Quảng Ngãi: Người dân Lý Sơn gánh thêm nợ vì chợ đêm
VHO- Chợ đêm Lý Sơn (Quảng Ngãi) được xem như một sản phẩm du lịch mới trên địa bàn và kỳ vọng sẽ tạo không gian du lịch cho người dân địa phương và du khách, giới thiệu, quảng bá các đặc sản, thương hiệu du lịch biển đảo. Tuy nhiên, chính họ đã sớm thất vọng khi nộp tiền xây dựng chợ mà chưa buôn bán được lấy một ngày, khiến họ phải gánh khoản nợ đã vay mượn để đầu tư.
Chợ đêm Lý Sơn đầu tư không hiệu quả
Chợ đêm được xây dựng xây dựng năm 2018, tại trung tâm huyện Lý Sơn trên diện tích gần 1.000m2, kéo dài khoảng 500m, với gần 40 gian hàng trưng bày và bày bán các sản phẩm nông sản, đặc sản của huyện đảo, đồ lưu niệm và ẩm thực… Tổng vốn đầu tư trên 1,5 tỷ đồng (trong đó, đóng góp của các hộ kinh doanh là gần 1,2 tỷ đồng, còn lại là vốn đầu tư hạ tầng của địa phương).
Nhiều gia đình vay tiền đầu tư chợ đêm giờ phải gánh nợ
Vợ chồng ông Đặng Hội, thôn Tây, An Vĩnh nhiều năm nay mua bán tạm bợ ở cầu cảng Lý Sơn. Năm 2018, ông Hội vay mượn 60 triệu đồng để đăng ký vào chợ đêm kinh doanh với hy vọng cải thiện thu nhập cho gia đình. Thế nhưng, chưa bán được ngày nào thì chợ dừng hoạt động, nơi mưu sinh bị tháo dỡ, vợ chồng ông đành quay về chốn cũ, tiếp tục lấn chiếm cầu cảng buôn bán.
“Tôi đã nhiều lần đề nghị với chính quyền địa phương nếu không làm chợ đêm nữa thì phải trả tiền lại cho tôi, để tôi buôn bán nước, cà phê sống qua ngày”, ông Hội nói.
Trong 37 hộ đăng ký vào chợ đêm buôn bán, có nhiều người mưu sinh những công việc như; chạy xe ôm, giới thiệu dịch vụ lưu trú, đi lại cho chủ khách sạn, nhà nghỉ… Đây là những người có thu nhập bấp bênh, nên khi chợ đêm xây dựng, bà con ai cũng sẵn sàng vay mượn tiền để mua ki ốt mong có nơi mưu sinh ổn định. Anh Nguyễn Văn Trực, thôn Tây, An Vĩnh cho biết: “Vợ bắt khách, chạy xe du lịch, tôi chỉ mong muốn vợ có công ăn việc làm, thì tôi vay tiền đặt vô 2 lô chợ đêm để vợ có công ăn việc làm, khỏi bắt khách, đỡ nhọc nữa mà có hình ảnh đẹp cho đảo. Nhưng mà trong thời gian vay 4-5 năm, vợ chồng tôi phải trả tiền lời rồi, nên rất là khó khăn”.
Mỗi hộ kinh doanh nộp 30 triệu đồng/ ki ốt
Chị Nguyễn Thị Phương Nhi, thôn Tây, An Vĩnh bày tỏ: “Tôi mua 2 lô chợ đêm, chi phí đóng 1 lô 30 triệu, 2 lô 60 triệu, nhưng chợ đêm đâu có hoạt động được đâu, mà Nhà nước cũng đâu có giải quyết được cho chúng tôi. Thành ra số tiền lúc bà con đầu tư vô tiền vay á, tới tháng phải trả tiền lời, mấy năm nay Covid làm ăn không được nữa”.
Về vấn đề này, bà Phạm Thị Hương - Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn thừa nhận, do vị trí xây dựng chưa hợp lý nên chợ đêm hoạt động không thành công. Vì vậy, để người dân có nơi buôn bán và du khách có không gian mua sắm, thưởng thức những sản phẩm đặc sản của địa phương, huyện Lý Sơn quyết tâm sẽ xây dựng lại chợ đêm vào một thời gian thích hợp.
“Khi cảng Bến Đình đưa vào hoạt động, huyện sẽ khảo sát một địa điểm phù hợp, và sẽ mời các hộ trước kia đã đầu tư vào chợ đêm tại huyện để ưu tiên họ chọn trước, chứ không bốc thăm như đợt năm 2018”, bà Hương nói.
Huyện Lý Sơn dự tính sẽ khảo sát vị trí phù hợp, xây dựng lại chợ đêm
Theo Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, đây cũng là bài học để cho các phòng ban, cơ quan, đơn vị của huyện rút kinh nghiệm vì chọn địa điểm chợ đêm chưa phù hợp, gây thiệt hại cho tiểu thương.
Chợ đêm có 37 ki ốt bán hàng, mỗi hộ kinh doanh nộp 30 triệu đồng/1 ki ốt. Mục tiêu của chợ đêm giúp người dân nâng cao thu nhập, tạo điểm nhấn cho phát triển du lịch, dịch vụ tại địa phương. Tuy nhiên, do địa điểm xây dựng không phù hợp nên chợ đêm đã bị tháo dở sau gần 8 tháng sau khi xây dựng.
NHƯ ĐỒNG