Vang bóng làng mộc Kim Bồng
VHO - Không chỉ nổi tiếng với nghề mộc dân dụng, đồ mỹ nghệ, làng mộc Kim Bồng, xã Cẩm Kim, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam còn vang danh với nghề đóng ghe, tàu.
Cùng với sự biến thiên của lịch sử, nghề đóng ghe bầu của làng cũng nhiều thăng trầm, lúc thịnh lúc suy cùng với lịch sử đô thị thương cảng Hội An.
Thợ đóng tàu ở Kim Bồng đang thực hiện các đơn hàng tàu đánh bắt, tàu du lịch
Theo dòng lịch sử
Làng mộc Kim Bồng nằm phía bên kia sông Hoài, cách phố cổ Hội An một con sông dài, tương truyền vị thủy tổ nghề là người gốc Thanh Hóa đã di cư lập nghiệp đến vùng đất Quảng vào thế kỷ thứ XVI. Từ thế kỷ XVII-XVIII, Hội An với nhiều yếu tố thuận lợi đã nhanh chóng phát triển thịnh vượng trở thành đô thị thương cảng quan trọng tại Đàng Trong. Làng nghề thủ công truyền thống mộc Kim Bồng cũng phát triển mạnh với nhóm nghề mộc xây dựng các công trình kiến trúc nhà cửa, đô thị; mộc dân dụng với các đồ sinh hoạt mang tính mỹ nghệ cao và nghề đóng tàu thuyền. Đặc biệt, trong không gian của “văn hóa ghe bầu” xứ Quảng có sự đóng góp rất lớn của thợ mộc Kim Bồng.
Thương cảng Hội An xưa tập trung rất nhiều thuyền buồm đến từ khắp các vùng miền trong và ngoài nước. Thợ Kim Bồng nổi danh với tay nghề tài hoa, phương thức chạm trổ truyền thống, sắc nét, tinh tế, thể hiện trên từng hoa văn của mỗi sản phẩm. Nghề đóng ghe bầu ở Kim Bồng cũng có cơ hội tiếp biến được nhiều giá trị độc đáo của châu Âu, Trung Quốc và Chămpa để chế tác nên những chiếc ghe bầu đặc trưng xứ Quảng với “cột buồm xúm xít, chi chít dây thừng”.
Theo dòng thời gian, biến thiên lịch sử, nghề đóng ghe bầu mai một dần, thợ làng mộc Kim Bồng lại tìm tòi, phát triển nghề đóng tàu cá cho ngư dân, tàu phục vụ du lịch. Những năm 70-80 của thế kỷ trước, những chủ tàu ở các tỉnh miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Định đã tìm đến làng nghề đóng tàu Kim Bồng để đặt đóng tàu đánh cá lớn, vươn khơi xa. Những chiếc tàu, thuyền sản xuất ở làng Kim Bồng vang danh với độ bền, chắc, chịu lực sóng gió tốt, tuổi thọ hơn 20 năm.
Anh Đỗ Vũ làm thợ ở cơ sở đóng tàu thuyền của ông Võ Xuân Thưởng (thôn Trung Hà) đã gần 10 năm cho biết, tại thôn Trung Hà có 4 cơ sở hoạt động thường xuyên. Ở cơ sở của anh, người trẻ nhất cũng đã có 5-6 năm theo nghề. Ngoài đóng tàu cá, hiện các cơ sở còn đóng tàu du lịch. Mỗi chiếc tàu thường mất thời gian 3 tháng để hoàn thành. Lúc cao điểm, nhiều đơn hàng, mỗi cơ sở cũng tập trung 15-20 lao động mới kịp hoàn thành, bàn giao tàu cho ngư dân.
Giai đoạn hưng thịnh nhất của nghề đóng tàu Kim Bồng vào khoảng những năm đầu thế kỷ XXI. Ông Đỗ Công Kiên (48 tuổi) đã làm việc ở cơ sở đóng tàu thuyền Đỗ Văn Thành (thôn Vĩnh Duy) tròn 20 năm. Trung bình, mỗi năm cơ sở đóng mới, sửa chữa từ 11- 15 tàu, đủ kích thước, công dụng như tàu đánh cửa sâu, gần bờ, đủ nghề như giã cao tốc, lưới vây, câu mực,…
Ông Kiên cho biết, chất lượng của gỗ là yếu tố then chốt để quyết định chất lượng chiếc tàu. Ở làng mộc Kim Bồng, các công xưởng chọn gỗ loại 1 gỗ sao, chò, kiền kiền,… có độ thấm nước thấp, nhẹ, chịu tác động từ sóng gió tốt. Gỗ phải để nguyên tảng lớn, ngâm dưới nước 1-2 tháng để gỗ quen chịu nước. Sau đó ép những thanh gỗ to, dài qua lửa ở nhiệt độ cao để tạo nên độ cong của thân tàu, ghép lại bằng khoan vít để hình thành nên phần khung sườn của con tàu. Tiếp đó là các công đoạn chế tác khoang máy, hầm để nguyên liệu, chứa cá tôm… Mỗi đội thợ đều có những người thợ cả dày dạn kinh nghiệm quản lý, quán xuyến trông coi từng công đoạn chế tác nghiêm ngặt để đảm bảo quy trình đúng.
“Một chiếc tàu chất lượng phụ thuộc rất nhiều vào gỗ, còn các công đoạn làm dân gian chủ yếu dựa vào kinh nghiệm. Căn cứ theo đủ các quy định thì khó mà đo đạc cho chính xác nổi. Làm nghề đóng tàu phải tỉ mỉ, kiên trì, thật thà, có vậy mới đủ nhẫn nại cân đếm, ước lượng sao cho mỗi khi cầm đến cái cưa, cây bào đục đẽo phải chính xác, để mỗi tấm ván ráp vào nhau vừa khít theo yêu cầu. Thợ Kim Bồng đâu có học hành bằng cấp chuyên nghiệp, chỉ tiếp thu kinh nghiệm của người xưa, tự mình nghiên cứu tri thức nghề sông nước dân gian rồi đóng tàu cho phù hợp, từ từ tích lũy kinh nghiệm mà thôi”, ông Kiên tâm sự.
Phụ nữ làng Kim Bồng phụ việc sơn sửa các tàu
Quá trình dạy và học nghề đóng thuyền không hề đơn giản. Nghề dạy nghề là quan điểm của những người thợ tại đây. Tùy theo loại tàu mà thời gian thực hiện gia giảm ít nhiều. Thường đóng tàu nhỏ thì khoảng 1 tháng. Công phu nhất là đóng các tàu đánh bắt xa bờ, tàu lớn công suất hàng trăm CV phải mất từ 2-3 tháng. Đặc biệt phải tuân theo những quy ước truyền thống trong các khâu đóng tàu.
Những năm gần đây, do các quy định đóng tàu đạt chuẩn khá nghiêm ngặt nên nhiều cơ sở cũng giảm dần các đơn hàng đóng tàu đánh bắt lớn. Bên cạnh đó, do giá nguyên vật liệu đi biển tăng nhiều ngư dân bỏ nghề biển,… nên nghề đóng tàu thuyền ở Kim Bồng cũng lao đao, chật vật hơn. Nhiều cơ sở giờ chỉ còn nhận đơn đặt hàng đóng các loại ghe nhỏ để bơi ven sông, sửa chữa, nâng cấp cho các tàu thuyền lớn sau thời gian hoạt động nhiều.
Ghi nhận những nỗ lực của thợ Kim Bồng tham gia vào quá trình trùng tu kiến trúc gỗ, năm 2000, Văn phòng UNESCO châu Á - Thái Bình Dương trao tặng giải thưởng “Dự án kiệt xuất về hợp tác bảo tồn khu phố cổ”. Năm 2001, tổ chức này tiếp tục trao giải thưởng “Thành tựu đặc biệt” cho kết quả bảo tồn làng mộc Kim Bồng. |
Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn nghề
Ở làng mộc Kim Bồng, những cơ sở đóng tàu thuyền đều giữ nghề truyền thống 4-5 thế hệ. Ông Đỗ Sách, làm nghề ở cơ sở Đỗ Ba (thôn Trung Hà) kể, đây là đời thứ 9 của gia đình này theo nghề đóng tàu. Thời cao điểm, mỗi ngày tiền công cũng 400-500 nghìn. Phụ nữ ngoài giờ làm nông có thể kiếm thêm thu nhập với nghề sơn tàu.
Cơ sở mộc mỹ nghệ của nghệ nhân nổi tiếng Huỳnh Ri đã có truyền thống 12 đời theo nghề mộc và đóng thuyền. Hiện đang được Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Sướng, con trai nghệ nhân Huỳnh Ri điều hành, lưu giữ nghề. Đây là cơ sở theo nghề đóng tàu và làm mộc mỹ nghệ có nhiều hợp đồng lớn, có thể xuất khẩu. Nhiều cơ sở nhỏ nhận làm khoán cho xưởng để duy trì, giữ nghề truyền thống của làng.
Theo ông Sướng, những năm gần đây, người dân và chính quyền địa phương đã rất nỗ lực để bảo tồn, phát huy nghề thủ công truyền thống. Thành phố Hội An vừa chính thức gia nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO ở lĩnh vực thủ công và nghệ thuật dân gian đã mở ra nhiều cơ hội hơn cho các nghệ nhân. Mỗi nghệ nhân, thợ thủ công của làng mộc Kim Bồng luôn nỗ lực xây dựng, định vị những dấu ấn riêng của làng mình, từ nghề mộc đóng ghe thuyền, xây dựng, gia dụng và mộc mỹ nghệ, trong từng sản phẩm thủ công như mô phỏng chiếc ghe bầu, một căn nhà cổ, sản phẩm lưu niệm... để khách tới với làng mộc có thể cảm nhận được câu chuyện lịch sử của làng nghề.
Ông Nguyễn Văn Lanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An cho biết, trong 4 năm tới, thực hiện các sáng kiến, chương trình của thành phố Hội An khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, ở cấp độ địa phương, thành phố sẽ triển khai dự án mộc Kim Bồng - Khơi nguồn sáng tạo. Đây sẽ là cơ hội để làng nghề này phát triển, thực hiện đề án “Xây dựng làng quê, làng nghề sinh thái Cẩm Kim, dự án “Phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng”. Đặc biệt xây dựng các tiêu chí định hướng để xây dựng Cẩm Kim trở thành “Ngôi làng hạnh phúc”.
Tỉnh Quảng Nam đề xuất xây dựng thí điểm mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn giá trị văn hóa bản địa và hệ sinh thái tự nhiên tại làng mộc Kim Bồng và vùng phụ cận, thời gian thực hiện từ năm 2023- 2025. Dự kiến khi đi vào triển khai, sẽ tạo thu nhập cho khoảng 100 hộ dân tại khu vực; mỗi năm thu hút khoảng 30.000 lượt khách, thu nhập từ du lịch ước đạt 2 tỉ đồng. |
KHÁNH CHI