Vô vàn bất cập về quảng cáo ngoài trời
VHO - Luôn là mảng “nóng” trong quản lý lĩnh vực quảng cáo, sự lộn xộn, nhếch nhác, dẹp chỗ nọ mọc chỗ kia… là hiện trạng kéo dài của hoạt động quảng cáo ngoài trời. Những vướng mắc liên quan đến hành lang pháp lý gây khó cho nhiều phía, hiệu quả khai thác chưa cao và từ đây đặt ra sự cần thiết phải sớm sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định pháp luật để “gỡ rối” cho quảng cáo ngoài trời.
Tại dự thảo Tờ trình Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, Bộ VHTTDL nêu rõ, đến nay một số quy định đối với hoạt động quảng cáo ngoài trời đã bộc lộ bất cập, chưa phù hợp với thực tiễn.
Nhiều cái không phù hợp thực tiễn
Công tác quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo ngoài trời liên quan nhiều cấp, ngành, nhiều văn bản quy phạm pháp luật. Để đáp ứng yêu cầu phân cấp quản lý, các địa phương xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Luật Quy hoạch năm 2017 đã xác định quy hoạch quảng cáo ngoài trời là quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành. Tuy nhiên, quy định tại Luật Quảng cáo năm 2012 lại giao UBND cấp tỉnh xây dựng và phê duyệt quy hoạch quảng cáo ngoài trời tại địa phương.
Thực tế hiện nay, quy hoạch quảng cáo ngoài trời đang gặp nhiều khó khăn do thiếu quy định chi tiết về nội dung, trách nhiệm xây dựng và triển khai quy hoạch, đặc biệt là các quy định liên quan mục đích sử dụng đất thuộc vị trí quy hoạch, quy định về đấu giá vị trí quảng cáo khi thực hiện quy hoạch. Bất cập nảy sinh từ thực trạng hoạt động quảng cáo trên màn hình nơi công cộng phát triển mạnh cũng được nhìn nhận. Hoạt động này áp dụng nhiều công nghệ tiên tiến, chuyển tải nhanh và hiệu quả, song lại tiềm ẩn nguy cơ trong sử dụng âm thanh, ánh sáng, hoặc bị tấn công gây mất trật tự giao thông, an toàn thông tin mạng. Tuy nhiên, Luật Quảng cáo hiện hành lại chưa có quy định về quản lý, thông báo sản phẩm quảng cáo trên màn hình, do đó gây khó khăn cho công tác quản lý ở địa phương.
Bên cạnh đó, các quy định của Luật Quảng cáo về hồ sơ, thủ tục tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo trên băng rôn, bảng quảng cáo, thời hạn treo băng rôn, bảng quảng cáo đoàn người thực hiện quảng cáo… cũng có một số bất cập dẫn đến những khó khăn trong hướng dẫn tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thực hiện quảng cáo. Cụ thể, chưa có cơ sở phân cấp quản lý phương tiện quảng cáo ngoài trời trong trường hợp cần thiết; thời hạn giải quyết một số thủ tục hành chính còn dài; chưa quy định thời hạn đặt bảng quảng cáo; thành phần hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo không phù hợp với thực tế… Trong bối cảnh mỗi năm cả nước có hàng chục nghìn lượt hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo ngoài trời thì những bất cập trên làm tăng thời gian, chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, người dân cũng như giảm hiệu lực quản lý nhà nước. Đơn cử, năm 2022 có 12.408 hồ sơ về bảng quảng cáo, 15.149 hồ sơ về băng rôn; 1.132 hồ sơ về đoàn người thực hiện quảng cáo.
Doanh nghiệp quảng cáo… thấy khó, làm liều
Những bất cập trong quảng cáo ngoài trời đã được nhận diện tại tọa đàm “Giải pháp phát huy hiệu quả quảng cáo ngoài trời” do Hiệp hội Quảng cáo TP Hà Nội phối hợp với nhiều đơn vị tổ chức mới đây.
Theo ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo đã có những đóng góp cho sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, quảng cáo ngoài trời còn vướng một số vấn đề liên quan hành lang pháp lý nên việc khai thác chưa hiệu quả. “Phải nhìn nhận quảng cáo chính là “bán niềm tin”, vì thế cần làm trong sạch hoạt động này, nhất là quảng cáo ngoài trời vốn còn lộn xộn, chưa theo quy định”, ông Sơn nói.
Quy hoạch quảng cáo ngoài trời cùng một số quy định, quy chế đã triển khai quá chậm. Tại TP Hà Nội, những năm qua, cơ quan quản lý nhà nước không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của bất cứ đơn vị nào. Điều này khiến doanh nghiệp quảng cáo gặp khó khăn, nhiều trường hợp phải “làm liều” dẫn đến hệ lụy là hoạt động quảng cáo tùy tiện, lộn xộn, đặt bảng quảng cáo sai vị trí...
(Ông TRẦN HÙNG, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam)
Nhìn nhận hoạt động quảng cáo ngoài trời còn tùy tiện, ảnh hưởng không nhỏ đến trật tự mỹ quan đô thị, ông Trần Hùng, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam thẳng thắn, quy hoạch quảng cáo cùng một số quy định, quy chế đã triển khai quá chậm. Tại TP Hà Nội, những năm qua, cơ quan quản lý nhà nước không tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo của bất cứ đơn vị nào. Điều này khiến doanh nghiệp quảng cáo gặp khó khăn, nhiều trường hợp “làm liều” dẫn đến hệ lụy là hoạt động quảng cáo tùy tiện, lộn xộn, đặt bảng quảng cáo sai vị trí. Theo ông Hùng, bất cập này là lỗi của cả hai phía, cơ quan quản lý và doanh nghiệp.
Giãi bày những khó khăn, Giám đốc Công ty CP Đầu tư Bizman Vũ Đức Sơn cho rằng, việc Sở VHTT TP Hà Nội đang tạm dừng tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo bảng tấm lớn cột trụ trên quốc lộ, đường cao tốc đã gây khó khăn cho doanh nghiệp khi nhiều khách hàng yêu cầu có giấy thông báo sản phẩm mới ký hợp đồng. Việc này cũng gây khó trong giải trình hồ sơ pháp lý với cơ quan quản lý. Cùng với đó, về thủ tục xin lắp đặt màn hình LED, theo ông Sơn, doanh nghiệp phải thực hiện nhiều bước, thông qua nhiều Sở, ngành nên mất nhiều thời gian, tốn kém không ít chi phí. Từ thực tế này, doanh nghiệp kiến nghị UBND TP Hà Nội, Sở VHTT thành phố xem xét cho phép tiếp nhận hồ sơ thông báo sản phẩm quảng cáo trở lại; kiến nghị cơ quan quản lý cấp phép lắp đặt màn hình LED quảng cáo dài hạn để doanh nghiệp yên tâm đầu tư khai thác.
Nhấn mạnh quan điểm cần xác định quảng cáo là ngành công nghiệp văn hóa nhiều tiềm năng, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Đỗ Đình Hồng cho rằng, trong bối cảnh hiện nay các cơ quan chức năng và các đơn vị liên quan đều phải “chuyển mình”, thay đổi tư duy. Đặc biệt, để chấn chỉnh những bất cập trong quảng cáo ngoài trời thì những thay đổi này càng cần thiết. Ông Hồng cho biết, trong quá trình xây dựng dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) và Luật Thủ đô (sửa đổi), các vấn đề về hoạt động quảng cáo, quảng cáo ngoài trời đã được đề xuất để cụ thể hóa, tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động. Về phía doanh nghiệp, sự thay đổi cũng cần mạnh mẽ hơn, bởi quảng cáo là ngành sáng tạo, cần tạo ra những sản phẩm mà khách hàng cần, tạo ra dịch vụ để kết nối khách hàng với sản phẩm quảng cáo. Nhìn nhận những bất cập trong quản lý hoạt động quảng cáo nói chung, quảng cáo ngoài trời nói riêng, Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) Ninh Thị Thu Hương cho rằng, đã đến lúc cần thay đổi một số chính sách lớn để hoạt động quảng cáo mang tính đồng bộ hơn. Ngoài Luật Quảng cáo đang được sửa đổi thì một số luật và văn bản khác cũng thường xuyên được bổ sung chính sách liên quan đến hoạt động quảng cáo. “Riêng với quảng cáo ngoài trời, trong dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) lần này đã đề cập 3 nội dung lớn gồm quy hoạch quảng cáo, thủ tục hành chính và kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm”, bà Hương cho biết. Là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, bà Ninh Thị Thu Hương nhấn mạnh, Bộ VHTTDL đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng chính sách. Các nội dung sửa đổi hướng đến việc nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, đồng thời quy định chế tài xử phạt mạnh đối với hành vi vi phạm.
“Với vai trò là quản lý nhà nước, đặc biệt là vai trò của Tổ Biên tập sửa đổi Luật Quảng cáo, chúng tôi cam kết sẽ lắng nghe các ý kiến góp ý để hoàn thiện dự thảo theo hướng phù hợp nhất. Việc sửa đổi, bổ sung các chính sách sẽ cân đối nhiều mặt, không thể vì cơ quan quản lý nhà nước mà “bóp chặt” hoạt động của doanh nghiệp và cũng không phải vì doanh nghiệp mà “buông” công tác quản lý. Dự thảo Luật Quảng cáo (sửa đổi) sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp tháng 10.2024, dự kiến trình thông qua Luật vào kỳ họp tháng 5.2025…”, Cục trưởng Ninh Thị Thu Hương chia sẻ.