Nghệ An: Số trẻ đau mắt đỏ tăng đột biến
VHO - Số lượng bệnh nhân đau mắt đỏ đến khám và điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An trong một tháng trở lại đây tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận từ 20-30 trẻ mắc bệnh đến khám và điều trị.
Chiều 7.9, tại Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An có rất nhiều trẻ đau mắt đỏ xếp hàng để được vào khám và chữa bệnh. Chị Nguyễn Thị Thu, một người dân phường Lê Mao, TP Vinh cho biết, sau khi con trai chị bị lây bạn học trên lớp, gia đình đã tự đi kiếm lá đắp lên mắt nhưng mắt cháu ngày một sưng húp. Sau đó, bố mẹ cháu lại tự đi mua thuốc nhỏ mắt ở một quầy thuốc tây mà không hề qua bác sĩ. Hậu quả, sau 5 ngày điều trị ở nhà, con trai chị bị nặng luôn cả hai mắt. Khi đó, gia đình chị mới hốt hoảng đưa cháu vào Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An để được các bác sĩ điều trị.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Đình Toàn, Trưởng khoa Mắt, Bệnh viện Sản Nhi Nghệ An cho biết: Không ít người cũng đã tự điều trị khi mắc bệnh đau mắt đỏ. Chính vì thế mà có gia đình bị lây lan nhanh sang các thành viên trong nhà và bệnh tình ngày một nặng hơn. Thời gian gần đây, giao mùa nên có rất nhiều trẻ em trong độ tuổi mầm non bị mắc đau mắt đỏ. Bệnh nhân tăng đột biến. Trung bình mỗi ngày, Bệnh viện tiếp nhận từ 20-30 trẻ mắc bệnh đến khám và điều trị. Đại đa số trẻ đến bệnh viện khám điều trị do được phát hiện bệnh sớm nên quá trình điều trị đều diễn ra an toàn, hiệu quả tốt. Tuy nhiên, có một số ít trẻ bị biến chứng vào giác mạc (lòng đen) do bố mẹ tự ý mua thuốc điều trị không đúng cách khiến quá trình điều trị gặp khó khăn, lâu khỏi, có thể để lại hậu quả xấu làm suy giảm thị lực.
Cách phòng tránh lây lan của bệnh đau mắt đỏ
Bệnh đau mắt đỏ là cách gọi dân gian, chuyên môn gọi là bệnh viêm kết mạc cấp. Bệnh biểu hiện đặc trưng là đỏ mắt do cương tụ (giãn) các mạch máu nông nên được gọi là bệnh đau mắt đỏ. Ngoài ra, bệnh còn có dấu hiệu: nhiều tiết tố (ghèn, dử mắt), kèm theo sưng nề mi mắt, cộm xốn, chảy nước mắt,… Có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc cấp như: nhiễm khuẩn, nhiễm virus, dị ứng, hóa chất hoặc các tác nhân vật lý… nhưng hay gặp nhất là 2 nhóm nguyên nhân: do vi khuẩn và virus với các biểu hiện lâm sàng khác nhau, trong đó khoảng 80% viêm kết mạc hiện nay là do Adenovirus. Viêm kết mạc do adenovirus, có thể gặp ở mọi lứa tuổi và xảy ra quanh năm, tuy nhiên vẫn thường có những đợt dịch bùng lên vào thời điểm hè – thu hoặc thu - đông. Adenovirus ngoài việc gây nên bệnh đau mắt đỏ còn gây nên các bệnh như viêm mũi họng, viêm phổi ở trẻ.
Bệnh đau mắt đỏ thường kéo dài trong khoảng hai tuần và có thể tự khỏi. Tuy nhiên, có một số trường hợp diễn biến bất thường và có thể gây ra các biến chứng như: viêm kết mạc nặng có giả mạc, viêm giác mạc, trợt, loét giác mạc… phải nhập viện điều trị. Điều trị đau mắt đỏ không quá khó khăn, chủ yếu là vệ sinh mắt, nâng cao thể trạng và sức đề kháng cùng với các thuốc nhỏ tại chỗ làm giảm nhẹ triệu chứng, kháng viêm, kháng sinh… Tuy nhiên, người bệnh tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ, vì nếu điều trị không đúng có thể gây biến chứng nguy hiểm, ảnh hưởng tới thị lực lâu dài.
Thạc sĩ, bác sĩ Phan Đình Toàn khuyến cáo: “Để phòng ngừa bệnh, người dân cần ý thức giữ vệ sinh cá nhân, không dùng chung khăn mặt, vật dụng cá nhân. Khi mắc bệnh hạn chế giao tiếp để tránh lây bệnh cho người khác. Phụ huynh học sinh khi phát hiện con em mình bị bệnh thì nên cho các cháu nghỉ học để tránh lây lan sang học sinh khác”.
PHẠM NGÂN