Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TP.HCM rất lớn
VHO- Trước tình trạng thiếu vắc xin sởi đơn để tiêm cho trẻ khi đủ 9 tháng tuổi và vắc xin DPT (vắc xin bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm khi trẻ đủ 18 tháng tuổi theo Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), ngày 15.9, Sở Y tế TP.HCM đưa ra cảnh báo đáng lo ngại, đó là nguy cơ cao về đợt bùng phát mạnh dịch sởi, khả năng TP.HCM phải đối mặt thêm nhiều áp lực khi dịch sởi bùng phát, chồng lên các dịch bệnh hiện hữu (dịch sốt xuất huyết và Covid-19) là rất lớn.
Nguy cơ bùng phát dịch sởi tại TP.HCM rất lớn (ảnh minh họa)
Sở Y tế TP.HCM cho biết, dù đã ba lần (vào các tháng 6, 8 và 9) gửi công văn báo cáo và đề nghị Bộ Y tế chỉ đạo Chương trình tiêm chủng quốc gia phân bổ đủ số lượng vắc xin kịp thời cho thành phố, thế nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được cung cấp nguồn vắc xin. Trong khi đó, nhu cầu vắc xin sởi và vắc xin DPT hằng tháng của TP.HCM cần hơn 8.000 liều cho mỗi loại.
Hiện thành phố đang thiếu hai loại vắc xin sởi đơn dùng để tiêm cho trẻ khi đủ 9 tháng tuổi và vắc xin DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) tiêm cho trẻ khi đủ 18 tháng tuổi trong Chương trình TCMR. Các mũi vắc xin cơ bản có thành phần bạch hầu - ho gà - uốn ván lúc trẻ được 2-4 tháng tuổi vẫn có đủ vắc xin cung ứng. Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất hiện nay chính là sự gián đoạn nguồn cung ứng vắc xin sởi nên nguy cơ tái bùng phát dịch sởi trong năm nay là rất lớn. Theo yêu cầu của Chương trình TCMR, để có thể kiểm soát được dịch sởi, tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi phải đạt ít nhất 95% ở trẻ dưới 1 tuổi. Thế nhưng tại TP.HCM, tính đến hết tháng 8 vừa qua, trẻ sinh năm 2020 có tỷ lệ tiêm nhắc sởi mũi 2 (lúc 18 tháng tuổi) mới chỉ đạt 75,3% (thiếu 19,7% so với chỉ tiêu 95%); đối với trẻ sinh năm 2019, tỷ lệ tiêm sởi mũi 2 đạt 83,6% (vẫn thiếu 11,4% so với chỉ tiêu 95%). Bên cạnh đó, trong thời gian qua, tỷ lệ tiêm vắc xin sởi mũi 1 cho trẻ sinh năm 2021 vẫn chưa đạt do nguồn vắc xin sởi bị gián đoạn, chỉ mới đạt 79,9% (thiếu 15,1% so với chỉ tiêu đạt 95%).
Càng đáng lo ngại hơn, trên thực tế cứ 4 năm một lần, dịch sởi lại xảy ra theo chu kỳ, gần nhất là các đợt bùng phát dịch sởi vào những năm 2013-2014, nhất là dịch sởi năm 2018-2019. Thực trạng tỷ lệ tiêm vắc xin sởi tại TP.HCM trong 3 năm qua (từ 2019-2021) không đạt yêu cầu đề ra do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nay lại bị gián đoạn về nguồn vắc xin, cùng với chu kỳ 4 năm xảy ra dịch theo thông lệ khiến nguy cơ dịch sởi tái bùng phát là lớn hơn rất nhiều lần so với những đợt dịch trước. Đây là điều Sở Y tế TP.HCM cảnh báo.
Để ứng phó tạm thời, Sở Y tế TP.HCM đã chỉ đạo các trạm y tế cơ sở lập danh sách trẻ đã đủ tuổi nhưng chưa được tiêm chủng để mời tiêm ngay khi có vắc xin; đối với trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên nhưng chưa được tiêm vắc xin sởi, có thể chỉ định tiêm vắc xin MR (sởi - rubella) trong Chương trình TCMR, hoặc tư vấn tiêm MMR (sởi - quai bị - rubella) thuộc nhóm vắc xin dịch vụ nếu phụ huynh có nhu cầu. Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân cần chủ động thực hiện các biện pháp dự phòng chung, thường xuyên rửa sạch bàn tay, đặc biệt là trước khi tiếp xúc với trẻ em, chủ động mang khẩu trang khi có triệu chứng hô hấp, thực hiện vệ sinh các bề mặt tiếp xúc, giữ nhà cửa thông thoáng…
Bộ Y tế cho biết, nguyên nhân dẫn đến tình trạng thiếu vắc xin là do các đơn vị chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng. Bộ Y tế đã chỉ đạo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và các đơn vị sản xuất vắc xin khẩn trương hoàn thiện thủ tục đặt hàng để có vắc xin cung ứng cho công tác tiêm chủng. Trong đó, các đơn vị sản xuất vắc xin khẩn trương xây dựng phương án giá của năm nay để Bộ Y tế thẩm định, gửi Bộ Tài chính xem xét, phê duyệt, làm cơ sở thanh, quyết toán theo quy định.
Có thuốc mà không thể sử dụng là điều vô lý! Thời gian gần đây, tình trạng thiếu thuốc chữa bệnh, vật tư y tế khá trầm trọng, diễn ra ở nhiều nơi. Nguyên nhân chủ yếu là do sợ sai, sợ vi phạm nên một số cơ sở y tế chậm triển khai đấu thầu thuốc, mua sắm vật tư y tế khiến dư luận rất quan tâm, lo lắng. Báo chí phản ánh nhiều cơ sở y tế, thậm chí bệnh viện hạng đặc biệt như Bạch Mai, Chợ Rẫy cũng thiếu một số thuốc đặc trị hoặc vật tư y tế thiết yếu. Mới đây, Sở Y tế TP.HCM phản ánh về việc thiếu vắc xin sởi và DPT (bạch hầu, ho gà, uốn ván) trong chương trình tiêm chủng mở rộng cho trẻ em là do chưa hoàn thiện thủ tục đặt hàng, ký hợp đồng. Điều đáng nói, đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, cho biết tình trạng thiếu vắc xin bắt đầu từ tháng 8 và hai loại vắc xin này sản xuất trong nước, cung ứng theo đơn đặt hàng để các đơn vị sản xuất. Thậm chí, các loại vắc xin này “đã có sẵn trong kho nhưng không thể tiến hành mua bán, cung ứng do vướng mắc các thủ tục theo quy định hiện hành”. Có thể khẳng định rằng, việc thiếu vắc xin tiêm chủng do “vướng mắc các thủ tục” là không thể thể chấp nhận được, nhất là đã có kinh phí và “đã có sẵn trong kho”! Bởi các quy định, trình tự, thủ tục đều do con người đặt ra, nếu có khó khăn vướng mắc ở khâu nào đó thì đều có thể điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện, tháo gỡ. Mặt khác, càng “vô lý” hơn khi đây là các loại vắc xin do các nhà cung cấp trong nước sản xuất nên không liên quan đến thủ tục cấp phép, thông quan, đấu thầu quốc tế. Cũng không có bất cứ vướng mắc gì về điều kiện cung ứng, phê duyệt từ các tổ chức y tế thế giới hoặc các quốc gia khác đưa ra. Do đó, việc thiếu thuốc trong trường hợp này hoàn toàn là do ý chí chủ quan của những cơ quan, tổ chức trong nước có liên quan, gồm cơ quan quản lý nhà nước và các cơ sở y tế. Vì vậy, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục cung cấp thuốc chữa bệnh nói riêng và vật tư y tế nói chung. Bên cạnh đó, nghiêm túc xem xét trách nhiệm, chấn chỉnh tình trạng thờ ơ, vô cảm của một số tổ chức, cá nhân chậm trễ trong việc hướng dẫn, tháo gỡ vướng mắc, chậm tổ chức đấu thầu thuốc hoặc không báo cáo, đề xuất hướng xử lý cụ thể để giải quyết tình trạng thiếu thuốc. VĨNH LINH |
HOÀNG QUÂN