Vai trò của già làng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS

VHO - Toàn tỉnh Khánh Hòa có 35 đồng bào DTTS đang sinh sống với trên 72.000 người với khoảng trên 107 già làng, người có uy tín, nhiều nhất là dân tộc Raglai. Những năm qua, già làng, người có uy tín có vai trò rất quan trọng trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo tồn phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS.

Vai trò của già làng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS - Anh 1

Nhiều người dân, du khách tìm hiểu về nhạc cụ đồng bào các DTTS

Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, hiện nay, có trên 107 già làng, người có uy tín tập trung chủ yếu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) của hai huyện miền núi Khánh Vĩnh và Khánh Sơn. Những năm qua, các già làng, người có uy tín luôn phát huy vai trò là hạt nhân trong việc tuyên truyền, vận động người dân chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo tồn phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS.

Là một già làng người đồng bào Raglai đã hơn 80 tuổi sống ở huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), ông Mấu Hồng Thái là một trong những nghệ nhân hiếm hoi còn chế tác và sử dụng đàn Chapi, như một cách níu giữ nét văn hóa độc đáo riêng có của dân tộc mình. Trao đổi với chúng tôi tại Ngày hội triển lãm nhạc cụ dân tộc Nam Trung Bộ - Tây Nguyên được tổ chức tại Khánh Hòa mới đây, nghệ nhân Mấu Hồng Thái kể: Tôi mang trong mình tình yêu nguồn cội và niềm tự hào lớn về văn hoá truyền thống dân tộc. Xưa kia đàn Chapi là món ăn tinh thần không thể thiếu của đồng bào Raglai. Hầu như nhà nào cũng có đàn Chapi, chơi đàn Chapi. Nhớ những đêm trăng thanh vắng, tiếng đàn cứ vang lên thánh thót khắp núi rừng. Con trai con gái túm năm tụm ba hay từng đôi, ngồi trên thềm nhà, trong vườn, thậm chí ngay ngoài đường chơi đàn và thưởng thức tiếng đàn.

Nghệ nhân Mấu Hổng Thái bồi hồi xúc động: “Bao thế hệ người đồng bào Raglai xưa kia ai cũng mê Chapi, rồi học làm đàn, học đánh đàn từ tuổi niên thiếu. Chapi là nhịp cầu, là gạch nối giữa quá khứ và hiện tại, lưu giữ nếp sống văn hóa xưa của đồng bào và phát huy giá trị văn hóa xưa đến nay. Nhưng bây giờ tiếng Chapi ở nhiều buôn làng cứ thưa dần. Cách đây mấy năm, huyện Khánh Sơn cũng còn một vài người biết chế tác nhưng chỉ chơi được vài điệu ngắn, vòng xoay cơm áo gạo tiền cứ cuốn đi nên chắc giờ người ta cũng đã quên hết rồi. Bọn trẻ hiện chỉ thích nhạc xập xình thôi”. Để lưu giữ đàn Chapi nghệ nhân Mấu Hồng Thái đã mở lớp dạy chế tác đàn miễn phí tại nhà cho con cháu trong làng. Lớp học không đông có lúc chỉ có 3-5 người học nhưng nghệ nhân Mấu Hồng Thái vẫn miệt mài chỉ dạy. “Có người học là còn có thế hệ sau nối tiếp giữ đàn Chapi. Và như vậy là hi vọng đàn Chapi sẽ còn lưu truyền mãi mãi”, nghệ nhân Mấu Hồng Thái nói.

Vai trò của già làng trong việc gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa đồng bào DTTS - Anh 2

Nghệ nhân Mấu Hồng Thái nói về chế tác đàn Chapi của đồng bào Raglai

Cũng như nhiều già làng khác, ông Cao Ri Nâng ở xã Khánh Thành là một trong những già làng tiêu biểu luôn được người dân tin yêu nể trọng và chính quyền tin tưởng, bởi tuy tuổi cao sức yếu nhưng ông vẫn hàng ngày lên rẫy lao động, vừa làm vừa truyền đạt kinh nghiệm cho con cháu, ông cũng hướng dẫn, chỉ bảo bà con ở địa phương trồng trọt, chăn nuôi, tạo dựng lối sống đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ lẫn nhau, cùng xây dựng gia đình no ấm, buôn làng văn minh. Già làng Cao Ri Nâng luôn dạy con cháu phải biết gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của đồng bào mình, ông nói: Văn hóa là nguồn cội, là mạch chảy từ quá khứ và hiện tại, nếu như không lưu giữ văn hóa thì không ai còn nhớ được cội nguồn của dân tộc mình từ đâu.

Ông Võ Nam Thắng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho biết, không chỉ có già làng Mấu Hồng Thái, Cao Ri Năng, hiện nay, trong cộng đồng các đồng bào DTTS ở tỉnh Khánh Hòa có hơn 100 già làng vẫn âm thầm đóng góp cho địa phương, lưu giữ bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc.

Đội ngũ già làng, người có uy tín trong đồng bào DTTS của tỉnh là những nhân tố tích cực, gương mẫu chấp hành các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương. Người có uy tín có nhiều kinh nghiệm trong cuộc sống và sản xuất, có ý thức trong gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc, được cộng đồng trong thôn tín nhiệm, bình chọn.

Để kịp thời động viên, khích lệ già làng, người có uy trong vùng đồng bào DTTS, UBND tỉnh đã giao Ban Dân tộc phối hợp chặt chẽ với các sở ngành, địa phương thường xuyên chăm lo đời sống tinh thần lẫn vật chất cho người có uy tín trong đồng bào DTTS. Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã tổ chức hai chuyến tham quan (một chuyến nội tỉnh, một chuyến ngoại tỉnh) để 92 Người có uy tín được đi giao lưu học tập. Trước đó, trong 10 năm (2011-2021), toàn tỉnh đã tổ chức 20 chuyến tham quan (7 chuyến do cấp tỉnh tổ chức và 13 chuyến do cấp huyện tổ chức) cho 440 lượt Người có uy tín đi tham quan, giao lưu, học tập kinh nghiệm tại các tỉnh bạn. Hàng năm, tỉnh và các huyện đều tổ chức thăm hỏi tặng quà nhân dịp Tết Nguyên đán; tổ chức đón tiếp Đoàn Người có uy tín của các tỉnh bạn đến thăm, giao lưu với tỉnh Khánh Hoà… Trong 10 năm qua, tỉnh đã tổ chức thăm, tặng quà cho 1.103 lượt người có uy tín nhân dịp Tết Nguyên đán hằng năm; thăm hỏi, tặng quà cho 14 lượt người có uy tín nhân dịp Tết của đồng bào DTTS; thăm hỏi, động viên 62 lượt người có uy tín bị ốm đau; 23 gia đình người có uy tín gặp khó khăn, hoạn nạn; thăm viếng tám trường hợp Người có uy tín và thân nhân người có uy tín qua đời…

Theo Trưởng ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa Võ Nam Thắng, thời gian tới, tỉnh sẽ có những giải pháp để sớm tháo gỡ một số hạn chế lâu nay để tiếp tục phát huy vai trò “đầu tàu” của người có uy tín trong đồng bào DTTS. Một trong những hạn chế nội tại, là phần lớn người có uy tín tuổi đã cao (trong 88 người có uy tín của tỉnh hiện có 57 người trên 60 tuổi; lớn nhất là 83 tuổi, trẻ nhất là 37 tuổi). Điều này khiến cách tiếp cận thông tin của người uy tín còn chậm, việc am hiểu pháp luật còn hạn chế, ảnh hưởng đến kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao và việc tham gia các hoạt động chung của người có uy tín trên địa bàn tỉnh.

“Hơn nữa, người có uy tín thường xuyên tham gia các hoạt động tuyên truyền, hoà giải, địa bàn chủ yếu ở vùng núi, địa hình khó khăn nhưng không được hỗ trợ chi phí hoạt động. Đây là một khó khăn đối với người có uy tín trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao. Vì vậy, rất cần có sự điều chỉnh, bổ sung về chính sách để tiếp tục phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS”, ông Thắng mong muốn.

XUÂN HƯỚNG

Ý kiến bạn đọc