Xúc động vở nhạc kịch “Đức Vua hóa Phật” kể cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông

MINH NGỌC

VHO - Vở nhạc kịch “Đức Vua hóa Phật” do các Tăng Ni sinh Học viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tham gia biểu diễn đã mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Vở nhạc kịch kể về cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Xúc động vở nhạc kịch “Đức Vua hóa Phật” kể cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh 1
Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức lễ kính mừng ngày Phật thành đạo

Tối 6.1, Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội tổ chức lễ kính mừng ngày Phật thành đạo. Ngày thành đạo (8.12 âm lịch hàng năm) là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời tu tập của Đức Phật, cũng là ngày có ý nghĩa đối với muôn loài.

Đó là ngày Đức Phật chính thức chuyển pháp luân bánh xe chính pháp, đem đạo từ bi, trí tuệ và giải thoát để dẫn dắt chúng sinh hướng về nẻo giác. Sau hành trình tầm sư học đạo và trải qua nhiều khổ hạnh, Đức Phật đã nhận ra rằng chân lý không nằm ngoài mà ở chính trong bản thân mỗi người. Ngài dạy rằng, mỗi chúng sinh đều có khả năng giác ngộ và là chủ nhân của chính mình.

Xúc động vở nhạc kịch “Đức Vua hóa Phật” kể cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh 2

Tại buổi lễ mừng ngày Phật thành đạo, hàng ngàn Tăng Ni, Phật tử đã thành kính lắng nghe lược kể một vài nét đặc biệt trong đời tu của Đức Phật để nhớ và ý thức rõ đường tu của mình.

Đặc biệt, các Tăng Ni sinh và học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Siêu đã diễn vở nhạc kịch "Đức vua hoá Phật", mang đến nhiều cảm xúc cho người xem. Vở diễn do Hoà thượng Thích Thanh Quyết, Viện trưởng Học Viện Phật giáo Việt Nam tại Hà Nội chỉ đạo nội dung.

Vở nhạc kịch kéo dài 45 phút, được xây dựng trên nền âm nhạc và các ca khúc, giai điệu ý nghĩa như Việt Nam Phật tâm ca, Áo cà sa, Cư trần lạc đạo, Trên đỉnh Phù Vân... mang đến không khí trang trọng và thiêng liêng. Phần âm nhạc được phối khí và dàn dựng công phu tạo nên sự hòa quyện giữa âm nhạc truyền thống và hiện đại.

Xúc động vở nhạc kịch “Đức Vua hóa Phật” kể cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh 3

Vở nhạc kịch bắt đầu khung cảnh dưới bóng cổ tùng hơn 700 năm tại vùng núi thiêng Yên Tử, người đời vẫn nhắc mãi câu chuyện về một vị hoàng đế thiền sư đầu tiên, khai sáng ra dòng thiền của người Việt, gắn liền với hào khí của thời đại lịch sử.

Dòng thiền ấy được sinh ra trong khát vọng tự do của một dân tộc bé nhỏ, sát cánh cùng dân tộc trong những cuộc kháng chiến thần thánh chống quân Nguyên Mông, gắn liền với tên tuổi của Trần Nhân Tông - người đã hợp nhất sức mạnh của toàn dân Đại Việt, là đấng minh quân và là vị tổ Phật đầu tiên của Việt Nam.

Trần Nhân Tông là một thiền sư lỗi lạc, tu sĩ tiêu biểu của một thời đại Phật giáo và chính trị mẫu mực thế kỷ thứ XIII. Đây là thời kỳ tinh thần dân tộc thăng hoa, văn hóa, tư tưởng và trí tuệ đạt tới đỉnh cao trong lịch sử dân tộc.

Xúc động vở nhạc kịch “Đức Vua hóa Phật” kể cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh 4

Trần Nhân Tông là người sáng lập dòng thiền Trúc Lâm mang dấu ấn Việt sâu sắc, là người nghệ sĩ với những bài thơ bất hủ và là nhà nhân văn chủ nghĩa có sức cảm hóa hàng triệu con tim.

 Với những đóng góp và ảnh hưởng đặc biệt to lớn như vậy nên Ngài là Thiền sư duy nhất được suy tôn là Phật Hoàng. Trần Nhân Tông là tên gọi, là một danh nhân nhưng cũng đã là một tinh thần, một giá trị.

Xúc động vở nhạc kịch “Đức Vua hóa Phật” kể cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh 5

Trong không khí trang nghiêm, thành kính, câu chuyện về cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông được kể thông qua vở nhạc kịch khiến người xem xúc động về vị vua rời bỏ ngai vàng, lên núi Yên Tử khoác áo cà sa thuyết pháp độ sinh, khai sáng thiền phái Trúc Lâm, dòng thiền mang đậm bản sắc dân tộc, niềm tự hào của Phật giáo Việt Nam.

Xúc động vở nhạc kịch “Đức Vua hóa Phật” kể cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông - ảnh 6

Buổi lễ khép lại với nghi thức dâng hương, tụng Bát Nhã tâm kinh và cầu nguyện quốc thái dân an, chúng sinh an lạc. Các tiết mục hát, kịch do tăng ni sinh, phật tử và nghệ sĩ trình diễn. Đây không chỉ là dịp kỷ niệm mà còn lan tỏa tinh thần từ bi, nhập thế và giá trị nhân văn sâu sắc của đạo Phật.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc