Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam từ những công việc cụ thể
VHO- Ở Việt Nam, khái niệm công nghiệp văn hóa manh nha từ đầu những năm 2000. Nhưng cột mốc quan trọng cho việc định hướng xây dựng công nghiệp văn hóa là Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, trong đó khẳng định phát triển công nghiệp văn hóa đang là xu thế lớn và quan trọng trong chính sách văn hóa của các nước trên thế giới, đồng thời nhận thức rõ về xu thế tất yếu phải phát triển công nghiệp văn hóa, những điều kiện phát triển công nghiệp văn hóa và nhiệm vụ tập trung xây dựng cơ chế, chính sách, môi trường kinh doanh để phát triển ngành công nghiệp văn hóa ở nước ta.
Các nghệ sĩ, đại biểu tại LHP Quốc tế Hà Nội 2018
Công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu
Định hướng trong Nghị quyết số 33-NQ/TW về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã chỉ rõ: “Phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với xây dựng, hoàn thiện thị trường văn hóa”. Cụ thể hóa chủ trương của Đảng, Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 Phê duyệt “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” đề ra mục tiêu rõ ràng: “Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế dịch vụ quan trọng”.
Như vậy, nếu công nghiệp văn hóa được xác định trên các yếu tố cơ bản là sáng tạo và sản xuất ra sản phẩm văn hóa, phát triển thị trường văn hóa với việc phân phối và phổ biến sản phẩm để phục vụ xã hội thì điện ảnh Việt Nam đã đạt được những điều kiện nhất định để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh- một phần quan trọng của công nghiệp văn hóa. Sản phẩm điện ảnh/các bộ phim là loại hàng hóa đặc biệt, sản phẩm của sáng tạo và công nghệ sản xuất, đem lại giá trị tinh thần và giải trí cho công chúng, đồng thời có khả năng thu lợi để phát triển thị trường. Điện ảnh cũng là ngành nghệ thuật tổng hợp có thế mạnh kết hợp và cộng hưởng sức mạnh để phục vụ các ngành công nghiệp văn hóa khác như văn học (xuất bản), âm nhạc, sân khấu, mỹ thuật, nhiếp ảnh, quảng cáo, du lịch văn hóa…
Khai mạc Trại sáng tác HANIFF, LHP Quốc tế Hà Nội lần V, 2018
Cần xác định công nghiệp điện ảnh dựa trên các yếu tố cơ bản là: sáng tạo; sản xuất ra tác phẩm (phim); phát hành và phổ biến phim để phát triển thị trường, tạo nguồn kinh phí tái sản xuất; bảo vệ thành quả sáng tạo- nghĩa là bảo vệ bản quyền tác phẩm. Tuy nhiên, không chỉ đối với công chúng Việt Nam mà ngay cả với những người làm điện ảnh, thuật ngữ “Công nghiệp điện ảnh” còn rất mới mẻ. Người ta hay dùng các cụm từ “nền điện ảnh Việt Nam”, hay “ngành điện ảnh Việt Nam”. Khi nói về một bộ phim, người ta cũng thường dùng thuật ngữ “tác phẩm điện ảnh” chứ không mấy khi xem đó là một sản phẩm của công nghiệp điện ảnh, càng không coi nó là một thứ hàng hóa đặc biệt. Luật Điện ảnh 2006 xây dựng chủ yếu trên cơ sở quan niệm điện ảnh là ngành nghệ thuật, các điều luật chủ yếu để điều chỉnh các hoạt động sáng tác- phát hành- phổ biến tác phẩm điện ảnh. Trên thực tế, điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật tổng hợp, vừa là ngành công nghiệp. Công nghiệp điện ảnh là xu thế phát triển tất yếu ở các nước, là bộ phận quan trọng của công nghiệp văn hóa. Phát triển công nghiệp điện ảnh gắn liền với phát triển thị trường điện ảnh để tái sản xuất phim, tạo các sản phẩm điện ảnh- hàng hóa đặc biệt- vừa có giá trị tư tưởng, thẩm mỹ, đáp ứng nhu cầu giải trí lành mạnh, vừa có hiệu quả kinh tế xã hội.
Nói phát triển điện ảnh Việt Nam phải xác định là phát triển công nghiệp điện ảnh Việt, trong đó hai lĩnh vực quan trọng nhất: một là sáng tạo và sản xuất phim, hai là phát hành và phổ biến phim để phát triển bền vững thị trường điện ảnh.
Sáng tạo nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng cao
Mục tiêu của lĩnh vực thứ nhất là sáng tạo, sản xuất nhiều tác phẩm điện ảnh chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu hưởng thu văn hóa tinh thần của khán giả và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Cần phát triển hài hòa các dòng phim: phim phục vụ nhiệm vụ chính trị do nhà nước đặt hàng, dòng phim giải trí thương mại từ nguồn xã hội hóa và dòng phim nghệ thuật được tài trợ từ các quỹ điện ảnh.
TS. Ngô Phương Lan (bên trái) tại chương trình Giới thiệu phim Việt Nam và bối cảnh quay phim trong Tuần phim Việt Nam tại Canada năm 2018
Mặc dù đã có những thành tựu nhưng phải khẳng định nội lực của điện ảnh Việt chưa mạnh, đội ngũ làm điện ảnh tại các cơ sở điện ảnh của nhà nước thiếu trầm trọng và ngày càng mai một. Không ít phim do Nhà nước đặt hàng sản xuất chưa đạt chất lượng cao, hiệu quả xã hội cũng hạn chế. Để khắc phục, cần quy định rõ các tiêu chí về đề tài, nội dung để người sáng tác thai nghén tác phẩm còn nhà sản xuất thẩm thấu và chuẩn bị kỹ càng, ngược lại, những yêu cầu vội vàng, gấp gáp để phục vụ nhiệm vụ chính trị sẽ khó tạo ra tác phẩm chất lượng. Hiện vẫn có các ý kiến chưa thống nhất về việc có áp dụng hay không Luật Đấu thầu để tuyển chọn nhà sản xuất phim đặt hàng.
Trên thực tế, cả chục năm qua chưa thể áp dụng việc “đấu thầu” này, vì toàn bộ kịch bản do các hãng phim trình duyệt. Khi kịch bản được duyệt, nếu hãng trình không trúng thầu sản xuất phim thì nhiều khả năng họ sẽ rút kịch bản, và dự án phim không thể thực hiện được. Vậy, rất khó áp dụng máy móc việc đấu thầu trong sẩn xuất phim đặt hàng. Đấu thầu sản xuất phim chỉ có thể thực hiện nếu Nhà nước có kinh phí để đầu tư/mua một “kho” kịch bản, khi định sản xuất phim sẽ “tung” kịch bản để các hãng phim cùng xây dựng dự án sản xuất trên kịch bản đó, sau đó “đấu thầu” các dự án theo cùng một kịch bản. Cũng nên có sự thay đổi căn bản về phương thức đặt hàng- thay thế quy trình đặt hàng bằng phương thức duyệt kịch bản văn học, duyệt tổng dự toán phim rồi cấp tiền sản xuất (như vẫn thực hiện lâu nay) bằng phương thức hiệu quả hơn mà nhiều nước áp dụng với phim được Nhà nước hỗ trợ (ví dụ: tài trợ cho từng khâu trong một dự án phim như kịch bản, tiền kỳ, hậu kỳ… hoặc tất cả các khâu nhưng theo quy định cụ thể).
Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là bộ phim nhà nước đặt hàng rất thành công
Đối với phim sản xuất từ nguồn vốn xã hội hóa (hầu hết là phim giải trí, thương mại), cần giữ nguyên tắc quan trọng: Nhà nước có cơ chế ưu đãi, khuyến khích hoặc đầu tư những phần công việc tư nhân không thể hoặc không sẵn sàng tham gia xã hội hóa. Theo đó, khuyến khích các hãng phim tư nhân xây dựng những kịch bản và dự án làm phim có giá trị tư tưởng và nghệ thuật với sự hỗ trợ một phần kinh phí của Nhà nước. Cũng nên có cơ chế rõ ràng để khuyến khích các thành phần kinh tế, các nguồn vốn xã hội sản xuất những bộ phim theo mục tiêu Nhà nước đặt ra, vì muốn phát triển điện ảnh không thể chỉ trông chờ vào phim Nhà nước đặt hàng. Cơ chế đó là ưu đãi thuế, “mua sản phẩm” (Nhà nước mua toàn bộ hoặc một phần các phim có chất lượng, đúng tiêu chí để phục vụ mục đích phù hợp), có cơ chế ưu tiên đưa phim Việt đến khán giả (quảng bá, trình chiếu…).
Phim Truyền thuyết về Quán Tiên
Đối với phim nghệ thuật, nếu thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh đã được quy định trong Luật Điện ảnh hiện hành thì mục tiêu của Quỹ nên lấy trọng tâm là việc lựa chọn, hỗ trợ cho các phim nghệ thuật, phim thể nghiệm, phim của các tác giả trẻ, tạo thành dòng phim thành công tại các liên hoan phim quôc tế.
Xây dựng thị trường điện ảnh lớn mạnh, phát triển bền vững
Ở lĩnh vực thứ hai- phát hành và phổ biến phim- cần giải quyết những vướng mắc trong phát hành, phổ biến phim để xây dựng thị trường điện ảnh lớn mạnh, phát triển bền vững.
Trong một thập kỷ nay, thị trường điện ảnh ở Việt Nam phát triển mạnh, trở thành một trong những thị trường tăng trưởng nóng trên thế giới với mức tăng khoảng 20% năm. Trong “Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, chỉ tiêu đến năm 2020 Ngành điện ảnh đạt khoảng 150 triệu USD (phim Việt Nam đạt khoảng 50 triệu USD), nhưng thực tế, điện ảnh đã vượt chỉ tiêu năm 2020 vào năm 2018 (tổng doanh thu 155 triệu USD); doanh thu phim Việt năm 2018 cũng đạt chỉ tiêu của năm 2020 (khoảng 50 triệu USD). Đến năm 2019, tổng doanh thu vượt thêm gần 20% (176 triệu USD) so với chỉ tiêu trong Chiến lược.
Trạng Tí ôm mộng tạo ra vũ trụ phim thần thoại cho trẻ em
Tuy nhiên, thị trường đang tồn tại nhiều bất cập. Hơn 60% phòng chiếu phim do các công ty nước ngoài nắm giữ, dẫn đến tình trạng bất bình đẳng trong phát hành phim, công ty nước ngoài sở hữu số lượng rạp lớn có biểu hiện thống lĩnh thị trường, chèn ép, áp đặt tỉ lệ chia giữa nhà phát hành và nhà sản xuất phim khiến các công ty sản xuất & phát hành phim Việt chịu nhiều rủi ro, thua lỗ, thậm chí phá sản. Thị trường phát triển chủ yếu từ doanh thu phim nhập, bởi vì khi ký kết Hiệp định Thương mại WTO, Việt Nam đã cam kết không quy định hạn ngạch phim nhập. Phim nước ngoài áp đảo phim Việt khi ra rạp (40 phim Việt Nam hàng năm phải “đương đầu” với hơn 200 phim nhập ngoại!). Điều này dẫn đến tâm lý chuộng phim ngoại, nhất là khi khán giả chủ lực ra rạp ở độ tuổi từ 16-25 thì tâm lý chuộng ngoại này cũng ảnh hưởng đến giáo dục và thẩm mỹ của thế hệ trẻ. Hơn nữa, rạp chiếu phim của các công ty nước ngoài phát triển ồ ạt ở các thành phố lớn, trong khi hệ thống rạp của nhà nước ở địa phương lạc hậu về cơ sở vật chất kỹ thuật, hầu như tê liệt. Hưởng thụ điện ảnh của thành thị và vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa có khoảng cách lớn.
Để phát triển bền vững thị trường điện ảnh, có 3 vấn đề mấu chốt trong khâu phát hành và phổ biến phim cần giải quyết, đó là quy định cấp phép phân loại phim, tỉ lệ chiếu phim Việt và cạnh tranh lành mạnh.
Về cấp phép, trong Dự thảo Luật Điện ảnh sửa đổi, phim chiếu rạp và phát trên truyền hình theo hình thức “tiền kiểm”, còn phim trên Internet thì đang đề xuất 2 phương án: một là “tiền kiểm” như phim chiếu rạp, hai là không cấp phép mà theo hình thức tự phân loại và “hậu kiểm”. Nếu cùng “tiền kiểm” thì không khả thi, vì số lượng phim chiếu trên Internet có thể gấp hàng trăm, hàng ngàn lần phim chiếu rạp, khó có “hội đồng” nào duyệt và cấp phép cho xuể. Xu hướng thế giới là phim trên Internet do các nhà cung cấp dịch vụ OTT tự phân loại và dán nhãn. Tuy nhiên, nếu theo phương án này, cần phải có quy định thật rõ ràng, minh bạch, để không thể có sự suy diễn hay cố ý “hiểu nhầm” về các nội dung bị cấm trong phim. Tiêu chí phân loại đối với từng độ tuổi cần cụ thể, dễ hiểu, dễ áp dụng, mới có thể tránh được các tranh cãi, phản ứng trong quá trình cấp phân loại phim. Cũng cần có quy định việc hạn chế chiếu phim (phạm vi rạp chiếu, số lượng buổi chiếu, giờ chiếu…), thậm chí chỉ định một số rạp riêng chiếu với những phim phân loại cao nhất (ví vụ C18). Bởi vì, khi chiếu tràn lan các phim “phân loại cao” như hiện nay thì việc phân loại phim có thể, thậm chí đã và đang trở thành tác nhân kích thich người xem trẻ tuổi, kể cả khán giả vị thành niên.
Phim remake Tiệc trăng máu, một trong 10 phim ăn khách nhất Việt Nam
Về tỉ lệ chiếu phim Việt, cam kết quốc tế không có hạn ngạch đối với phim nhập không có nghĩa bắt buộc phải chiếu ngay tất cả phim nhập trong một thời điểm. Vì vậy, cần cơ chế để bảo hộ phim Việt, theo đó quy định rõ nhà phát hành phải giữ tỉ lệ phim Việt trong năm, tỉ lệ buổi chiếu phim Việt trong ngày/tuần/tháng. Tương tự, mỗi cụm rạp cùng phải giữ tỉ lệ phim Việt theo quy định. Đây là cơ chế rất quan trọng để bảo vệ điện ảnh dân tộc, phát triển công nghiệp điện ảnh.
Về thị trường, phải có quy định rõ ràng để xây dựng thị trường điện ảnh Việt Nam phát triển theo hướng cạnh tranh lành mạnh, hạn chế tối đa tiến tới xóa bỏ việc lấn át đối với các doanh nghiệp nhỏ, ép tỉ lệ “ăn chia” thấp khi chiếu phim đối với phim Việt Nam, áp đặt giá vé, giờ chiếu, “đẩy” ra khỏi rạp sớm. Ngược lại, cần cơ chế ưu đãi khi phát hành, phổ biến những phim Việt Nam có giá trị nội dung và nghệ thuật, có ý nghĩa giáo dục.
Để phát hành, phổ biến phim đáp ứng yêu cầu phát triển nền công nghiệp điện ảnh, song song với việc xây dựng thị trường điện ảnh cạnh tranh lành mạnh trong nước, phải phát triển thị trường điện ảnh Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Trên thực tế, so với mục tiêu Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam (2016), doanh thu điện ảnh tại Việt Nam năm 2018 vượt chỉ tiêu năm 2020, nhưng chưa đạt chỉ tiêu xuất khẩu phim Việt ra nước ngoài. Các cơ quan nhà nước hầu như chưa quan tâm đến đưa phim Việt ra thị trường quốc tế.
Em chưa 18 là một trong 10 phim ăn khách, tuy không quá xuất sắc về kịch bản
Hầu hết phim bán được ra nước ngoài đều do các công ty tư nhân làm một cách nhỏ lẻ và đơn độc. Việc cần làm là phải có chiến lược quảng bá phim Việt ra thế giới ở 3 cấp độ: Tham dự các Tuần phim Việt Nam, Ngày văn hóa Việt Nam, các sự kiện văn hóa nghệ thuật theo thỏa thuận, hiệp định, quan hệ ngoại giao… (chọn phim đáp ứng yêu cầu đối ngoại); Tham dự các LHP quốc tế (chọn phim có giá trị nghệ thuật và có tìm tòi mới mẻ); Thiết lập thị trường điện ảnh Việt Nam ở nước ngoài (đối với phim có giá trị thương mại, giá trị nhân văn). Bên cạnh đó, Nhà nước nên có cơ chế khuyến khích các tổ chức và cá nhân, cơ sở và doanh nghiệp điện ảnh bán phim Việt Nam để phát hành và chiếu ở nước ngoài dưới mọi hình thức, đồng thời quan tâm và triển khai việc khai thác phim Việt Nam ở thị trường nước ngoài trong và sau thời gian chiếu phim (kể cả việc phát triển các sản phẩm “ăn theo” phim) nhằm tận thu cho phim. Hơn nữa, một bộ phim giờ đây không chỉ chiếu vài tuần hay vài tháng ngoài rạp, cuộc đời bộ phim có thể kéo dài gấp nhiều lần, thậm chí là vô tận nhờ việc phát trên truyền hình và các nền tảng số. Theo đó, việc liên kết giữa điện ảnh với truyền hình và các nền tảng số giúp tối ưu hóa giá trị tác phẩm điện ảnh, phổ biến rộng rãi, linh hoạt nhất.
Xây dựng công nghiệp điện ảnh chỉ đạt kết quả khi chúng ta thực sự bắt tay vào những công việc cụ thể và tiến hành một cách đồng bộ, bền bỉ.
TS. NGÔ PHƯƠNG LAN, nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh