Khám chữa bệnh chuyên ngành phục hồi chức năng chưa tương xứng với nhu cầu xã hội
VHO- Số người khuyết tật có xu hướng ngày một tăng cao do hậu quả của chiến tranh còn rất nặng nề, do sự già hóa dân số, do tai nạn giao thông, tai nạn lao động và do mắc các bệnh không lây nhiễm có xu hướng tăng cao... đòi hỏi công tác khám chữa bệnh chuyên ngành phục hồi chức năng phát triển.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, Việt Nam hiện có khoảng 6,2 triệu người khuyết tật (chiếm 7,06 % dân số) từ 2 tuổi trở lên. Theo báo cáo của Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam, Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm với chất độc hóa học, hơn 3 triệu nạn nhân chất độc hóa học/dioxin… Cùng với đó, số người khuyết tật cũng có xu hướng gia tăng do biến chứng của các bệnh không lây nhiễm, của già hóa dân số, tai nạn giao thông và tai nạn lao động rất cần khám, chữa bệnh ở chuyên ngành phục hồi chức năng.
Phục hồi chức năng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Thể thao Việt Nam
Mặc dù vậy, hiện nay các cơ sở khám chữa bệnh mới chỉ đáp ứng từ 15-20% nhu cầu phục hồi chức năng của người bệnh, 80% còn lại phải dựa vào cộng đồng, nhưng hoạt động này chưa được quan tâm và phát triển để đáp ứng nhu cầu. Cùng với đó, nhân lực phục hồi chức năng chưa đảm bảo cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị chậm được cải thiện. Khả năng cung cấp dụng cụ phục hồi chức năng cũng như triển khai thực hiện dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng tại các tuyến còn hạn hẹp, đặc biệt là tại tuyến y tế cơ sở và ở vùng sâu, vùng xa. Chính sách thanh toán BHYT cho các dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng còn nhiều bất cập, nhiều dịch vụ kỹ thuật phục hồi chức năng trong đó có dụng cụ phục hồi chức năng chưa thuộc phạm vi chi trả của bảo hiểm.
Các đại biểu tại Đại hội Hội Phục hồi chức năng Việt Nam giai đoạn 2022 - 2027
Tại Đại hội Hội Phục hồi chức năng Việt Nam lần thứ VI giai đoạn 2022-2027 diễn ra ngày 23.9 tại Hà Nội, PGS.TS Trần Trọng Hải, Chủ tịch Hội Phục hồi chức năng Việt Nam cho biết, trong thời gian qua, Hội đã xây dựng và phát triển đồng đều trên cả hai lĩnh vực, đó là: vừa làm tốt việc phát triển màng lưới phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, đồng thời chú trọng xây dựng và phát triển các kỹ thuật chuyên sâu tại tuyến trung ương, tuyến tỉnh và các tuyến, các đơn vị có đủ điều kiện. Đến nay, một số lĩnh vực chuyên sâu đã bắt đầu được triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả tốt, như Vật lý trị liệu, Ngôn ngữ trị liệu, Hoạt động trị liệu, Tâm lý trị liệu, Dụng cụ chỉnh hình... Nhiều cơ sở phục hồi chức năng tuyến trung ương, tuyến tỉnh, Bộ, ngành đã phát triển và ứng dụng được các kỹ thuật điều trị chuyên sâu thuộc hạng kỹ thuật cao, kỹ thuật tiên tiến nhất của chuyên ngành phục hồi chức năng trên thế giới hiện nay, như kỹ thuật tập luyện trên hệ thống máy robot, tập luyện trên hệ thống máy mô phỏng thực tế ảo, tập luyện trên máy tập thăng bằng…, các kỹ thuật điều trị bằng sóng xung kích, điều trị bằng laser, từ trường…
Hiện nay, Hội có hơn 4.000 hội viên và hơn 40 nghìn cộng tác viên phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng trải đều trên toàn quốc. Trong nhiệm kỳ tới, Hội đặt ra mục tiêu ngoài phát triển các kỹ thuật cao chuyên sâu về phục hồi chức năng cần phải phát triển, đào tạo phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cho cán bộ y tế tuyến tỉnh, huyện, xã để hướng dẫn cho người nhà bệnh nhân tập cho người thân mủa mình như bố mẹ hoặc con cái tập cho cha mẹ để giải quyết 70-80% còn lại. “Mục đích cuối cùng là người khuyết tật được hòa nhập, trẻ em khuyết tật được học hành, vui chơi, người lớn khuyết tật được sinh hoạt thuận tiện trong gia đình, xã hội có việc làm”, PGS.TS Trần Trọng Hải nhấn mạnh.
Q.HOA