Gặp mặt “Những đóa hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19”

VHO- Trong khuôn khổ chương trình khai mạc trưng bày chuyên đề “Những đóa hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19”, bảo tàng Phụ nữ Nam bộ đã tổ chức chương trình giao lưu, gặp mặt với những “đóa hoa” thời Covid-19.

Gặp mặt “Những đóa hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19” - Anh 1

Mỗi khách mời mang đến một câu chuyện khác nhau trong những ngày chống dịch

Đợt bùng phát dịch Covid-19 lần thứ 4, cuối tháng 4.2021 với sự lây lan mạnh mẽ, phức tạp đã khiến cho TP.HCM và nhiều địa phương khu vực phía Nam gặp vô vàn khó khăn, số ca nhiễm mới và tử vong tăng lên nhanh chóng mỗi ngày. Hệ thống y tế địa phương vốn đã quá tải, nay lại quá sức đối với đội ngũ cán bộ y tế và cả hệ thống chính trị. Trước thực tế ấy, Đảng và nhà nước đã chỉ đạo các tỉnh, thành nhanh chóng chi viện lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế và đặc biệt là nhân lực cho TP.HCM và các tỉnh, thành đang là tâm dịch. Cùng với các đồng nghiệp nam, lực lượng phụ nữ trên mọi lĩnh vực, ngành nghề, không phân biệt tôn giáo, đoàn thể đã không chần chừ, mau chóng xung phong lao vào “trận chiến với kẻ thù vô hình” với mong muốn được chung tay, góp sức, hỗ trợ cho TP.HCM sớm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh. Một cuộc chiến đầy cam go, khốc liệt, “chống dịch như chống giặc” khi bước vào giai đoạn cao điểm, quyết liệt từ tháng 7.2021 đến hết tháng 9.2021. Những người phụ nữ dịu dàng, từ dân công sở đến các chị doanh nghiệp, lao động tự do hay “những bà nội trợ đơn thuần”, mỗi người một việc, tuỳ theo sức và điều kiện của mình họ nhẹ nhàng, sắp xếp việc nước, việc nhà lao vào cuộc một cách tự tin, đầy bản lĩnh. Ở họ đều chung khát vọng được cống hiến cho đồng bào, cho thành phố thân yêu.

Hoàn cảnh đau thương với những khó khăn đã buộc các sư cô, ni sư hay các sơ vượt qua các “lễ nghi” tôn giáo khi chăm sóc nam bệnh nhân nặng tại các Trung tâm Hồi sức Cấp cứu. Sư cô Nguyễn Thị Kim Duyên (chùa Long Thạnh, quận 12) bồi hồi nhớ lại: “Những ngày đầu các sư cô vẫn còn rất ái ngại về việc phải chăm sóc các bệnh nhân nam. Nhưng rồi vượt qua mọi rào cản, chúng tôi lúc ấy chỉ nghĩ đến việc giúp đỡ người bệnh hết sức mình có thể để đất nước nhanh chóng vượt qua dịch bệnh mà thôi”. Còn sơ Võ Thị Loan Anh (Hội dòng Mến Thánh giá Gò Vấp) vẫn như in những lần chứng kiến sự ra đi của bệnh nhân. “Đau đớn và tuyệt vọng là thế, nhưng chúng tôi vẫn phải an ủi nhau để tiếp tục cố gắng động viên, lan lỏa niềm vui qua sự chăm sóc, yêu thương, tạo cho họ động lực chiến đấu với bệnh tật và sớm hồi phục sức khỏe”, sơ chia sẻ.

Gặp mặt “Những đóa hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19” - Anh 2

Phần trò chuyện với nghệ sĩ Việt Hương, bác sĩ Hoàng Thị Diễm Tuyết, hoa hậu H'Hen Niê

Chúng ta cũng không thể không biết ơn, sự góp sức của lực lượng nữ là những đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng và lực lượng tình nguyện viên đã gác lại cuộc sống yên bình, riêng tư xung phong để đi vào tâm dịch nơi tuyến đầu với quyết tâm khống chế, đẩy lùi dịch bệnh Covid-19, tượng trưng cho những bông hoa đẹp nhất, truyền cảm hứng về sự hy sinh, trái tim nhiệt huyết, những tấm lòng nhân ái, nghị lực kiên cường. Tất cả sự đóng góp đó một lần nữa khẳng định vai trò và vị thế, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam với 8 chữ vàng – 4 phẩm chất của phụ nữ Việt Nam thời kỳ mới: “tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang”.

Tại buổi giao lưu, gặp mặt những trăn trở về hoạt động mang tính nhân văn tại trung tâm H.O.P.E lúc bấy giờ của  PGS. TS. BS Hoàng Thị Diễm Tuyết – Uỷ viên Ban thường vụ Đảng uỷ Sở Y tế TP.HCM, Bí thư Đảng uỷ – Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương cũng được giải bày. Trước sự gia tăng của các bệnh nhân mang thai nhiễm Covid-19, cho đến sau sinh, các bé có mẹ bị nhiễm Covid, nhưng bé không nhiễm mà gia đình chưa có khả năng đón về và rồi những “bà mẹ” bất đắc dĩ trong thời điểm đại dịch Covid-19 được nảy lên trong suy nghĩ của BS Hoàng Thị Diễm Tuyết. Từ đó, trung tâm H.O.P.E ra đời và thức hiện sứ mệnh vô cùng cao cả.

Gặp mặt “Những đóa hồng nơi tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19” - Anh 3

Phần chia sẻ của nghệ sĩ Việt Hương mang đến sự lạc quan, yêu đời cho khán giả

Bên cạnh đó, trong giai đoạn thành phố “bị ốm” vì Covid-19, các nữ nghệ sĩ cũng đã không quản ngại khó khăn để lao mình vào “trận chiến” này. Tại buổi giao lưu, gặp gỡ lần này, “hoa hậu quốc dân” H’Hen Niê vẫn vẹn nguyên cảm xúc như những ngày đầu khoác trên mình màu áo thanh niên. “Khoảng thời gian đó, tôi coi mình là một tình nguyện viên. Tôi không coi mình là hoa hậu và cũng không phải là người nổi tiếng. Tôi hết lòng tham gia các hoạt động tình nguyện bất kể công việc có vất vả tới đâu. So với những khó nhọc của các y, bác sĩ đang làm việc ở tuyến đầu chống dịch thì sự mệt nhọc của tôi có là gì đâu”, nàng hậu chia sẻ. Dẫu khó khăn, vất vả là thế, nhưng đến với cuộc gặp gỡ lần này nghệ sĩ Việt Hương lại mang đến những câu chuyện “vui” ở mùa dịch bệnh. Cô cho biết: “Từ đầu chương trình đến giờ, khách mời nào cũng chia sẻ những kỷ niệm mà nó đều buồn. Riêng Việt Hương là người rất mau nước mắt, nên mình muốn kể cho mọi người những câu chuyện vui vẻ, phần nào xoa dịu nỗi đau mà Covid-19 mang lại”. Câu chuyện “vui” ấy chính là sự quan tâm, giúp đỡ nhiệt tình về mặt tinh thần của người dân khi đoàn của Việt Hương đi đến từng khu phố để hỗ trợ các gia đình khó khăn.

Có thể thấy, trong hành trình phòng, chống dịch Covid – 19, TP.HCM đã sống trong sức mạnh của sự đoàn kết, sự đồng lòng của mọi tầng lớp nhân dân, của sự chia sẻ, của tình yêu thương và nhân ái. Và đặc biệt là sự nỗ lực hết sức mình của đội ngũ vốn được ví von là “chân yếu tay mềm”.

HỒNG HẠNH

Ý kiến bạn đọc