Chỉ thị 42-CT/TW:

Dấu ấn lịch sử, định hướng phát triển xuất bản Việt Nam hiện đại

NGỌC NHIÊN (ghi); ảnh: HOÀNG HÀ

VHO - Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành năm 2004, đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử phát triển của ngành xuất bản Việt Nam. Với mục tiêu nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản, Chỉ thị 42 đã khơi nguồn cho những thay đổi sâu sắc trong nhận thức và hành động của toàn ngành, đóng vai trò quan trọng trong việc định hình diện mạo và thúc đẩy sự phát triển của xuất bản Việt Nam hiện đại.

 Dấu ấn lịch sử, định hướng phát triển xuất bản Việt Nam hiện đại - ảnh 1
GS.TS. Đinh Xuân Dũng cho biết, Chỉ thị 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản ra đời mang tính lịch sử đã định hướng rõ ràng cho sự phát triển của ngành Xuất bản Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và đứng trước những thách thức mới.

Định hướng phát triển xuất bản Việt Nam hiện đại

Đầu những năm 2000, khi ông Nguyễn Khoa Điềm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã rất quan tâm tới ngành Xuất bản. Nhận thấy sự bất cập trong việc đặt xuất bản chung với báo chí trong Vụ Báo chí - Xuất bản, ông đã có đề xuất tách bạch hai lĩnh vực quan trọng này và tái thành lập Vụ Xuất bản. GS.TS. Đinh Xuân Dũng, người được ông Nguyễn Khoa Điềm tin tưởng mời về làm Vụ trưởng Vụ Xuất bản nhớ lại: "Anh Điềm rất trăn trở và đề xuất Ban Bí thư ban hành một Chỉ thị riêng về xuất bản".

Theo định hướng đó, Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương đã giao trọng trách cho GS.TS. Đinh Xuân Dũng chủ trì việc xây dựng dự thảo Chỉ thị mang tính bước ngoặt này. Quá trình nghiên cứu, GS.TS. Đinh Xuân Dũng thấy một điều đáng chú ý: Ngoại trừ Chỉ thị nội bộ về xuất bản năm 1957 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký, các văn kiện trước đó của Đảng thường gộp chung báo chí và xuất bản.

Dự thảo tâm huyết này sau đó đã được trình lên Ban Bí thư Trung ương. Tại một cuộc họp quan trọng dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư khi đó là đồng chí Nông Đức Mạnh, đã có những ý kiến thảo luận sôi nổi về sự cần thiết của một Chỉ thị chuyên biệt cho xuất bản, trong bối cảnh lĩnh vực này dường như đang diễn ra "bình thường" và đã có những Chỉ thị chung về báo chí và xuất bản.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng kể: "Trong cuộc họp này, được sự đồng ý của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, tôi đã có 20 phút để trình bày trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về những lý do cốt yếu để ban hành Chỉ thị riêng về xuất bản”.

Hai luận điểm chính đã được ông nhấn mạnh: Thứ nhất, dẫn chứng về sự khủng hoảng sâu sắc của ngành Xuất bản Liên Xô sau sự sụp đổ, thị trường tràn ngập các tác phẩm giải trí đơn thuần, thiếu vắng sự định hướng giá trị. Thứ hai, chỉ rõ sự cần thiết phải có một Chỉ thị riêng, mang tính chiến lược để định hướng cho sự phát triển của xuất bản Việt Nam trong bối cảnh mới.

"Ngay sau đó, đã có những ý kiến đồng thuận từ các Ủy viên Bộ Chính trị và Ban Bí thư, cho rằng việc ban hành một Chỉ thị mới, phù hợp với điều kiện mới của xuất bản Việt Nam hiện đại là hoàn toàn cần thiết", GS.TS. Đinh Xuân Dũng cho biết.

Tại Hội nghị mang tính quyết định này, đồng chí Nông Đức Mạnh đã giao nhiệm vụ cho đồng chí Phan Diễn, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, tiến hành sửa chữa dự thảo và ký ban hành Chỉ thị.

Kết quả là ngày 20.8.2004, Chỉ thị 42-CT/TW về Nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản đã chính thức ra đời. Chỉ thị mang tính lịch sử đã định hướng rõ ràng cho sự phát triển của ngành xuất bản Việt Nam trong bối cảnh chịu tác động mạnh mẽ của kinh tế thị trường và đứng trước những thách thức mới.

Đến nay, sau hơn hai thập kỷ, Chỉ thị 42-CT/TW vẫn giữ nguyên giá trị thời sự, đánh dấu một giai đoạn phát triển đặc biệt quan trọng và đầy ý nghĩa của ngành xuất bản Việt Nam.

 Dấu ấn lịch sử, định hướng phát triển xuất bản Việt Nam hiện đại - ảnh 2
Trong bối cảnh chiến tranh, xuất bản đã hoàn thành xuất sắc vai trò là một công cụ tuyên truyền mạnh mẽ, cổ vũ tinh thần chiến đấu và trở thành một sức mạnh không thể thiếu trong cuộc kháng chiến vĩ đại

Xác định chức năng kép của xuất bản Việt Nam

Trong suốt những năm tháng kháng chiến gian khổ vì độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, ngành xuất bản Việt Nam cũng như nhiều lĩnh vực khác đã gánh vác một sứ mệnh thiêng liêng: "Tất cả cho tiền tuyến".

Nhiệm vụ tuyên truyền trở thành trọng tâm, thậm chí là duy nhất, dưới sự lãnh đạo chặt chẽ của Đảng và Nhà nước. Mọi khâu trong quy trình xuất bản, từ việc cung cấp giấy mực, lựa chọn đề tài, nội dung, tổ chức in ấn, phân phối phát hành, đến quản lý tài chính, đều được thực hiện theo một kế hoạch thống nhất và sự chỉ đạo sát sao.

Trong bối cảnh chiến tranh, xuất bản đã hoàn thành xuất sắc vai trò là một công cụ tuyên truyền mạnh mẽ, cổ vũ tinh thần chiến đấu và trở thành một sức mạnh không thể thiếu trong cuộc kháng chiến vĩ đại.

Tuy nhiên, khi hòa bình lập lại, ngành xuất bản đứng trước một ngã rẽ quan trọng: Hoặc tiếp tục lối tư duy tuyên truyền cũ kỹ, không đáp ứng được nhu cầu đổi mới của đất nước, hoặc chỉ chú trọng đến lợi nhuận kinh tế mà đánh mất đi chức năng cốt lõi là lĩnh vực tư tưởng và văn hóa.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng, Trưởng Ban biên tập dự thảo Chỉ thị 42-CT/TW cho biết: Nội dung then chốt và mang tính đột phá của Chỉ thị 42 chính là việc xác định chức năng kép của xuất bản Việt Nam trong thời kỳ hiện đại.

Chức năng kép này được khẳng định một cách toàn diện: “Xuất bản là một lĩnh vực hoạt động tư tưởng sắc bén của Đảng, Nhà nước và nhân dân, là một bộ phận quan trọng của nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, có nhiệm vụ tích luỹ và truyền bá các giá trị tinh thần, góp phần nâng cao dân trí, phát triển văn hoá, xây dựng nền tảng tư tưởng, thế giới quan, nhân sinh quan cách mạng và khoa học xã hội;

Xây dựng đạo đức, lối sống và phát triển toàn diện nhân cách con người Việt Nam; góp phần đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài, hình thành xã hội học tập”; “Hoạt động xuất bản phải coi trọng việc phục vụ nhiệm vụ chính trị, tư tưởng, đáp ứng nhu cầu đọc của nhân dân, đồng thời phải thực hiện tốt nhiệm vụ kinh doanh, xây dựng ngành xuất bản thành một ngành kinh tế - công nghệ phát triển toàn diện, vững chắc”.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng chỉ rõ, sự lồng ghép hai chức năng này là một điểm khác biệt căn bản so với xuất bản giai đoạn chiến tranh và trở thành đặc trưng tiêu biểu của xuất bản cách mạng Việt Nam trong bối cảnh hiện đại.

Đây vừa là một định hướng chiến lược quan trọng, vừa là một thách thức không nhỏ để ngành xuất bản, in và phát hành có thể phát triển đúng hướng trong suốt hai thập kỷ qua.

Chỉ thị 42-CT/TW cũng đề ra một yêu cầu cấp thiết là nghiên cứu bổ sung, sửa đổi Luật Xuất bản hiện hành để đáp ứng những đòi hỏi của thực tiễn đang không ngừng thay đổi. Theo GS.TS. Đinh Xuân Dũng, trong quá trình thảo luận tại Quốc hội thời kỳ đó đã nảy sinh những tranh luận về việc xác định vị trí của xuất bản: Liệu nó thuộc về lĩnh vực tư tưởng, văn hóa hay là lĩnh vực kinh tế - công nghệ?

Tuy nhiên, Bộ Chính trị đã khẳng định một cách rõ ràng: Xuất bản Việt Nam vừa là một bộ phận không thể tách rời của công tác tư tưởng, văn hóa của Đảng, vừa là một ngành kinh tế - công nghệ. Quan điểm mang tính định hướng này đã chi phối toàn bộ nội dung của Luật Xuất bản sau này.

Nhìn lại hoạt động xuất bản trong những năm qua, GS.TS. Đinh Xuân Dũng cho rằng, tư tưởng của Chỉ thị 42-CT/TW thể hiện sự phát triển về chất lượng trong tư duy của Đảng ta trong quá trình nghiên cứu và định hướng cho phát triển xuất bản thời kỳ đổi mới và thời kỳ kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Định hướng phát triển được vạch ra trong Chỉ thị 42-CT/TW đặc biệt nhấn mạnh vai trò then chốt của Nhà nước trong việc xây dựng những chính sách và cơ chế phù hợp để xuất bản hoạt động có hiệu quả trong cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, phù hợp với chức năng kinh tế - công nghệ của ngành Xuất bản hiện đại.

 Dấu ấn lịch sử, định hướng phát triển xuất bản Việt Nam hiện đại - ảnh 3
Chỉ thị 42-CT/TW đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề văn hóa đọc, với yêu cầu tiên quyết là phải đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới ngày càng đa dạng của người đọc

Mặc dù vậy, GS.TS. Đinh Xuân Dũng thẳng thắn nhìn nhận rằng đây vẫn là một thách thức không nhỏ trong công tác quản lý nhà nước, và việc thực hiện một cách trọn vẹn định hướng chiến lược này của Đảng vẫn còn nhiều dư địa để ngành xuất bản phát triển.

Còn đó những thách thức

Cho đến nay, nhiều nội dung cốt lõi của Chỉ thị 42-CT/TW vẫn đang được triển khai. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, ngành xuất bản vẫn còn đối diện với những khó khăn, thách thức nhất định. GS.TS. Đinh Xuân Dũng chỉ ra ở một số khía cạnh chính:

Thứ nhất, Chỉ thị 42-CT/TW yêu cầu “rà soát, bổ sung và thực hiện tốt quy hoạch ngành Xuất bản”. Mặc dù đã trải qua hơn 20 năm thực hiện, công tác quy hoạch này vẫn còn gặp nhiều lúng túng, chủ yếu tập trung quy hoạch vào số lượng và mô hình tổ chức, chưa thực sự đi sâu vào việc quy hoạch để nâng cao chất lượng và thúc đẩy sự phát triển bền vững.

Chỉ thị này đã đề xuất thí điểm xây dựng 3 mô hình chủ đạo: Tập đoàn xuất bản, tổ hợp xuất bản - báo chí, và các doanh nghiệp xuất bản. Đến nay, cả 3 mô hình này đều đang trong giai đoạn thí điểm, nhưng vẫn chưa đạt được sự ổn định và phát triển vững chắc như kỳ vọng.

Thậm chí, một số nỗ lực đi theo hướng này cũng vấp phải không ít khó khăn, ví dụ như trường hợp Nhà xuất bản Giáo dục, ban đầu được định hướng phát triển thành tập đoàn nhưng sau đó lại gặp phải những lúng túng.

Đến nay chúng ta cũng chưa có những đơn vị thực sự theo đúng mô hình tập đoàn và tổ hợp báo chí - xuất bản. Tương tự, mô hình các doanh nghiệp xuất bản hiện đại cũng chưa thực sự được định hình rõ nét.

Tiếp nối tinh thần của Chỉ thị 42-CT/TW, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, trong nội dung xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam đã xác định: “Sắp xếp ngành xuất bản, in và phát hành theo hướng tinh gọn, chất lượng, hiện đại hóa”.

Mặc dù đã được khẳng định trong văn kiện, ngành xuất bản hiện đang phải đối mặt với những thách thức mới, đặc biệt trong bối cảnh Đảng ta đang chủ trương tinh gọn tổ chức và biên chế trong toàn bộ hệ thống chính trị. Điều này đặt ra những dấu hỏi về con đường phát triển tiếp theo của ngành xuất bản.

Thứ hai, Chỉ thị 42-CT/TW đặc biệt nhấn mạnh về vấn đề văn hóa đọc, với yêu cầu tiên quyết là phải đáp ứng kịp thời những yêu cầu mới ngày càng đa dạng của người đọc.

Sau quá trình nghiên cứu, tổng hợp và rà soát, Chỉ thị đã đặt ra mục tiêu cụ thể là đến năm 2010 phải đạt bình quân 6 bản sách/ người mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, cho đến năm 2022, mục tiêu này mới được hoàn thành, chậm hơn so với mục tiêu đặt ra hơn một thập kỷ.

Không thể phủ nhận rằng nhu cầu văn hóa đọc của người dân ngày càng được đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, theo yêu cầu Chỉ thị 42 đặt ra vẫn đòi hỏi những phấn đấu, nỗ lực không ngừng, bởi lẽ nhu cầu đọc sách không chỉ gia tăng về số lượng mà còn trở nên phong phú và đa dạng về nội dung.

Bên cạnh những nhu cầu đọc sách lành mạnh và tích cực, sự phát triển của kinh tế thị trường và xã hội hiện đại cũng kéo theo sự xuất hiện của những nhu cầu đọc có nội dung không lành mạnh.

Do đó, ngành xuất bản vừa phải nỗ lực đáp ứng những nhu cầu đọc sách lành mạnh, phong phú, mới, đồng thời vừa phải có vai trò định hướng, điều chỉnh nhu cầu; không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng sách để thực sự đáp ứng sự phát triển mạnh mẽ của văn hóa đọc trong bối cảnh mới.

Thứ ba, Chỉ thị 42-CT/TW từ năm 2004 đã đề cập đến một số nội dung mới.

Vấn đề về công nghiệp xuất bản: Khi đó, ở Việt Nam chưa nghĩ gì đến công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên, Chỉ thị đã sớm nhìn nhận và yêu cầu phát triển xuất bản trở thành một ngành công nghiệp phát triển hiện đại.

Đến nay, chúng ta mới thực sự bắt đầu đưa xuất bản như một ngành công nghiệp, bởi sự kết hợp giữa sáng tạo văn hóa, yếu tố kinh tế và việc tạo ra sản phẩm hàng loạt thông qua ứng dụng công nghệ. Đây là một định hướng ngành xuất bản đang nỗ lực theo đuổi.

Điểm đột phá khác mà Chỉ thị 42-CT/TW mang lại, đặc biệt so với giai đoạn trước đổi mới và những năm đầu sau đổi mới, là việc thay đổi cách nhìn nhận về các nhà sách.

Trước đây, họ thường bị coi là "đầu nậu" với hàm ý tiêu cực, gây ảnh hưởng xấu đến thị trường sách. Tuy nhiên, Chỉ thị 42 đã đặt vấn đề sự cần thiết phải phát huy nguồn lực của xã hội, từ đó đặt vấn đề liên kết xuất bản.

Đây là một chủ trương quan trọng, khuyến khích khai thác tối đa các nguồn lực xã hội để đóng góp vào sự tăng trưởng của ngành.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng chia sẻ rằng, trong thời gian ông phụ trách, nhiều người e ngại tiếp xúc với các nhà sách vì những định kiến trước đó. Tuy nhiên, qua quá trình gặp gỡ và trao đổi với những người làm sách tâm huyết ở cả miền Bắc và miền Nam, ông nhận thấy đây là một nguồn lực cần thiết nếu biết cách định hướng, quản lý và xây dựng mối liên kết hiệu quả.

Vì vậy, khái niệm "liên kết” trong xuất bản đã xuất hiện, sau đó được thể chế hóa trong Luật Xuất bản và hiện nay đã trở thành một trong những nguồn lực quan trọng trong sự phát triển của ngành.

Tất nhiên, việc này cần đi kèm với khả năng quản lý, khai thác hiệu quả nguồn lực và điều chỉnh để tạo ra mối quan hệ hài hòa giữa nhà xuất bản, nhà sách và các đơn vị phát hành, từ đó giải quyết được nhiều vấn đề tồn tại.

Chỉ thị 42-CT/TW cũng xác định lại vai trò của khâu phát hành, khẳng định rằng phát hành không chỉ đơn thuần là công đoạn cuối cùng của quá trình xuất bản, mà phải trở thành một bộ phận chủ động nghiên cứu thị trường và nhu cầu của độc giả.

Từ đó, phát hành sẽ đóng vai trò gợi ý, định hướng cho các hoạt động xuất bản. Như vậy, một vòng tuần hoàn được thiết lập, đưa phát hành trở thành khâu mở đầu, tác động trực tiếp đến quá trình xuất bản.

Đảng và Nhà nước lúc bấy giờ đã đặt ra yêu cầu cấp thiết là phải xây dựng một hệ thống phát hành rộng khắp đến cấp huyện, thậm chí vươn tới cấp xã và các vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu vùng xa, biên giới và hải đảo. Tuy nhiên, việc thực hiện mục tiêu này đến nay, chúng ta làm chưa được nhiều.

Nội dung then chốt khác của xuất bản là phải đổi mới căn bản nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với lĩnh vực này. Điều này đòi hỏi việc xây dựng một đội ngũ cán bộ chất lượng, bao gồm đội ngũ chỉ đạo, đội ngũ tham mưu, đội ngũ quản lý nhà nước và đội ngũ lãnh đạo các nhà xuất bản.

Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo đồng thời sự kết hợp giữa bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực chuyên môn và phẩm chất. Công tác xây dựng đội ngũ này đã được triển khai, nhưng vẫn chưa thực sự đáp ứng được kỳ vọng và yêu cầu đặt ra. Hiện nay đội ngũ xuất bản đang đứng trước những thách thức mới trong sự phát triển của đất nước.

Bên cạnh đó, từ năm 2004, nước ta chưa có khái niệm xuất bản điện tử, nhưng trong Chỉ thị 42 đã đặt ra vấn đề xuất bản điện tử. Điều này cho thấy tầm nhìn đi trước của Chỉ thị. Tuy nhiên, đến tận bây giờ, sau 20 năm, việc triển khai xuất bản điện tử vẫn còn chậm, mới chỉ có khoảng 5-6 nhà xuất bản thực hiện và đang gặp nhiều khó khăn…

Cần thiết phải điều chỉnh và đổi mới

Trước tình hình mới, ngành Xuất bản cần được bổ sung những yêu cầu phát triển mới. Vì vậy, việc tổng kết Chỉ thị 42-CT/TW là rất cần thiết và mang tính thực tiễn cao.

Đồng thời, cần có một tư duy mới, mang tính chiến lược và lâu dài cho sự phát triển của ngành Xuất bản. Nếu không, trong tình hình hiện nay, ngành xuất bản Việt Nam sẽ đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình phát triển.

GS.TS. Đinh Xuân Dũng lưu ý: Xuất bản hiện đại vẫn là một lĩnh vực then chốt, đóng vai trò cơ bản trong việc nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập suốt đời và đào tạo nhân tài cho đất nước. Do đó, cần có những mô hình phù hợp để đáp ứng yêu cầu của xuất bản hiện đại.

 Dấu ấn lịch sử, định hướng phát triển xuất bản Việt Nam hiện đại - ảnh 4
Phát hành sẽ đóng vai trò gợi ý, định hướng cho các hoạt động xuất bản

Dù tổ chức bộ máy biên chế có tinh gọn, nhưng xuất bản vẫn là nơi tích lũy lớn nhất tri thức của nhân loại và là công cụ để nâng cao dân trí của toàn xã hội. Việc đọc sách và tiếp cận các loại sách khác nhau là nền tảng của tri thức, và tri thức là yếu tố then chốt cho sự phát triển hiện đại.

Không có sách, không có tri thức; không có tri thức thì không có sự phát triển hiện đại. Vì vậy, việc tổ chức lại ngành xuất bản một cách hợp lý là rất quan trọng: không thể duy trì tình trạng hiện tại, nhưng cũng như không thể thực hiện việc tinh gọn một cách máy móc…

Với những giải pháp được nghiên cứu kỹ lưỡng, thực hiện đồng bộ, GS.TS. Đinh Xuân Dũng tin tưởng sẽ tạo ra bước tiến, diện mạo mới, chất lượng mới, một mô hình mới cho xuất bản trong thời kỳ hiện đại.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc