Xuân về say điệu hát Then

VHO- Làn điệu hát Then hòa cùng âm thanh của cây đàn tính, nét văn hóa truyền thống được gìn giữ bao đời của đồng bào dân tộc Tày Yên Bái.

Hát Then là văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Tày. Ảnh: Đức Minh.

Hát Then là văn hóa tín ngưỡng, tâm linh của người Tày. Ảnh: Đức Minh.

Trong tiết trời se lạnh xen lẫn những cơn mưa phùn đầu xuân, trong những ngôi nhà sàn, bếp lửa bập bùng thơm mùi bánh chưng, tiếng Then trong trẻo lại vang lên như mời gọi bạn bè tới chơi quây quần bên nhau cùng ca hát, múa vui, chào đón một năm mới hạnh phúc và bình an.

Chúng tôi đến thăm Nghệ nhân ưu tú Hoàng Kế Quang, xã Hưng Khánh, huyện Trấn Yên - người đã gắn bó cả cuộc đời với những làn điệu Then và cây đàn tính. Từ tình yêu với nghệ thuật hát Then, ông mải miết sưu tầm, tìm kiếm những điệu Then cổ như Then cầu an, Then cầu phúc, Then giải hạn, Then cầu mùa....

Hiện nay, ông Quang đã sưu tầm được trên 30 làn điệu Then, một số làn điệu ông còn đặt nhiều lời, mang ý nghĩa khác nhau. Dù là kiểu Then nào cũng được ông thể hiện bằng chất giọng mượt mà, chất chứa bao tâm sự về tình yêu cuộc sống, yêu quê hương, yêu lao động.

Khi hỏi về hát Then, đàn tính, nghệ nhân Hoàng Kế Quang liền so dây đàn cho phù hợp với chất giọng và bắt đầu biểu diễn bài “Bản noọng tỏn xuân”: “... ới la, bản noọng tỏn vằn xuân mùa mấư/Vui đẩy mùa bắp khẩu têm sang/Vui phong trào đảm đang bản noọng/Hết kin đảy tốc cón bản cần… (Bản em đón xuân ngày mùa mới/Vui được mùa ngô lúa đầy sân/Vui phong trào đảm đang bản em/Làm ăn được vui trước bản người...)”.

Nghệ nhân Hoàng Kế Quang (bên phải) hát Then đệm đàn tính trong ngày xuân.

Nghệ nhân Hoàng Kế Quang (bên phải) hát Then đệm đàn tính trong ngày xuân. Ảnh: Đức Minh.

Đã ngấm vào máu thịt, mỗi lần cầm cây đàn tính và cất lời Then, người nghệ nhân ấy lại chứa chan cảm xúc, ngón tay ông lướt nhịp nhàng trên cần đàn tạo ra những âm thanh ngân nga lúc trầm, lúc bổng hòa cùng câu hát.

Nghệ nhân Hoàng Kế Quang tâm sự: “Hát Then là món ăn tinh thần không thể thiếu và là linh hồn trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của của người Tày chúng tôi. Trong văn hóa Then có nghệ nhân làm Then, hát Then, câu chuyện Then, múa Then và đàn tính là yếu tố tiên quyết giúp văn hóa Then được hoàn thiện, với tên gọi âm nhạc Then.

Tất cả được trình diễn trong một “sân khấu tâm linh” thông qua nghệ nhân Then để liên hệ với trời đất, cầu xin đấng thượng đế che chở, bảo vệ con người dưới dương gian. Tiếng Then vang lên xóa tan những ưu phiền, lo lắng giữa bộn bề cuộc sống được đồng bào dân tộc Tày ví như điệu hát thần tiên”.

Không chỉ nuôi dưỡng đam mê, gìn giữ làn điệu then, Nghệ nhân Hoàng Kế Quang còn tích cực truyền dạy các làn điệu Then cổ cho nam thanh, nữ tú trong thôn, xã có nhu cầu học. Đội văn nghệ của thôn được ông dạy hát Then, đàn tính thường xuyên giao lưu đàn hát vào những ngày lễ tết, đám cưới, đám hỏi..

Anh Trần Huy, một học trò của ông chia sẻ: “Tôi đã theo đuổi hát Then, đàn tính được hơn 8 năm. Để hát Then và chơi đàn tính thạo, người học phải có lòng kiên trì và đam mê. Đàn tính không có phím mà chỉ học qua “khuông” nên khi đánh phải đúng âm, đúng với từng làn điệu Then”.

Đối với các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và nghệ thuật hát Then nói riêng, các nghệ nhân đóng vai trò quan trọng, họ chính là các di sản “sống” lưu giữ, truyền dạy để phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị di sản văn hóa phi vật thể tại địa phương.

Vì thế, mỗi khi tiếng đàn, tiếng hát cất lên người dân nơi đây từ trẻ đến già đều yêu mến, luôn cảm thấy gần gũi, thân thiết. Cứ mỗi độ Tết đến Xuân về, tất cả mọi người lại cùng nhau tụ họp thưởng thức những làn điệu Then từ các nghệ nhân.

Đây cũng là dịp để mọi người quây quần bên nhau cùng đệm đàn múa hát, tổ chức nghi lễ chào đón năm mới, chúc nhau những điều tốt đẹp nhất. Những làn điệu Then tô điểm lên bức tranh làng quê yên bình, nét đẹp văn hoá độc đáo được gìn giữ của đồng bào dân tộc Tày nơi đây.

Ý kiến bạn đọc