Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa:
Phát huy cao độ sức mạnh của văn hóa, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
VHO - Ngày 25.4, tại TP.HCM, Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng”. Tham dự Hội thảo có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương.
Theo BTC, Hội thảo khoa học toàn quốc lần này được tổ chức vào thời điểm rất có ý nghĩa, khi Đảng vừa hoàn thành tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa X) về "Tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới”; đang triển khai từng bước việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa XI) về Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước ta trong năm 2024, hướng tới năm 2025.
Hội thảo hướng tới mục tiêu đánh giá thực trạng của văn học, nghệ thuật trong việc phản ánh truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta và quân đội ta trong 80 năm qua, nhất là mảng đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Phân tích, đánh giá thực trạng, vai trò của văn học, nghệ thuật cách mạng trong việc phản ánh hiện thực đời sống thời chiến tranh và thời hậu chiến.
Bên cạnh đó, đánh giá vai trò của các nhà văn, nghệ sĩ trong việc khắc họa hình tượng Bộ đội Cụ Hồ, hình tượng Công an nhân dân và các lực lượng vũ trang qua các thời kỳ cách mạng. Phân tích ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa - xã hội đến sự hình thành và phát triển của đội ngũ sáng tạo và tác phẩm văn học, nghệ thuật về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng… Qua đó, đề xuất các hướng đi, cách làm trong nghiên cứu, giảng dạy, phê bình và tiếp nhận giá trị các tác phẩm văn học, nghệ thuật về chủ đề này.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, cho biết Hội thảo khoa học toàn quốc “Văn học, nghệ thuật với đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng” là dịp để cùng nhìn nhận, đánh giá về sự lãnh đạo, định hướng, khích lệ của Đảng, Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật nước nhà, nhất là mảng đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng. Xác định rõ hơn vị trí, vai trò, đóng góp của văn học, nghệ thuật đối với việc nắm bắt, phản ánh, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc được hun đúc, ngời sáng trong các cuộc chiến tranh cách mạng của nhân dân ta, quân đội ta, các lực lượng vũ trang ta.
“Trong lịch sử phát triển của văn học, nghệ thuật Việt Nam thời hiện đại, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng luôn chiếm một vị trí đặc biệt quan trọng. Sự ra đời và phát triển của mảng văn học, nghệ thuật tiêu biểu và xuyên suốt này đã góp phần làm phong phú thêm nền văn học, nghệ thuật của dân tộc, góp phần vào việc nâng cao nhận thức, tư tưởng, tình cảm của nhân dân ta, cả người Việt Nam và người có nguồn cội Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là một chủ đề không chỉ mang tính sử thi hào hùng mà còn chứa đựng giá trị nhân văn, nhân bản sâu sắc, phản ánh chiều sâu và tầm cao tinh thần, ý chí, bản lĩnh, trí tuệ của dân tộc, truyền cảm hứng cho mọi giới, mọi người, mọi nhà”, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ nhấn mạnh.
Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Hồ Hải khẳng định, trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nhân dân ta đã anh dũng chiến đấu giành độc lập tự do cho dân tộc, làm nên những chiến công vĩ đại được bè bạn năm châu ngưỡng mộ.
Để giành được thắng lợi to lớn đó, có sự tham gia của đông đảo các tầng lớp Nhân dân, trong đó có các chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, văn nghệ; bằng trí tuệ, tâm huyết, đã khắc họa nhiều tác phẩm về đề tài lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng tiêu biểu.
“Phát huy tinh thần đó, sau ngày đất nước hòa bình, TP.HCM đã tập trung phát triển kinh tế nhanh, bền vững, gắn với phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng đô thị, các thiết chế văn hóa; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đầu tư cho hoạt động văn hóa, văn nghệ. Các chương trình, kế hoạch phát triển văn hóa, nghệ thuật dài hạn được tập trung; công tác đào tạo, chăm lo, phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ và hoạt động văn học - nghệ thuật chuyên nghiệp và quần chúng đã mang lại nhiều hiệu quả thiết thực”, ông Nguyễn Hồ Hải cho biết.
Phát biểu tại Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nói rằng, quá trình phát triển, hiện đại hóa nền văn học - nghệ thuật Việt Nam trong thế kỷ XX gắn liền với lịch sử hào hùng dân tộc… Đặc điểm lịch sử đó đã ghi dấu ấn đặc biệt sâu sắc trong văn học - nghệ thuật nước nhà. Trong đó, đề tài về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng đã được phản ánh một cách đậm nét và sâu sắc.
Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, hiện thực cách mạng hào hùng của dân tộc, những chiến công to lớn của lực lượng vũ trang, hình ảnh cao đẹp của người chiến sĩ lực lượng vũ trang nhân dân đã trở thành nguồn cảm hứng vô tận cho những sáng tác văn học - nghệ thuật. Người chiến sĩ lực lượng vũ trang không những là hình tượng, nhân vật sáng tạo của văn học - nghệ thuật mà còn là lực lượng trực tiếp sáng tạo ra tác phẩm văn học - nghệ thuật có giá trị phục vụ cho cách mạng, cho nhân dân.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa mong rằng, các văn nghệ sĩ hôm nay, nhất là thế hệ sinh ra trong hòa bình, không ngừng trau dồi, nâng cao bản lĩnh, tài năng, hòa mình trọn vẹn vào thực tiễn đời sống của lực lượng vũ trang và của nhân dân; nỗ lực tìm tòi, đổi mới nội dung và phương thức biểu hiện; sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, đáp ứng sự mong đợi của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Đặc biệt, các văn nghệ sĩ lực lượng vũ trang nhân dân phải "lĩnh ấn tiên phong", là hạt nhân tiếp nối dòng mạch chính là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn của nền văn học Việt Nam trên con đường đổi mới và phát triển.
Bên cạnh đó, các văn nghệ sĩ phải cống hiến để vun đắp các giá trị cao đẹp, nêu cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái hay, cái đẹp, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái, gây phương hại cho sự phát triển lành mạnh của đời sống văn học - nghệ thuật.
“Văn hóa, nghệ thuật là một hình thái tư tưởng, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa xã hội. Văn học - nghệ thuật là bộ phận tinh tế và nhạy cảm của văn hóa, có khả năng tác động trực tiếp đến tư tưởng, tình cảm của con người. Vì vậy, cần quán triệt sâu sắc và có những chủ trương chính sách phát triển văn học - nghệ thuật trong các lực lượng vũ trang, phát huy cao độ sức mạnh của văn hóa, nghệ thuật trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa chỉ đạo.