Phát triển văn hóa đọc ở vùng nông thôn Thanh Hóa:
Gian nan nhưng không thiếu điểm sáng
VHO - Trong bối cảnh công nghệ thông tin (CNTT) và mạng xã hội phát triển mạnh mẽ, văn hóa đọc, nhất là ở khu vực nông thôn đang đứng trước những thách thức lớn.
Tuy nhiên, hành trình gìn giữ và phát triển thói quen đọc sách ở nhiều địa phương tỉnh Thanh Hóa đã và đang xuất hiện những tín hiệu tích cực, cho thấy rằng dù khó khăn, "khe cửa hẹp" ấy vẫn luôn có cơ hội rộng mở nếu có sự chung tay, nỗ lực từ các cấp, ngành và cộng đồng.

Những điểm sáng giữa thách thức
Tại huyện Quảng Xương, thôn Ngưu Phương (xã Quảng Khê) được xem như một hình mẫu trong việc phát triển văn hóa đọc ở nông thôn.
Tận dụng nhà văn hóa thôn dư thừa sau sáp nhập, từ tháng 8.2023, phòng đọc sách rộng 70m² chính thức hoạt động, với hàng trăm đầu sách, báo thuộc nhiều lĩnh vực, phục vụ nhu cầu của mọi lứa tuổi.
Theo ông Lê Thế Phan, Trưởng thôn Ngưu Phương, sự đầu tư khang trang, rộng rãi của phòng đọc cùng sự quan tâm của con em địa phương, các tổ chức, cá nhân đã giúp tủ sách thường xuyên được cập nhật, làm mới.
Người dân, đặc biệt là học sinh, thanh thiếu niên và người cao tuổi, đã dần hình thành thói quen đến đọc sách hàng ngày vào cuối buổi chiều, buổi tối hoặc dịp cuối tuần.
Các hoạt động như kể chuyện theo sách, ngày hội đọc sách cũng được tổ chức, tạo không khí sôi nổi, lan tỏa tình yêu sách trong cộng đồng.
Không chỉ Ngưu Phương, tại nhiều địa phương khác như Đường sách khu phố 7 (thị xã Bỉm Sơn), Thư viện sách Hà Duyên Đạt (huyện Thọ Xuân) cũng xuất hiện những mô hình hay, cách làm sáng tạo, cho thấy văn hóa đọc vẫn có sức sống bền bỉ tại các vùng nông thôn.

Những khó khăn còn hiện hữu
Dù đã có những điểm sáng, song việc phát triển văn hóa đọc ở khu vực nông thôn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn không ít thách thức.
Theo bà Dương Thị Tường Vân, Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch huyện Quảng Xương, dù các cấp, ngành đã quan tâm đầu tư, tổ chức luân chuyển sách, kêu gọi tài trợ từ các công ty sách, song phần lớn tủ sách ở các thôn vẫn chỉ thu hút người cao tuổi, cán bộ hưu trí.
Thanh thiếu niên, lực lượng nòng cốt cho phong trào đọc sách lại ngày càng bị cuốn hút bởi mạng xã hội, các nền tảng giải trí điện tử.
Bên cạnh đó, cuộc sống ngày càng bận rộn, việc đọc sách giấy truyền thống dần nhường chỗ cho sách điện tử, báo mạng.
Trưởng Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Thọ Xuân, ông Lê Văn Lực, thẳng thắn nhìn nhận: "Kinh phí dành cho phát triển văn hóa đọc ở nông thôn còn hạn chế, chủ yếu dựa vào đóng góp tự nguyện của người dân hoặc các nguồn tài trợ nhỏ lẻ, thiếu tính ổn định".
Đặc biệt, việc thiếu nhân lực quản lý, vận hành các điểm đọc sách cũng là một rào cản lớn.
Nhiều tủ sách, phòng đọc được xây dựng ban đầu với sự kỳ vọng cao, nhưng sau đó thiếu người trông coi, tổ chức hoạt động thường xuyên, dẫn tới tình trạng "đầu voi đuôi chuột".

Hướng mở cho tương lai
Thực tế cho thấy, để phát triển văn hóa đọc ở nông thôn trong thời đại công nghệ số, cần nhiều hơn những giải pháp đồng bộ, sáng tạo.
Trước hết, cần đổi mới cách tiếp cận. Phòng đọc sách không chỉ là nơi trưng bày sách mà phải trở thành "không gian tri thức" thực sự hấp dẫn: tổ chức các buổi tọa đàm, câu lạc bộ bạn đọc, cuộc thi kể chuyện theo sách, hoặc thậm chí kết hợp với các hoạt động sinh hoạt cộng đồng khác để thu hút đông đảo người tham gia.
Thứ hai, cần ứng dụng công nghệ thông tin một cách hợp lý. Các thư viện nông thôn có thể tích hợp kho sách điện tử, tổ chức các chương trình giới thiệu sách online, phát triển mô hình "thư viện số" phù hợp với xu thế mới, vừa tiết kiệm chi phí vừa tạo ra sức hút với lớp trẻ.
Thứ ba, phải coi trọng việc đào tạo đội ngũ cán bộ phụ trách văn hóa cơ sở, những người thực sự tâm huyết với công tác phát triển văn hóa đọc, có khả năng tổ chức, vận hành các hoạt động bền vững, sáng tạo.
Cuối cùng, không thể thiếu sự chung tay từ cộng đồng: các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân cần tiếp tục đồng hành bằng việc tài trợ sách, kinh phí, tổ chức các sự kiện văn hóa... Bởi lẽ, văn hóa đọc là nền tảng cho phát triển tri thức, nhân cách, và bản sắc của mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia.
Hành trình lan tỏa văn hóa đọc ở vùng nông thôn Thanh Hóa còn nhiều gian nan, nhưng từ những "hạt nhân" như phòng đọc sách thôn Ngưu Phương, Đường sách Bỉm Sơn, Thư viện Hà Duyên Đạt, có thể thấy tiềm năng lớn vẫn hiện hữu.
Với sự quan tâm đúng mức, cách làm linh hoạt và sự vào cuộc mạnh mẽ của toàn xã hội, "khe cửa hẹp" của văn hóa đọc sẽ ngày càng được mở rộng, góp phần xây dựng một nền tảng tri thức vững chắc cho tương lai.