Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi toàn diện
VHO – Văn hóa và con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh là trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể, các doanh nghiệp và của mỗi người dân.
Chiều 7.5, Tỉnh ủy Quảng Ngãi tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Qua 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 33, công tác xây dựng và phát triển văn hóa, con người trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị, cán bộ, đảng viên và nhân dân ngày càng nhận thức đầy đủ, sâu sắc hơn về quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và văn hóa, con người Quảng Ngãi nói riêng.
Các cấp ủy đảng, chính quyền đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, chú trọng bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện. Việc xây dựng văn hóa công sở văn minh, lịch sự được quan tâm.
Vai trò của văn học - nghệ thuật phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi tiếp tục được phát huy. Việc xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh, phát huy lối sống “Mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người” được chú trọng. Việc xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế đạt được nhiều kết quả tích cực.
Các cấp ủy, tổ chức đảng đã coi trọng việc xây dựng văn hóa trong Đảng và trong hệ thống chính trị, trọng tâm là học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Tỉnh đã xây dựng Quy hoạch bảo tồn và phát huy di tích quốc gia đặc biệt về Địa điểm cuộc khởi nghĩa Ba Tơ; Quy định quản lý, bảo vệ và phát huy di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh...
Nhiều lễ hội của cư dân vùng đồng bằng, ven biển, hải đảo và các loại hình diễn xướng dân gian được duy trì và phát huy giá trị. Trong đó, Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa đã trở thành nghi lễ tiêu biểu của cả nước. Một số hoạt động liên quan đến lĩnh vực văn hóa, văn nghệ được xã hội hóa.
Các hoạt động giao lưu văn hóa, quan hệ hữu nghị với các địa phương của nước ngoài được tăng cường, nhất là hoạt động giao lưu hè với các đoàn học sinh, sinh viên quốc tế, thanh niên kiều bào, chương trình homestay cho sinh viên Lào đang theo học tại tỉnh... Qua đó, góp phần xây dựng con người Quảng Ngãi có thế giới quan khoa học, hướng tới chân - thiện - mỹ.
Hội nghị cũng đã nêu rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân. Từ đó rút ra những bài học kinh nghiệm, đồng thời đề ra những mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp trong giai đoạn mới.
Trong đó, tập chú trọng xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ngãi toàn diện; giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, là động lực phát triển, là sức mạnh nội sinh đáp ứng yêu cầu đổi mới, hội nhập và phát triển bền vững của tỉnh.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy yêu cầu trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các hội, đoàn thể tiếp tục quán triệt sâu sắc, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quan điểm, phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp về xây dựng, phát triển, giữ gìn, phát huy giá trị văn hóa, con người được xác định trong Nghị quyết số 33. Kết luận số 635-KL/TU ngày 1.11.2021 của Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ năm (khóa XX) về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 03 gắn với thực hiện các nội dung về văn hóa, con người được xác định trong Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XX và ý kiến chỉ đạo của Đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11.2021.
Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về văn hóa. Bảo vệ và phát huy những giá trị tốt đẹp, bền vững trong văn hóa truyền thống và tiếp thu, chọn lọc các giá trị văn hóa hiện đại tích cực để xây dựng con người Quảng Ngãi phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ, khẳng khái, khoan dung, thân thiện, năng động, có ý thức trách nhiệm xã hội, có lòng yêu nước, khát vọng cống hiến vì sự phát triển của quê hương, đất nước.
Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; xây dựng gia đình văn hóa, xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa, xây dựng con người mới đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy nhà nước các cấp. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm cho các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh lan tỏa sâu rộng trong đời sống.