Thừa Thiên Huế: Tái định cư 7 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ, điện nước

VHO- Hơn 10 hộ dân ở thôn Xuân Mỹ, xã Xuân Lộc (huyện Phú Lộc) đã bàn giao đất cho dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan cách đây hơn 7 năm và được bố trí đến tái định cư tại thôn Hưng An. Tuy nhiên, điều kiện sống của họ tại nơi ở mới không đảm bảo, các hộ dân đều chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên gặp khó trong vay vốn, phát triển kinh tế.

Thừa Thiên Huế: Tái định cư 7 năm vẫn chưa được cấp sổ đỏ, điện nước - Anh 1

 Trạm biến áp 110KV tại khu vực tái định cư thôn Hưng An nhưng chưa cấp điện, người dân phải xin kéo đường dây ở nơi khác về sử dụng

 Gia đình ông Bùi Chính, một hộ dân sinh sống tại khu tái định cư thôn Hưng An cho biết, năm 2015 khi triển khai dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan, bà con đã bàn giao đất để dự án đảm bảo tiến độ. Sau đó, họ được bố trí cấp đất, xây nhà để ổn định cuộc sống, thế nhưng đến nay vẫn chưa hộ dân nào có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo ông Chính, thời điểm năm 2016, ông Đỗ Văn Mạnh, chuyên viên của Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc đã về địa bàn làm các thủ tục cho bà con bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc. Ông Mạnh thông tin rằng, nếu bà con không nhận đất tái định cư thì nhận 45 triệu đồng; còn nếu nhận đất thì số tiền đó sẽ được giải quyết làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Các hộ dân cũng sẽ được nợ (không lãi suất) 5 năm tiền sử dụng đất tái định cư. Tuy nhiên, đến năm 2022, khi người dân đến nộp tiền làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan thuế thông báo họ phải nộp thêm tiền lãi do nộp chậm.

“Gia đình tôi được cơ quan thuế thông báo số tiền gốc phải nộp là 43 triệu, nhưng số tiền lãi nộp chậm lên đến 27 triệu. Có gia đình tiền lãi nộp chậm gần bằng tiền gốc. Nếu không nộp thì tiền lãi càng tăng, bà con càng khó khăn”, ông Chính nói.

Ông Lê Hữu Cường cũng cùng cảnh ngộ khi đến nơi tái định cư đã 7 năm nay vẫn chưa làm được giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì những vướng mắc như gia đình ông Chính, ảnh hưởng đến việc vay vốn, phát triển sản xuất của gia đình. Ngoài ra, ông Cường cũng phản ánh những bất cập về hạ tầng điện nước cho dân cư ở khu tái định cư. Hiện các hộ dân phải xin kéo dây điện từ nơi khác về và góp tiền khoan giếng để có nguồn nước sử dụng. Nơi tái định cư chưa đảm bảo điều kiện sinh hoạt khiến họ gặp rất nhiều bất tiện.

Trao đổi với báo chí, ông Trần Viết Tú, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế giải thích: Công trình hạ tầng ở Khu tái định cư thôn Hưng An do Ban Quản lý dự án xây dựng khu vực huyện Phú Lộc làm chủ đầu tư. Sau đó, đơn vị này đã bàn giao công trình điện, nước cho các đơn vị điện lực và cấp nước Thừa Thiên Huế. Mặc dù Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đã đầu tư một trạm biến áp 110KV ở đây nhưng chưa thể đấu nối cấp điện vì số lượng hộ dân sinh sống quá ít, sẽ gây hao phí điện năng lớn.

“Thực tế, quy hoạch khu tái định cư này có quy mô 5 ha, nhưng do nhu cầu tái định cư ít, chỉ có hơn chục hộ dân, nên địa phương mới thực hiện hạ tầng giai đoạn 1 với diện tích khoảng 1 ha. Trạm biến áp 110KV lại đầu tư cho quy mô 5 ha nên đến nay còn vướng mắc, chưa cấp điện được cho bà con. Huyện cũng đang tính toán để triển khai giai đoạn 2 ở khu vực tái định cư Hưng An”, ông Trần Viết Tú nói.

Đại diện Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Phú Lộc thông tin: “Vào thời điểm đó, đối với các hộ tái định cư ở các vùng đặc biệt khó khăn, có quy định cho phép nợ tiền sử dụng đất 5 năm nhưng với điều kiện các hộ dân phải có đơn đề nghị và được UBND huyện chấp thuận. Nhưng thực tế họ không làm thủ tục gì, đến nay cũng không có bất kỳ giấy tờ hay biên bản làm việc nào liên quan đến nội dung cho phép nợ 5 năm tiền phí sử dụng đất như bà con phản ánh. Có thể là quá trình thực hiện, khi đọc văn bản người phụ trách dự án không giải thích rõ, bà con thì lại không hiểu biết nhiều để 5 năm sau mới đến nộp thuế”. Được biết, năm 2021, ông Mạnh đã bị bắt và khởi tố về vi phạm quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Sau khi người dân liên tục phản ánh vướng mắc và có đơn thư gửi đến các cấp, UBND huyện Phú Lộc cũng đã tổ chức các cuộc họp với các đơn vị liên quan để tìm cách tháo gỡ. Trước mắt, chính quyền địa phương hướng dẫn các hộ dân nộp tiền gốc để không phát sinh thêm tiền lãi.

Ông Hoàng Văn Đề, Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Lộc cho biết: “Về nguyên tắc giải phóng mặt bằng thì nơi tái định cư phải bằng hoặc hơn chỗ ở cũ, tuy nhiên, quy mô ở khu vực này chỉ có một vài hộ dân nên mức độ đầu tư hạ tầng nhỏ lẻ và nguồn lực địa phương phải tự xử lý. Chúng tôi cũng đã họp rất nhiều lần tại xã Xuân Lộc nhằm để giải quyết nhanh cho bà con, không chỉ tái định cư do dự án cao tốc La Sơn - Túy Loan mà còn các dự án khác trên địa bàn”. 

 ANH KIỆT - SƠN THÙY

Ý kiến bạn đọc