Vĩnh Linh - truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển

TRẦN THÀNH; ảnh: MINH ĐỨC

VHO - Nhân kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh (25.8.1954 – 25.8.2024) và hướng đến kỷ niệm 70 năm thành lập Khu vực Vĩnh Linh (16.6.1955 - 16.5.2025), sáng nay 20.8, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị phối hợp Ban Thường vụ Huyện ủy Vĩnh Linh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề “Vĩnh Linh truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển”.

Vĩnh Linh - truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển - ảnh 1
Toàn cảnh Hội thảo

Tham dự Hội thảo có Viện trưởng Viện lịch sử quân sự, Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang; Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hồ Đại Nam; Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hoàng Đức Thắng; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Chiến Thắng; Bí thư Thành ủy Đông Hà Lê Quang Chiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam.

Cùng dự có trên 170 đại biểu là đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội cấp tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành cấp tỉnh; khách mời là lãnh đạo, nhà khoa học đến từ các cơ quan trung ương, các tỉnh, thành trong nước; lãnh đạo huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An; lãnh đạo huyện Vĩnh Linh, các phòng, ban cấp huyện và các xã, thị trấn tham dự.

Hội thảo tiếp tục khẳng định, làm sâu sắc hơn tầm nhìn chiến lược và sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn sáng tạo của Đảng; làm rõ hơn truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Vĩnh Linh anh hùng.

Cùng với đó, các đại biểu nêu rõ những đóng góp to lớn của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Vĩnh Linh trong 70 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành; tiếp tục khơi dậy niềm tự hào, lan tỏa khát vọng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Vĩnh Linh - truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển - ảnh 2
Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Đại Nam phát biểu khai mạc

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Trị Hồ Đại Nam cho biết, trải qua chiều dài lịch sử, nhiều lần thay đổi tên gọi, địa giới hành chính, danh xưng Vĩnh Linh đã được định hình từ năm 1889 đến nay.

Từ sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, hệ thống chính trị ở huyện Vĩnh Linh dần hoàn thiện. Ngày 21.7.1954, Hiệp định Geneve về lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết, vĩ tuyến 17 - sông Bến Hải (giáp ranh hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh ngày nay) được chọn làm ranh giới quân sự tạm thời giữa hai miền Nam - Bắc.

Ngày 25.8.1954, đại diện quân đội Pháp đã buộc phải ký vào biên bản bàn giao vùng phía Bắc Vĩ tuyến 17 cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là mốc lịch sử đánh dấu thời điểm Vĩnh Linh được hoàn toàn giải phóng, ngày 25.8 hằng năm đã trở thành Ngày truyền thống của Vĩnh Linh.

Sau sự kiện này, Vĩnh Linh vừa là đầu cầu giới tuyến, tiền đồn miền Bắc xã hội chủ nghĩa và là hậu phương cho chiến trường miền Nam. Đế quốc Mỹ đã dùng đủ mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, trút hàng vạn tấn bom đạn xuống Vĩnh Linh. Thế nhưng, kẻ thù càng điên cuồng bắn phá thì quân và dân Vĩnh Linh càng kiên cường bám đất giữ làng, nén đau thương lập nên những chiến công hiển hách.

“Vĩnh Linh trở thành mảnh đất anh hùng được Bác Hồ nhiều lần gửi thư khen. Bước ra khỏi chiến tranh, từ trong hoang tàn đổ nát, dù ở trong ngôi nhà chung Bến Hải (tỉnh Bình - Trị - Thiên) hay khi về với tên gọi của chính mình thuộc tỉnh Quảng Trị, Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Linh luôn trăn trở, tìm hướng đi trong tái thiết và xây dựng quê hương.

Vĩnh Linh - truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển - ảnh 3
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang phát biểu chào mừng

Từ vùng đất bị bom cày đạn xới, Vĩnh Linh nay đã bạt ngàn màu xanh của lúa, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái, những tuyến đường nhựa trải dài; nhà máy, khu công nghiệp đang mọc lên trên những hố bom xưa.

Hội thảo khoa học là dịp để tiếp tục khẳng định và làm sáng tỏ thêm về truyền thống anh hùng, chiều dày lịch sử, chiều sâu văn hóa, về những đóng góp to lớn của Vĩnh Linh với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc và quê hương Quảng Trị”, ông Hồ Đại Nam nhấn mạnh và cho biết: “Kết quả của Hội thảo sẽ góp phần quan trọng vào công tác giáo dục truyền thống, nâng cánh lòng tự hào và tiếp thêm niềm tin, sức mạnh cho cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân; xây dựng quê hương Vĩnh Linh ngày càng phát triển, vững bước trên con đường mà Đảng và Bác Hồ đã chọn”.

Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự nhấn mạnh, mảnh đất và con người Vĩnh Linh giàu truyền thống cách mạng, có ý chí chiến đấu kiên cường, dũng cảm, lập được nhiều thành tích to lớn, góp phần cùng quân và dân cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ (1954 - 1975), khu vực Vĩnh Linh giữ một vị trí quân sự quan trọng, là đầu cầu giới tuyến của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, hậu phương trực tiếp của chiến trường miền Nam, cửa ngõ dẫn vào chiến trường Bắc Quảng Trị.  Nơi đây có các tuyến vận chuyển chiến lược từ miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam.

Vĩnh Linh - truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển - ảnh 4
Các đại biểu tham dự Hội thảo

Phát biểu chào mừng Hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Đăng Quang khẳng định, trong dòng chảy lịch sử của quê hương, đất nước, Vĩnh Linh có một vị trí, ý nghĩa hết sức quan trọng, đặc biệt là trong thời kỳ có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo.

Miền quê Vĩnh Linh sống trong lòng của đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế, khi Vĩnh Linh thực hiện sứ mệnh sau Hiệp định Geneve năm 1954. Trải qua nhiều mất mát, hy sinh, quân và dân Vĩnh Linh đã anh dũng chiến đấu làm nên những chiến công oanh liệt, góp sức cùng cả nước giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Phát huy truyền thống anh hùng cách mạng của quê hương, trong thời kỳ mới, quân dân Vĩnh Linh đã nỗ lực, đoàn kết, phấn đấu và đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận.

Với bề dày truyền thống cách mạng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy kỳ vọng huyện Vĩnh Linh tiếp tục gìn giữ, phát huy, tạo dựng nên những cơ đồ mới trong tương lai, để từng bước đưa địa phương từ “lũy thép” trở thành “lũy hoa” như mong ước, khát vọng của Nhân dân.

Qua hơn 50 bài tham luận Ban Chỉ đạo hội thảo nhận được và 7 tham luận trình bày tại Hội thảo đến từ Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, các đồng chí lãnh đạo, các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử, đại biểu đã phản ánh khá toàn diện và sâu sắc truyền thống lịch sử, văn hóa, con người Vĩnh Linh anh hùng.

Làm rõ những đóng góp xứng đáng của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Vĩnh Linh trong 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành đối với sự nghiệp thống nhất đất nước, xây dựng quê hương sau chiến tranh; đúc rút một số bài học kinh nghiệm từ thực tiễn để phục vụ cho việc xây dựng quê hương Vĩnh Linh hôm nay và trong tương lai.

Vĩnh Linh - truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển - ảnh 5
Chương trình văn nghệ chào mừng Hội thảo

Các tham luận tham gia hội thảo đã khắc họa đậm nét một giai đoạn lịch sử gian lao nhưng rất đổi hào hùng của Vĩnh Linh “lũy thép, lũy hoa” và những di sản đồ sộ, giàu sức sáng tạo trong đấu tranh cách mạng và xây dựng, phát triển quê hương sau 70 năm qua, trong đó tập trung làm rõ các vấn đề cơ bản, cốt lõi.

Đó là truyền thống văn hóa, lịch sử, vùng đất và con người Vĩnh Linh: Dù ở vào hoàn cảnh, giai đoạn lịch sử nào, con người nơi đây vẫn giữ được cốt cách trung dũng, kiên cường, không lùi bước trước gian nan thử thách, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược, quyết tử cho Tổ quốc trường sinh.

Với những chiến công oai hùng, oanh liệt trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, năm 1967, Đặc khu Vĩnh Linh là địa phương đầu tiên ở miền Bắc được Bác Hồ ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang. 8 lần Vĩnh Linh vinh dự được Bác Hồ gửi thư khen ngợi, chúc mừng vì những chiến công vang dội.

Năm 1978, lần thứ hai, Đảng và Nhà nước phong tặng Vĩnh Linh danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. 100% xã, thị trấn ở Vĩnh Linh được phong tặng Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (có địa phương 3 lần anh hùng như xã Vĩnh Giang), 44 tập thể, 19 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, 234 bà mẹ được phong tặng, truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

70 năm sau ngày Vĩnh Linh được hoàn toàn giải phóng, Vĩnh Linh lũy thép đã hồi sinh mạnh mẽ sau lửa đạn chiến tranh. Mười ba năm cùng các huyện Gio Linh, Cam Lộ trong ngôi nhà chung Bến Hải, cho đến ngày được lập lại vào tháng 5.1990, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực tự cường, được sự quan tâm giúp đỡ của trung ương, các tỉnh, huyện bạn, Vĩnh Linh đã nhanh chóng ổn định đời sống và tổ chức sản xuất.

Vĩnh Linh - truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển - ảnh 6
Cụm Di tích quốc gia đặc biệt Ðôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, nơi hội tụ nỗi niềm đau đáu nhớ thương, thao thức của đất nước suốt 21 năm bị chia cắt

Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 ước đạt 59,4 triệu đồng. Đến cuối năm 2023 toàn huyện có 431 doanh nghiệp, 7.030 hộ kinh doanh cá thể, tỉ lệ hộ nghèo giảm còn 1,91%, hơn 99,8% người dân sử dụng nước sạch, nước hợp vệ sinh.

Đến tháng 6.2024, huyện Vĩnh Linh có 100% xã đạt chuẩn nông thôn mới; 59 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Huyện Vĩnh Linh đã được Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới. Trên địa bàn huyện xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực văn hoá, du lịch cũng được quan tâm và có nhiều bước đột phá. Vũng đất thép có trên 180 di tích đã được công nhận di tích lịch sử văn hóa các cấp, trong đó có nhiều di tích đặc biệt cấp quốc gia, di tích cấp quốc gia và trên 160 di tích cấp tỉnh.

Mảnh đất khói lửa năm xưa trở thành mảnh đất xạnh, khát vọng hoà bình, là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách muốn tìm hiểu về cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam, khát vọng thống nhất, sự hy sinh gian khổ và những chiến công đã trở thành huyền thoại của quân, dân lũy thép Vĩnh Linh trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước.

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm truyền thống, huyện Vĩnh Linh sẽ tổ chức nhiều hoạt động đặc sắc.

Theo đó, cùng với Hội thảo khoa học với chủ đề “Vĩnh Linh truyền thống anh hùng và khát vọng phát triển” là Hội thảokhoa học “Vĩnh Linh ngày ấy - bây giờ”; tổ chức cuộc thi tìm hiểu về mảnh đất và con người; truyền thống văn hóa, truyền thống cách mạng; những thành tựu tiêu biểu trong 70 năm xây dựng và phát triển của quê hương Vĩnh Linh anh hùng theo hình thức trực tuyến.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; chủ trì tổ chức giải bóng chuyền Nam với phạm vi trong toàn tỉnh; tổ chức triển lãm tư liệu, hình ảnh với chủ đề “Tự hào 70 năm truyền thống Vĩnh Linh” tại Trung tâm tỉnh và huyện Vĩnh Linh; Liên hoan Văn nghệ Quần chúng các làng, cơ quan đơn vị văn hóa cấp tỉnh tại huyện Vĩnh Linh.

Lễ kỷ niệm 70 năm truyền thống Vĩnh Linh được tổ chức vào ngày 25.8.2024. Đặc biệt, tối cùng ngày sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Ngày Truyền thống Vĩnh Linh. Sự kiện do Nhà hát Nghệ thuật Đương đại Việt Nam (Bộ VHTTDL) phối hợp huyện Vĩnh Linh (tỉnh Quảng Trị) tổ chức tại Trung tâm Văn hoá huyện.