Xúc động về nơi "giỗ chung" các Anh hùng liệt sĩ

VHO - Cứ đúng vào ngày 27.7 hằng năm, bà con trong làng Đồng Di (xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) lại tổ chức lễ “giỗ chung” để tri ân, tưởng nhớ gần 100 Mẹ Việt Nam Anh hùng và Anh hùng liệt sĩ của làng. Nhà bia tưởng niệm đã được nhân dân và Hội thân nhân liệt sĩ của làng phụng lập từ 2012 để hương khói, lễ giỗ và ghi ơn…

Xúc động về nơi

Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng làng Đồng Di

Từ sáng sớm ngày 27.7, bà Bạch Thị Châu (69 tuổi) đã đến thắp hương ở Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng làng Đồng Di. Cứ mỗi lần đến đây, nhìn tấm bia có khắc tên cha, mẹ và anh trai của mình, bà Châu lại không khỏi xúc động. Bà có cha là liệt sĩ Bạch Chơn Choảnh, hi sinh năm 1954 và anh trai là Bạch Chơn Luyến, hi sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ; mẹ là bà Trương Thị Điệu, được truy tặng vinh dự nhà nước Mẹ Việt Nam Anh hùng.

“Khi mẹ tôi vừa mới mang thai tôi thì ba đã hi sinh. Tôi sinh ra, không kịp biết mặt ba mình như thế nào. Rồi anh trai cũng ngã xuống khi mới hơn 20 tuổi… Tôi làm đi làm dâu ở làng khác nhưng vẫn chăm lo mộ phần, thờ cúng cha mẹ và anh, đến ngày Thương binh, Liệt sĩ tôi lại về làng để dâng hương tại Nhà bia tưởng niệm…”, vừa kể, bà Châu vừa kéo tay áo lau đi hàng nước mắt lăn tràn trên má.

Xúc động về nơi

 Bà Bạch Thị Châu chỉ tên cha, mẹ, anh trai được khắc trên bia

Làng Đồng Di đầu năm 1980 có chưa đầy 40 hộ dân nhưng hiện nay có hơn 120 hộ, trong đó nhiều hộ dân là con cháu, thế hệ trẻ sau này. Cả làng có 78 Anh hùng liệt sĩ, trong đó có 1 liệt sĩ được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân, 20 Mẹ Việt Nam Anh hùng, dân làng hầu hết đều là gia đình có truyền thống cách mạng.

Ông Lê Quang Pháp, Hội trưởng Hội thân nhân liệt sĩ của làng Đồng Di kể rằng: ngoài lễ giỗ ngày mất của các Anh hùng liệt sĩ ở mỗi gia đình, thì từ năm 2004, Hội đã tổ chức lễ “giỗ chung” cho các Anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng ở luân phiên các gia đình có liệt sĩ. Đến năm 2012, thân nhân các Anh hùng liệt sĩ đã đóng góp, cùng với sự hỗ trợ của bà con trong ngoài làng, các mạnh thường quân, chúng tôi đã xây dựng Nhà bia tưởng niệm ở ngay khu đất trống đầu làng.

Xúc động về nơi

Ông Lê Quang Pháp và ông Đặng Quốc Sim, những người phụ trách trông coi, tổ chức lễ "giỗ chung" tại Nhà bia tưởng niệm

“Từ đó, lễ “giỗ chung” được tổ chức bài bản hơn, không chỉ người dân trong làng mà còn có tham gia của những thân nhân liệt sĩ đang sinh sống ở Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang… Và Nhà bia tưởng niệm cũng trở thành nơi dâng hương, tri ân, truyền dạy cho con cháu, thế hệ trẻ về tinh thần yêu nước, về đạo lý “uống nước nhớ nguồn…”, ông Lê Quang Pháp kể.

Ông Lê Quang Pháp, 75 tuổi, từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và là thương binh 4/4. Ông có cha và anh trai ruột đều là Anh hùng liệt sĩ, có mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng. Từ khi Nhà bia tưởng niệm được xây dựng, ông Pháp cùng ông Đặng Quốc Sim (76 tuổi) phụ trách trông coi, dọn dẹp và tổ chức các lễ cúng tại đây.

Ông Đặng Quốc Sim có bà nội và mẹ là Mẹ Việt Nam Anh hùng, có bác ruột, ba và anh trai là liệt sĩ hi sinh trong các cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Có mặt tại Nhà bia tưởng niệm, ông Sim chỉ và giải thích cho chúng tôi nội dung trên bia: phía trước tấm bia khắc tên 20 Mẹ Việt Nam Anh hùng, 78 Anh hùng liệt sĩ của làng Đồng Di. Phía sau là bài Truy niệm bia văn, có đoạn: “Đất nước thanh bình/ Quê hương đổi mới/ Bia vàng ghi tạc lòng son, mãi mãi nêu gương/ Máu hồng tô trang sử đỏ, đời đời tưởng nhớ/ Một nén tâm hương/ Muôn lòng truy niệm”.

Xúc động về nơi

Dâng hương tri ân các các Anh hùng liệt sĩ và Mẹ Việt Nam Anh hùng 

“Thời điểm khởi công làm Nhà bia tưởng niệm, chúng tôi chỉ có khoảng 40 triệu, nhưng thấy việc làm ý nghĩa, bà con trong và ngoài làng, dân làng ở các tỉnh thành trong nước và các mạnh thường quân đã ủng hộ thêm để chúng tôi làm được công trình khang trang hơn. Và ở đây, ngoài tên các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng liệt sĩ được khắc trên bia, chúng tôi cũng ghi ơn các Anh hùng liệt sĩ đã hi sinh trên mọi miền của đất nước để bảo vệ độc lập Tổ quốc, hạnh phúc của Nhân dân”- ông Đặng Quốc Sim kể.

Dịp kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ này, Hội thân nhân liệt sĩ làng Đồng Di không dựng rạp tổ chức lễ cúng quy mô như mọi năm nhưng cũng tổ chức các hoạt động, nghi lễ để tưởng nhớ tri ân các Anh hùng liệt sĩ  và Mẹ Việt Nam Anh hùng.

Xúc động về nơi

Khuôn viên Nhà bia tưởng niệm là "địa chỉ đỏ" tại làng Đồng Di

Ông Lê Quang Pháp vừa lau rửa bình hoa, vừa kể với chúng tôi rằng: không chỉ dịp 27.7, mà các ngày lễ khác, hoặc dịp bà con trong làng đi xa trở về đều đến dâng hương ở Nhà bia tưởng niệm. Chính vì thế, công việc dọn dẹp vệ sinh, chỉnh trang khuôn viên nhà bia được duy trì đều đặn. Chúng tôi làm không chỉ vì có cha, anh là Anh hùng liệt sĩ được khắc tên trên bia, mà để con cháu mai sau hiểu được và tiếp tục với công việc thiêng liêng này.

Năm 2017, Nhà bia tưởng niệm được mở rộng và chỉnh trang, vừa là “địa chỉ đỏ” vừa là nơi sinh hoạt cộng đồng của dân làng Đồng Di.

Bài, ảnh: SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc