Chăm sóc sức khỏe, phòng dịch trong những ngày Tết: Bộ Y tế và chuyên gia khuyến cáo gì?
VHO- Trong những ngày Tết với sự bận rộn và tiếp nhận lượng thức ăn nhiều đạm, nhiều ngọt, Bộ Y tế và các chuyên gia đã chỉ ra những lưu ý trong chăm sóc sức khỏe và phòng, chống dịch tại nhà.
Nhân viên y tế phát thuốc tại nhà cho F0
Trong tình hình dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, người cao tuổi là một trong những đối tượng dễ bị tổn thương nhất do sức khỏe thể chất suy giảm và phần lớn người cao tuổi mắc nhiều bệnh nền.
Người cao tuổi trước, trong và sau khi tiêm vắc xin
Theo Báo cáo tình hình dịch Covid-19 và kết quả triển khai các biện pháp phòng, chống dịch năm 2021 của Bộ Y tế, trong đợt dịch thứ 4 (tính từ ngày 27.4.2021), tỷ lệ người trên 50 tuổi mắc Covid-19 là 20,9% và 81,76% trường hợp tử vong tại độ tuổi này. Tiêm vắc xin là biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả nhất để bảo vệ sức khỏe và ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Mới đây, Bộ Y tế phối hợp với Tổ chức hỗ trợ Người cao tuổi Quốc tế (HelpAge International), Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam (UNFPA) và các đơn vị liên quan thực hiện bộ tài liệu “Người cao tuổi - Những điều cần biết về vắc xin phòng Covid-19” nhằm hướng dẫn những điều người cao tuổi cần nắm rõ trước, trong và sau khi đi tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Theo đó, người cao tuổi cần thường xuyên có người thân, người chăm sóc bên cạnh để theo dõi tình hình sức khỏe thường xuyên trong vòng 24h và 7 ngày sau tiêm chủng; tiếp tục thực hiện các biện pháp 5K tại nhà. Những dấu hiệu phản ứng có thể xảy ra sau khi tiêm là: Sốt, mệt mỏi, ớn lạnh, đau cơ, đau khớp, tăng cảm giác đau, ngứa, sưng, đỏ, đau tại chỗ tiêm, bồn chồn… Đây là các phản ứng thông thường sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19. Các dấu hiệu phản ứng nghiêm trọng xuất hiện trong vòng vài giờ hoặc ngày đầu sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 như ở miệng (tê quanh môi hoặc lưỡi…), da (phát ban, môi mẩn đỏ, tím tái hoặc đỏ da…), họng (ngứa, căng cứng, tắc nghẽn, khản đặc…), đường tiêu hóa (nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng…), đường hô hấp (thở dốc, thở khò khè, thở rít, khó thở, cảm giác nghẹt thở, ho…), toàn thân: mạch yếu, chóng mặt, choáng/xây xẩm, cảm giác muốn ngã, chân tay co quắp…
Trường hợp có dấu hiệu bất thường về sức khỏe của người cao tuổi cần liên hệ ngay với cán bộ tiêm chủng hoặc cơ sở y tế gần nhất theo số điện thoại được cung cấp hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám, chẩn đoán và xử trí kịp thời. Không nên uống rượu, bia, hút thuốc lá hay sử dụng bất kỳ chất kích thích nào sau khi đi tiêm. Rượu, bia có thể ức chế miễn dịch, gây mất nước, giảm khả năng chống nhiễm trùng, tăng nguy cơ biến chứng, gây khó khăn khi phân biệt phản ứng của rượu, bia và phản ứng của vắc xin. Người cao tuổi không ăn nhiều thức ăn nhanh, đồ chiên, nướng, chứa nhiều chất béo bão hoà làm tăng phản ứng viêm trong cơ thể, gây hại sức khỏe; bổ sung đủ nước sau tiêm; ăn đầy đủ và đa dạng thực phẩm… Đặc biệt, cần tiếp tục tuân thủ việc sử dụng thuốc điều trị các bệnh mạn tính theo hướng dẫn của bác sĩ.
Một số sai lầm của người dân khi điều trị Covid-19 tại nhà
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm ô xy cao áp Việt Nga - bác sĩ hỗ trợ trong nhóm Bác sĩ quân y hỗ trợ online F0 điều trị tại nhà cho biết, người bệnh F0 điều trị tại nhà thường mắc sai lầm khi nghe truyền miệng của những người xung quanh.
Bác sĩ Hoàng lưu ý, người bệnh không xông hơi, đánh gió quá nhiều lần mỗi ngày vì không có tác dụng tiêu diệt virus. “Xông hơi, đánh gió giúp người bệnh cảm thấy dễ chịu, tuy nhiên nếu thực hiện quá nhiều lần sẽ khiến cơ thể bị mất nước, mất điện giải và có thể tổn thương niêm mạc đường hô hấp. Chỉ nên xông hơi nếu không sốt cao, thực hiện ở nơi kín gió và cũng không nên nhiều hơn một lần mỗi ngày. Nếu ngạt mũi nhiều thì nên nhỏ mũi nước muối sinh lý, dùng thuốc co mạch tại chỗ như Otrivin hay Coldi-B, và cũng chỉ nên xông mỗi ngày một lần”, bác sĩ nhấn mạnh. Đặc biệt không dùng các loại thuốc kháng viêm corticoid trong những ngày đầu, khi SpO2 còn trên 95%. Rất nhiều F0 dùng methylprednisolon (4 hoặc 16mg), dexamethasone hoặc prednisolon không đúng vì đây là loại kháng viêm corticoid bản chất là thuốc ức chế miễn dịch, khi cơ thể đang sốt cao, chiến đấu quyết liệt chống lại virus, thì lại đưa corticoid vào, ức chế hệ miễn dịch của cơ thể, khác gì tiếp tay cho virus tấn công.
Bên cạnh đó, khá nhiều người khi có nguy cơ lây nhiễm vội vàng tìm mua các loại thuốc được cho là phòng chống lây nhiễm tốt. “Tăng cường hệ miễn dịch có thể giúp cơ thể chống được sự xâm nhập của virus, tuy nhiên đó là một quá trình lâu dài, và cần kết hợp các yếu tố khác nữa như ăn uống đủ chất, tập luyện đều đặn, ngủ nghỉ hợp lý. Không có loại thần dược nào lại giúp tăng được sức đề kháng chỉ trong vài ngày. Thay vì tiền mất tật mang, chỉ cần thực hiện tốt các hướng dẫn về bảo hộ và súc họng các dung dịch có chứa povidone iodin 1% hoặc chlorhexidin gluconat 0,12-0,20%. Trước và sau khi súc các dung dịch này nên súc thêm nước muối sinh lý. Mỗi ngày có thể súc 3-4 lần”, bác sĩ Hoàng chia sẻ.
Thuốc bổ, vitamin, thuốc tăng cường miễn dịch… cũng là loại mà nhiều người săn lùng nhưng cái gì nhiều quá đều không tốt. Theo các chuyên gia, mỗi ngày chỉ cần một viên vitamin tổng hợp là đủ, quan trọng nhất là ăn uống đủ chất, không bị mất nước, điện giải và có giấc ngủ tốt. Các thuốc tăng cường miễn dịch về cơ bản đều tốt, nhưng cũng không nên dùng quá nhiều một lúc. Tăng cường miễn dịch là câu chuyện dài hạn, có thể chọn loại thuốc hay thực phẩm chức năng phù hợp nhưng dùng với liều vừa phải và lâu dài thì mới có hiệu quả.
Tiêm vắc xin xuyên Tết Theo số liệu của Bộ Y tế, đến nay tại Việt Nam đã ghi nhận 163 ca nhiễm Covid-19 do biến thể Omicron. Bộ Y tế đã có văn bản đề nghị các địa phương tăng cường thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân hiểu về chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 trong tình hình mới. Tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do chủng mới Omicron gây ra; thường xuyên trao đổi với Tổ chức Y tế thế giới để cập nhật thông tin, kịp thời, chính xác về biến chủng này; Chỉ đạo các địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt công tác kiểm tra, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về phòng, chống dịch. Vừa qua, Thủtướng Phạm Minh Chính đã phát động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin mùa xuân, từ ngày 1 - 28.2 và phát động phong trào tiêm vắc xin xuyên Tết Nguyên đán theo tinh thần: “Chúng ta vừa nghỉ Tết, vừa đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng trong 9 ngày Tết, tất nhiên vẫn phải khoa học, an toàn, hiệu quả theo hướng dẫn của Bộ Y tế”. Thủ tướng khẳng định tỉ lệ bao phủ vắc xin lớn là yếu tố quan trọng giúp chúng ta tự tin mở cửa, thích ứng với dịch Covid-19. |
THẢO LAM