Vùng cao Hoài Ân quyết bảo tồn bản sắc văn hóa đồng bào thiểu số
VHO - Huyện Hoài Ân (Bình Định) có ba xã vùng cao Ðak Mang, Bok Tới, Ân Sơn là nơi sinh sống của đại đa số đồng bào dân tộc thiểu số Bana, H’rê ở địa phương. Nhờ quyết tâm, nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa đặc trưng của cộng đồng đã phát huy tốt trong đời sống của bà con đồng bào thiểu số trong nhiều năm qua.
Lễ mừng cốm lúa mới của người Bana huyện Hoài Ân
Đồng bào dân tộc thiểu số Bana và H’rê của huyện Hoài Ân còn lưu giữ nhiều nét sinh hoạt qua đặc sắc qua các phong tục, tập quán, dân gian, dân ca, dân vũ và các lễ hội truyền thống như: Lễ mừng cốm lúa mới của người Bana ở Bok Tới, Đak Mang; lễ cầu vía của người H’rê ở Ân Sơn… Cùng với đó là nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang; các loại nhạc cụ dân tộc, như đàn t’rưng, đàn blơn khơng… của đồng bào Bana; bộ chiêng ba chiếc, bộ cồng ba chiếc, trống… của đồng bào H’rê.
Tại xã Ân Sơn có hơn 85% người H’rê, còn lại là người Bana và một ít người Kinh sinh sống. Ông Đinh Văn Thanh, Bí thư Đảng ủy xã Ân Sơn chia sẻ: Bà con H’rê, Bana ở Ân Sơn giữ gìn nét đẹp văn hóa được thể hiện nhiều mặt, từ lao động, sản xuất, sinh hoạt hằng ngày đến lễ hội. Cho đến nay, thôn 1 và thôn 2 của xã đều thành lập đội cồng chiêng, múa xoang. Bà con cũng chung tay giữ gìn, truyền dạy các loại nhạc cụ độc đáo của đồng bào Bana. Ở đó có nhạc độc tấu, hòa tấu chiêng ba lá và chiêng năm của đồng bào H’rê và các loại hình dân ca, dân vũ của hai cộng đồng H’rê, Bana được truyề lớp trẻ kế thừa. Những năm trở lại đây, số lần diễn tấu cồng chiêng, trình diễn dân vũ, dân ca lớn hơn rất nhiều, bà con ngày càng nhiệt tình ủng hộ.
Nghệ thuật diễn tấu cồng chiêng, múa xoang của người Bana vùng cao huyện Hoài Ân
Tại xã Bok Tới, đồng bào Bana tập trung sinh sống ở 5 thôn T1, T2, T4, T5, T6. Đến nay, mỗi thôn đều thành lập được đội cồng chiêng, múa xoang. Theo già làng Đinh Văn Khin, ở thôn T4, xã Bok Tới, những người lớn tuổi ở đây rất lo lắng trước sự mai một văn hóa của dân tộc mình. Thời gian qua, nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, cộng đồng đã chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa. Nhà nước hỗ trợ mỗi làng mỗi bộ cồng chiêng, xây dựng nhà văn hóa thôn khang trang, lớp già miệt mài truyền dạy cho lớp trẻ đánh cồng chiêng, nhạc cụ của dân tộc mình, hoặc dạy múa xoang cho lớp trẻ kế thừa. Khi địa phương có dịp tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao thì âm điệu tiếng chiêng, tiếng cồng, điệu múa xoang sẽ lại vang lên khắp khắp núi rừng.
Cùng với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số trong các lễ hội truyền thống, sinh hoạt văn hóa, đặc biệt nhằm nâng cao đời sống tinh thần cho người dân, tăng tình đoàn kết cộng đồng cùng nhau phát triển kinh tế, xây dựng đời sống văn hóa tiến bộ, văn minh, định kỳ 2 năm/lần, UBND huyện Hoài Ân lại luân phiên cho tổ chức Ngày hội VHTT các dân tộc tại 3 xã vùng cao.
Ngày hội VHTT các dân tộc tại ba xã vùng cao huyện Hoài Ân là không gian để người Bana, H’rê gắn kết và bảo tồn những giá trị văn hóa tốt đẹp của mình
Nói về ý nghĩa Ngày hội VHTT các dân tộc tại ba xã vùng cao, ông Trần Văn Thơm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân cho biết: Tại Ngày hội, những giá trị văn hóa cộng đồng, đặc trưng của các đồng bào dân tộc được tái hiện sinh động trong một không gian đặc biệt như: Văn hoá cồng chiêng, nhà rông, tín ngưỡng dân gian và các hình thức văn hoá dân gian khác…Qua đó, không những có ý nghĩa tôn vinh, phát huy bản sắc mà còn là dịp để các dân tộc anh em có điều kiện gặp gỡ, giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm. Đồng thời, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết 33-NQ/TW ngày 9.6.2014 của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI về xây dựng, phát triển văn hóa con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Theo ông Thơm, tiếp tục bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số 3 xã vùng cao, hiện nay huyện Hoài Ân đã xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn học dân gian của các dân tộc thiểu số đến năm 2030”.
THUẬN LÂM