Đừng đem an toàn của du khách ra “thử nghiệm”!
VHO - Thành phố Huế chủ trương tổ chức các hoạt động văn hóa ban đêm nhằm tăng tương tác và trải nghiệm cho du khách là điều đáng hoan nghênh.

Địa phương này đồng ý cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế (Trung tâm) tổ chức hoạt động bắn hỏa pháo súng thần công ở Kỳ đài Huế vào thứ Bảy hằng tuần để phục vụ người dân và du khách.
Ngay sau khi thông báo, nhiều du khách đã háo hức để được ngắm hỏa pháo, nhưng rồi lại nhận sự thất vọng từ bị giờ “cao su” cho đến hụt hẫng vì thời gian diễn ra quá ngắn.
Nguy hiểm hơn, trong lần bắn thứ hai diễn ra tối 3.5, người xem đã phải hú hồn vì từng đốm lửa lớn chưa cháy hết rơi xuống khu vực đông người. Nhiều người đã bồng bế con nhỏ “chạy trốn”...
Dù Trung tâm đã lên tiếng giải thích và xin lỗi đến người dân và du khách, nhưng qua rà soát, kiểm tra của các cơ quan chức năng thì sự cố này không chỉ thuần túy là lỗi kỹ thuật.
Công ty TNHH Việt Giang, đơn vị phối hợp triển khai hoạt động bắn hỏa pháo thần công cho rằng, vật tư phục chương trình là loại ống hỏa thuật Z21, không phải pháo hoa nổ. Nhưng 58 ống hỏa thuật được sử dụng để bắn trong tối 3.5 lại là từ nguồn “tồn kho” của Festival Huế 2023 và đã hết hạn sử dụng.
Đây là sự cố ý rõ ràng, dù biết hàng hóa đó đã quá đát (date) nhưng vẫn đưa ra sử dụng trong một sự kiện cộng đồng có rất đông người dân và du khách theo dõi trực tiếp.
Công ty này còn lý giải một cách “hài hước” rằng, do đơn vị chưa kịp thực hiện kế hoạch đặt hàng vật tư hỏa thuật Z21 chuyên dùng để tạo hiệu ứng thần công, nên nhân viên tự ý sử dụng ống hỏa thuật còn dư của Festival Huế 2023!
Hiện nay, hoạt động bắn hỏa pháo thần công đã tạm hoãn để xây dựng lại kịch bản, các phương án đảm bảo an toàn và xử lý những nội dung liên quan, nhưng nỗi lo ngại của cộng đồng thì không thừa.
Một hoạt động lớn của địa phương bỗng chốc trở thành nguy hiểm với người dân và du khách, khi công tác kiểm soát vật tư, phương án kỹ thuật, cho đến nhân lực, quy trình vận hành được thực hiện theo kiểu... “vừa làm vừa rút kinh nghiệm”.
Nhiều du khách bày tỏ thất vọng và bức xúc trên mạng xã hội sau sự cố này, đồng thời cho rằng, đơn vị tổ chức không nên lấy sự an toàn của người xem ra để thử nghiệm. Vì sao không có sự chuẩn bị chu đáo nhất để rồi phải hai lần đi xin lỗi khán giả?
Thời gian qua, thành phố Huế đã và đang xây dựng điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện, nên xin hãy cẩn trọng với các hoạt động cộng đồng, đừng để xảy ra sự cố từ chủ quan không đáng có, để không phải gửi lời xin lỗi và xin rút kinh nghiệm.