đường uống) hiện tại do các nhà tài trợ quốc tế hỗ trợ, trọng tâm chính của dự án là tập trung tăng cường các giải pháp tài chính bền vững cho chương trình PrEP thông qua kết hợp các dịch vụ PrEP thương mại, tài trợ công và miễn phí.

V.THANH

Ý kiến bạn đọc