Xung quanh ngôi mộ có liên quan đến các giả thiết về phần mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương ở Tam Kỳ:
Vì sao tỉnh Quảng Nam bác đề xuất khai quật khảo cổ?
VHO - UBND tỉnh Quảng Nam vừa có văn bản trả lời không đồng ý với đề nghị của bà Nghiêm Thị Hằng (trú tại Đống Đa, Hà Nội) về việc xin khai quật khảo cổ ngôi mộ cổ có minh bia năm 1850 nằm trên địa bàn phường An Sơn, TP Tam Kỳ mà bà Hằng cho là có liên quan đến các giả thiết về phần mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, lý do không thống nhất với đề nghị của bà Nghiêm Thị Hằng là vì qua kết quả khảo sát và dập, dịch các văn khắc trên hai bia mộ tại phường An Sơn, TP Tam Kỳ đều thể hiện đầy đủ các thông tin về họ tên, danh xưng, quê quán, phẩm hàm, chức vị, năm sinh, năm mất… Do đó, thông tin về hai ngôi mộ cổ là vô chủ và nghi là phần mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là không có căn cứ và cơ sở lịch sử, khoa học. Đồng thời, UBND tỉnh Quảng Nam giao UBND TP Tam Kỳ chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan có phương án bảo vệ hiện trạng các ngôi mộ cổ nêu trên, tránh sự tác động, xâm hại từ các yếu tố bên ngoài.
Người chồng thứ hai của nữ sĩ quê ở làng Tam Kỳ cổ nên nghi ngờ?
Được biết, tháng 7.2024, nhà thơ, nhà báo Nghiêm Thị Hằng có tờ trình gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề xuất xin khai quật ngôi mộ cổ vô thừa nhận ở TP Tam Kỳ, có minh bia năm 1850 phục vụ khảo cổ, mà theo quan điểm của bà Hằng là có liên quan đến các giả thuyết về phần mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương, Bà chúa thơ Nôm đã được UNESCO vinh danh Danh nhân văn hóa năm 2022.
Trước đó, năm 2023, nhóm nghiên cứu của bà Hằng cũng đã làm việc, báo cáo đề xuất gửi UBND TP Tam Kỳ về việc xin phép khai quật mộ cổ này. Trong tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam, bà Hằng cho hay quá trình nghiên cứu về thân thế nữ sĩ Hồ Xuân Hương, từ năm 2020, bà phát hiện ông Trần Phúc Hiển (tức Mai Sơn phủ) là người chồng thứ hai của nữ sĩ, quê ở làng Tam Kỳ cổ. Bà Hằng đã nhiều lần vào TP Tam Kỳ tìm hiểu ngôi mộ cổ Giày Thày Lánh ở làng Hương Trà Tây, phường Hòa Hương, kết nối thông tin với hai ngôi mộ vô thừa nhận ở khu phố 8, phường An Sơn, TP Tam Kỳ có minh bia năm 1857 của cụ Phan Thị Chi và ngôi mộ minh văn bia năm 1850 có tên Huỳnh Hoàn Nhân với nhà thờ cụ Nguyễn Đức Thêm ở xã Tam Tiến, huyện Núi Thành.
Bà Hằng đề nghị được khai quật khu mộ cổ có minh bia đề năm 1850 để phục vụ nghiên cứu khoa học, khảo cổ, đồng thời xác định hài cốt người nằm dưới mộ là nam hay nữ, chết già hay trẻ, chết vào thời gian nào và chết do bệnh tật hay tác động khác qua kiểm nghiệm mẫu xương… Các vật tùy táng còn trong mộ theo các căn cứ khảo cổ, soi chiếu với thực tế và các thông tin từ dữ liệu lịch sử, văn học và dân gian truyền tụng liên quan đến nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Trong văn bản của bà Hằng có nêu: “Chúng tôi khẳng định đây là mộ cải cát không phải mộ dài chôn một lần theo phong tục của các ngôi mộ cổ của vùng Tam Kỳ, Quảng Nam. Điều này có căn cứ bởi năm 2012, ngôi mộ này đã bị đào trộm lấy cổ vật, phần xương cốt trong tiểu quách đã bị vứt lên bờ, sau đó chính quyền địa phương chôn lại. Chúng tôi có những thông tin về cổ vật đã bị lấy đi khi kẻ xấu đào trộm cổ vật. Do đó, chúng tôi đề nghị tiếp tục lật lại vụ án liên quan đến những người đào mộ để truy tìm cổ vật đã bị lấy đi”. Đồng thời khẳng định đề xuất nói trên theo các căn cứ đã được pháp luật quy định.
Không thể khẳng định các mộ cổ là vô chủ
Theo Sở VHTTDL Quảng Nam, liên quan đến đề xuất nói trên, năm 2023, Bảo tàng Quảng Nam đã tiến hành khảo sát kiến trúc mộ, dập và dịch các văn khắc trên bia mộ, khảo sát thông tin người dân địa phương, đặc biệt là những người cao tuổi trên địa bàn TP Tam Kỳ.
Không thống nhất với đề nghị của bà Nghiêm Thị Hằng về việc khai quật ngôi mộ cổ có minh bia năm 1850. Lý do: Qua kết quả khảo sát và dập, dịch các văn khắc trên hai bia mộ tại phường An Sơn, TP Tam Kỳ cho thấy tại hai ngôi mộ đều thể hiện đầy đủ các thông tin về họ tên, danh xưng, quê quán, phẩm hàm, chức vị, năm sinh, năm mất... Do đó, thông tin về hai ngôi mộ vô chủ và nghi là phần mộ của nữ sĩ Hồ Xuân Hương là không có căn cứ và cơ sở lịch sử, khoa học.
(UBND tỉnh Quảng Nam)
Báo cáo kết quả nghiên cứu cho thấy, hai ngôi mộ cổ của vợ chồng cụ ông họ Huỳnh, cụ bà Phan Thị ở phường An Sơn là những ngôi mộ cổ có kiểu xây dựng mang đặc trưng phong cách kiến trúc mộ ở Quảng Nam khoảng giữa thế kỷ XIX. Bia mộ hiện còn nguyên vẹn, chứa đựng thông tin trung thực về mộ chủ. Hai ngôi mộ của vợ chồng cụ ông họ Huỳnh và cụ bà Phan Thị có hai người con trai tên là Văn Dực, Văn Lập. Trên bia mỗi mộ đều có ghi bài minh bằng văn vần gồm nhiều câu thơ bốn chữ, ghi tên cùng tác giả, cho thấy được cách thể hiện của người thời xưa khi nói về người đã khuất. Từ các chứng cớ lịch sử rõ ràng được người xưa khắc tạc trên các ngôi mộ, Bảo tàng Quảng Nam đã đề xuất trả lời đề nghị của bà Nghiêm Thị Hằng về khai quật mộ cổ.
Theo đó, các văn khắc trên mộ đều cho thấy hai mộ có danh xưng, chủ nhân, quê quán, gia quyến… Hiện nay, có thể vì một số lý do như chiến tranh, di dân,… nên mộ phần không có con cháu thường xuyên lui tới chăm sóc, thờ phụng hương khói. Tuy nhiên, trong nghiên cứu lăng mộ cổ, bia mộ là một thành tố quan trọng nhất của lăng mộ, chính bia mộ đã cá nhân hóa ngôi mộ và cho ngôi mộ tình trạng hộ tịch của nó. Vì vậy, không thể khẳng định các mộ này là vô chủ. Đồng thời, đây là những ngôi mộ cổ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa, văn chương, nghệ thuật, rất cần được bảo vệ và nghiên cứu. Việc đưa ra những suy đoán không có cơ sở hoặc dựa vào những chứng cớ huyễn hoặc để thay đổi nhân thân người nằm trong hai ngôi mộ này là điều không được làm.
Dù ngôi mộ không có hậu duệ đang trực tiếp thờ phụng nhưng hiện đang được
Hiện nay, có thể vì một số lý do như chiến tranh, di dân,… nên mộ phần không có con cháu thường xuyên lui tới chăm sóc, thờ phụng hương khói. Tuy nhiên, trong nghiên cứu lăng mộ cổ, bia mộ là một thành tố quan trọng nhất của lăng mộ, chính bia mộ đã cá nhân hóa ngôi mộ và cho ngôi mộ tình trạng hộ tịch của nó. Vì vậy, không thể khẳng định các mộ này là vô chủ.
Đồng thời, đây là những ngôi mộ cổ chứa đựng nhiều giá trị lịch sử văn hóa, văn chương, nghệ thuật, rất cần được bảo vệ và nghiên cứu. Việc đưa ra những suy đoán không có cơ sở hoặc dựa vào những chứng cớ huyễn hoặc để thay đổi nhân thân người nằm trong hai ngôi mộ này là điều không được làm.
(Bảo tàng Quảng Nam)
chính quyền và người dân địa phương bảo vệ, đặc biệt sau khi mộ bị đào phá năm 2012 thì ý thức của người dân địa phương trong việc bảo vệ khu mộ cổ là rất cao. Việc khai quật khảo cổ đối với hai ngôi mộ này cũng cần phải cân nhắc, lấy ý kiến đồng thuận các nhà khoa học, chính quyền và người dân địa phương.
Khai quật mộ cổ không chỉ là công tác đào cốt để thực hiện các giám định nhân thân mà là một công trình khoa học phải tuân thủ nghiêm túc kỹ thuật xử lý khai quật khảo cổ nhằm xác định quy mô, diện tích, trắc diện các lớp đất, diễn biến về địa tầng, thổ nhưỡng, cấu trúc mộ và hình thức táng tục. Di cốt, quan tài, các di vật, các khối kiến trúc đều phải được tập hợp xử lý, bảo quản và được nghiên cứu từng bước và có phương án phục dựng hợp lý. Trong điều kiện hiện nay, Sở VHTTDL, Bảo tàng Quảng Nam đề xuất không tổ chức khai quật ngôi mộ này mà tiến hành bảo vệ kiến trúc, nghệ thuật kể cả di cốt các bậc tiền nhân ở trong khu mộ.
Ngoài ra, để bảo vệ và phát huy hiệu quả giá trị những ngôi mộ cổ trên, Bảo tàng Quảng Nam cũng đề xuất cơ quan chức năng có văn bản gửi các tộc họ trên địa bàn toàn quốc, các cơ quan chuyên môn, Hội Sử học, Trung tâm nghiên cứu và thực hành gia phả, hội Khảo cổ học,.. tiếp tục thông tin, nghiên cứu, tìm hiểu về nhân thân và hậu thế của hai ngôi mộ. Có kế hoạch quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng bờ bao bảo vệ ngôi mộ, xây dựng phương án tu bổ kịp thời các ngôi mộ trên để ngăn chặn sự xuống cấp của các kiến trúc,…