Đầu tư phát triển nguồn nhân lực: Điểm tựa để lý luận, phê bình VHNT chuyển mình

VHO- Muốn lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật (VHNT) phát triển, phải đầu tư đúng mức các nguồn lực về chế độ, chính sách lương, phụ cấp, nhuận bút, thù lao… Đặc biệt, đầu tư vào công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các lĩnh vực này phải được đặt lên hàng đầu. Có được nguồn nhân lực chất lượng, công tác lý luận, phê bình VHNT Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của thời đại.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực: Điểm tựa để lý luận, phê bình VHNT chuyển mình - Anh 1

 Toàn cnh Hi thảo

 Đó là nhận định của nhiều chuyên gia tại Hội thảo khoa học toàn quốc Lý luận, phê bình VHNT Việt Nam 50 năm sau ngày đất nước hòa bình, thống nhất, đổi mới: Thực trạng và định hướng phát triển diễn ra ngày 12.12 tại Hà Nội. Hội thảo do Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương tổ chức.

“Khoảng trống” về con người

PGS.TS Nguyễn Văn Dân, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, hiện đang xuất hiện thực trạng một bộ phận đội ngũ phê bình VHNT hoạt động thiếu chuyên nghiệp, dẫn đến nhiều sản phẩm phê bình chỉ là những bài viết theo cảm tính, cảm xúc cá nhân, kể lể sự kiện, thiếu lý luận…

PGS.TS Trần Luân Kim, nguyên Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho rằng, lực lượng phê bình VHNT, nhất là ở những lĩnh vực chuyên ngành, nhiều năm qua thiếu và yếu. Nhóm phê bình chuyên nghiệp hoạt động khá trầm lắng. So với nhu cầu, lý luận, phê bình VHNT ở nước ta vẫn chưa đạt yêu cầu; chưa giải đáp được những vấn đề đang đặt ra với sáng tác. Thậm chí, một bộ phận người làm công tác lý luận, phê bình VHNT có biểu hiện xa rời sáng tác, thực hiện chưa thấu triệt chức năng hướng dẫn, điều chỉnh và đồng hành với sáng tác. Nhìn chung hiện nay, các bài viết, công trình lý luận, phê bình ở các lĩnh vực sân khấu, điện ảnh, âm nhạc, mỹ thuật… chưa đạt mức sâu sắc cần thiết.

Đồng quan điểm, TS Nguyễn Huy Phòng, Viện Văn hóa và Phát triển (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) chia sẻ, so với lĩnh vực sáng tác, quảng bá tác phẩm thì nghiên cứu, lý luận, phê bình chuyên nghiệp có sự thưa vắng, dẫn đến thiếu công trình lý luận, phê bình có chức năng dẫn dắt; nhất là những công trình có tính lý luận, chuyên sâu, chuyên ngành. Do vừa thiếu, vừa yếu về con người, nên khi đời sống VHNT có những hiện tượng mới, xuất hiện nhiều luồng dư luận trái chiều thì lý luận, phê bình lại thiếu tiếng nói và định hướng kịp thời của các chuyên gia, nhà nghiên cứu. Vì thế, lý luận, phê bình vẫn chậm một nhịp so với sự phát triển của đời sống VHNT.

Riêng trong mảng sân khấu, TS.NSND Nguyễn Ngọc Trúc cho hay, do hoạt động đang ở thời kỳ khó khăn nên không thu hút được người có khả năng đến với chuyên ngành lý luận, phê bình sân khấu. Đó là chưa kể tới những loại hình truyền thống như xiếc, rối… thì những công trình nghiên cứu, lý luận, phê bình vốn đã mỏng lại càng khó có cơ hội “bồi đắp”, vì lớp nghiên cứu mới còn khá non trẻ, chưa có người chủ động đầu tư trí tuệ, tài năng và nhiệt huyết để trở thành những chuyên gia của ngành.

Đầu tư phát triển nguồn nhân lực: Điểm tựa để lý luận, phê bình VHNT chuyển mình - Anh 2

 Vi nhng loi hình ngh thut truyn thng như xiếc, ri, các công trình nghiên cu, lý lun, phê bình vn đã mng li càng khó có cơ hi bi đắp (nh minh họa)

Đầu tư để tạo khởi sắc

PGS.TS Trần Luân Kim chỉ rõ, trong phát triển đội ngũ người làm công tác lý luận, phê bình VHNT, tình hình đào tạo cán bộ, lý luận phê bình chuyên nghiệp đã, đang bị buông lỏng. Vấn đề này vẫn chưa thấy có dấu hiệu khởi sắc khi các trường đại học trong nước rất khó tuyển được sinh viên theo học lý luận, phê bình VHNT. Nguồn nhân lực đào tạo ở nước ngoài thậm chí còn “đứt gãy” từ lâu.

Do đó, PGS.TS Trần Luân Kim mong muốn Đảng, Nhà nước sớm có thêm chính sách hữu hiệu để đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ văn nghệ sĩ, đội ngũ quản lý VHNT từ Trung ương đến địa phương. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế, chính sách, các văn bản quy phạm pháp luật với tiêu chí cụ thể nhằm phát hiện, tập hợp, trọng dụng và tôn vinh những trí thức, văn nghệ sĩ có tài năng. Bên cạnh đó, cần có chính sách phát huy năng lực sáng tạo của đội ngũ lý luận, phê bình; chuyên nghiệp hóa đội ngũ những người làm công tác này để họ coi đây là nghề suốt đời.

TS Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình VHNT Trung ương đề xuất, các Bộ, ngành, trường đại học cần tập trung đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, tạo những đột phá trong công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình VHNT. Trước mắt, cần rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường, khoa chuyên môn đào tạo ngành lý luận, phê bình VHNT ở các trường đại học đa năng; phát triển mạng lưới các trường chuyên năng khiếu VHNT, nhất là ở địa phương.

NSND Lê Tiến Thọ, nguyên Thứ trưởng Bộ VHTTDL cho rằng, cần xác định rõ vai trò quan trọng của lý luận, phê bình trong đời sống VHNT để đưa ra được đề án quy hoạch phát triển công tác lý luận, phê bình VHNT, tạo cơ sở đào tạo đội ngũ lý luận, phê bình có trình độ, năng lực gánh vác trọng trách nặng nề. Ngoài ra, cần có chính sách đầu tư, chế độ nhuận bút xứng đáng cho những bài viết, tác phẩm lý luận, phê bình VHNT chất lượng. Việc xét giải thưởng hằng năm về lý luận, phê bình phải được quan tâm, đầu tư thích đáng để kịp thời động viên đội ngũ những người làm công tác lý luận, phê bình.

PGS.TS, nhà văn Trần Thị Trâm, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam bày tỏ, trong thời gian chờ hoàn thiện cơ chế, chính sách, bản thân các nhà lý luận, phê bình phải nhận thức rõ trách nhiệm để không ngừng vươn lên, hoàn thiện chính mình. “Những người làm công tác lý luận, phê bình cần chăm học, chăm đọc tác phẩm, chủ động tiếp cận có chọn lọc những kiến thức mới để tăng cường nội lực. Từ đó, rèn luyện kỹ năng, khẳng định được chỗ đứng của mình trong giới chuyên môn và xã hội; góp phần giúp lý luận, phê bình VHNT Việt Nam đổi mới và phát triển”, PGS.TS Trần Thị Trâm chia sẻ. 

 Các nhà lý luận, phê bình VHNT cần nghiên cứu một cách công phu, có hệ thống di sản tri thức lý luận văn nghệ của dân tộc và nhân loại; tiếp thu có chọn lọc các trường phái, trào lưu, lý thuyết văn hóa, văn nghệ hiện đại để hiện đại hóa nền VHNT nước nhà. Công tác lý luận, phê bình VHNT cần đóng góp tích cực hơn nữa nhằm nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa, văn nghệ đối với sự phát triển của đất nước; đặt văn hóa, văn nghệ đúng vị trí, thật sự xứng tầm trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa và thị trường văn hóa phát triển…

(GS.TS NGUYỄN XUÂN THẮNG, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương)

 

 ĐÌNH TOÁN

Ý kiến bạn đọc