Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh:
Máu và hoa trên lũy thép
VHO - Từ lâu, địa danh Vĩnh Linh đã đi vào lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam với bao chiến công hiển hách. Chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống Vĩnh Linh sẽ đưa khán giả ngược dòng thời gian, sống lại những năm tháng bi tráng trong khói lửa chiến tranh của đất và người nơi đây.
Vĩnh Linh - lũy thép, lũy hoa
Nằm ở phía Bắc Quảng Trị, Vĩnh Linh trải qua những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước đầy gian khổ nhưng cũng rất hào hùng, trở thành biểu tượng cho tinh thần bất khuất của quân và dân Việt Nam. Ngày 25.8.1954, nơi đây đã chứng kiến một cuộc chuyển giao lịch sử ngay tại đầu cầu Hiền Lương, khi tên lính Pháp cuối cùng rút qua cầu cũng là lúc mảnh đất này trở thành tiền đồn, một đặc khu chiến trận trực thuộc Trung ương của hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, không phải chỉ 2 năm theo tinh thần tổng tuyển cử thống nhất hai miền Nam - Bắc của Hiệp định Genève, mà đằng đẵng suốt 20 năm đau thương và bất khuất trước kẻ thù hùng mạnh.
Vĩ tuyến 17, sông Bến Hải hiền hòa bỗng thành “nhát chém” của lịch sử, chịu sự bầm dập trong suốt cuộc chiến không cân sức nhưng ngang tầm thời đại. Tái hiện lịch sử ấy, chương trình nghệ thuật đặc biệt gồm 3 chương: Niềm tin thống nhất; Vĩnh Linh lũy thép anh hùng và Vĩnh Linh ngày mới sẽ đưa khán giả ngược dòng thời gian, sống lại những năm tháng bi hùng của đất và người Vĩnh Linh trong công cuộc chống Mỹ cứu nước, khẳng định sự thay da đổi thịt của mảnh đất này sau chiến tranh, ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Hình ảnh Vĩnh Linh trong khói lửa đạn bom sẽ được thể hiện sống động qua các ca khúc đi cùng năm tháng như: Tình trong lá thiếp, Câu hò bên bến Hiền Lương, Bài ca hy vọng, Vĩnh Linh đất mẹ anh hùng, Cồn Cỏ yêu thương, Làng hầm Vĩnh Linh, Ký ức Tân Kỳ, Đón Bác về thăm quê cháu…
Hòa bình lập lại, cùng với đồng bào cả nước, người dân Vĩnh Linh tự hào ca khúc khải hoàn. Từ trong hoang tàn, đổ nát, những con người nơi đây tiếp tục hàn gắn vết thương chiến tranh để đi lên với tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường. Cả một cuộc cách mạng về chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng hướng đã trở thành kim chỉ nam cho hàng loạt các hoạt động kinh tế, văn hóa, du lịch, quốc phòng an ninh… Những đổi thay trên mảnh đất này được thể hiện qua các ca khúc: Vĩnh Linh quê mình yêu thương, Vĩnh Linh sắc màu bình minh, Bài ca xây dựng nông thôn mới, Khát vọng Quảng Trị, Liên khúc: Vĩnh Linh ngày mới, Vĩnh Linh - Quảng Trị hướng tới tương lai…
Các tác phẩm trong chương trình sẽ được nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thể hiện: NSND Quốc Hưng, NSND Mai Hoa, NSND Diệu Hương, NSƯT Việt Hoàn, ca sĩ Trọng Tấn, Anh Thơ…
Sống lại những năm tháng hào hùng
Từ năm 1954, Vĩnh Linh đã có một vị trí đặc biệt trong tâm khảm người dân Việt Nam. Vì thế, trên mọi miền Tổ quốc, nhiều văn nghệ sĩ đã viết về Vĩnh Linh, như: Hoàng Vân, Phan Huỳnh Điểu, Hoàng Hiệp, Doãn Nho, Trọng Loan, Đinh Thìn, Thái Quý, Lư Nhất Vũ... Trong số đó, ca khúc Câu hò bên bờ Hiền Lương của nhạc sĩ Hoàng Hiệp (Đằng Giao cùng viết lời) là tác phẩm mang dấu ấn rất đặc biệt, từ hoàn cảnh ra đời đến ca từ, âm điệu nhẹ nhàng mà sâu lắng.
Nhạc sĩ Hoàng Hiệp từng kể: Năm 1956, ông từ Hà Nội vào công tác ở Vĩnh Linh, sống trong một đồn biên phòng nằm gần cầu Hiền Lương. Từng giờ, từng phút bên dòng sông Bến Hải, ông nhìn về bờ Nam mà lòng nhớ thương da diết. Từ cảm xúc trong những ngày tháng ấy, ông đã cho ra đời Câu hò bên bờ Hiền Lương vào năm 1957. Ngay lập tức, bài hát đã được người dân cả hai miền đón nhận và được các ca sĩ thuộc nhiều thế hệ thể hiện thành công.
Từng ghi dấu ấn trong lòng công chúng với những câu hát da diết mà sâu lắng, chan chứa tình yêu thương, ca sĩ Anh Thơ chia sẻ: “Dù đã nhiều lần thể hiện ca khúc, nhưng mỗi lần cất tiếng hát, tôi đều vẹn nguyên cảm xúc, bởi cái đẹp của ca khúc không chỉ nằm ở giai điệu mà còn ở ý nghĩa sâu sắc mà nó mang lại. Đặc biệt, chương trình lần này lại diễn ra ngay trên mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng, tôi rất tự hào và chờ đợi được mang tiếng hát trở về với miền đất lửa đã truyền cảm hứng cho tác phẩm ra đời”.
Tình trong lá thiếp của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng là ca khúc từng khiến triệu triệu trái tim yêu nhạc phải rung lên thổn thức và nhớ về một thời đất nước bị chia cắt bởi chiến tranh, những người yêu nhau thường gửi gắm tâm tình qua vài dòng thư ngắn ngủi. Là một trong những nghệ sĩ thể hiện bài hát trong chương trình, nam ca sĩ Trọng Tấn xúc động bày tỏ: “Toàn dân đoàn kết chung sức/ Bắc Nam ta cùng chung nhau một dòng máu, chung câu hò/ Tình ta như núi với sông… Những ca từ của bài hát khiến tôi như được trở về với những năm tháng hào hùng của dân tộc. Qua tiếng hát của mình, tôi mong muốn để mọi người hiểu hơn về mảnh đất Vĩnh Linh anh hùng, qua đó góp phần khơi dậy lòng yêu nước, tự hào dân tộc trong mỗi người dân Việt Nam”.