Ứng dụng chuyển đổi số trong việc bảo tồn di tích lịch sử, văn hoá
VHO - Những năm qua, quận Đống Đa (Hà Nội) tích cực áp dụng chuyển đổi số trong việc giới thiệu các di tích lịch sử, nét đẹp văn hóa tới người dân địa phương cũng như khách du lịch.
Nằm ở phía Tây Nam Hà Nội, quận Đống Đa có vị trí quan trọng trong việc kết nối với các quận, huyện khác trong thành phố. Những năm qua, khu vực này không chỉ phát triển mạnh mẽ về kinh tế, xã hội mà còn giữ được những nét đẹp cổ xưa, mang đậm bản sắc văn hóa Việt.
Đống Đa xưa là một vùng đất cổ của Kinh thành Thăng Long. Tên gọi Đống Đa gắn liền với chiến thắng Ngọc Hồi – Đống Đa năm 1789 của vua Quang Trung - Nguyễn Huệ, đập tan 29 vạn quân Thanh xâm lược. Cùng với hành trình lịch sử hàng ngàn năm, trên địa bàn quận có nhiều di tích lịch sử, danh thắng, hệ thống đình, chùa, miếu mạo, tiêu biểu cho kiến trúc, văn hóa từng thời kỳ.
Theo thống kê của Phòng VH&TT quận, trên địa bàn hiện có 76 di tích lịch sử - văn hoá, 17 lễ hội truyền thống. Trong đó, có 3 di tích cấp Quốc gia đặc biệt gồm: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, gò Đống Đa, Thăng Long tứ trấn - đền Kim Liên; nhiều di tích nổi danh, trở thành điểm dừng chân với khách du lịch khi tới Hà Nội như chùa Láng, chùa Phúc Khánh, lăng Phùng Hưng…
Những năm qua, công tác quản lý, bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích luôn được các cấp, ngành và nhân dân quận Đống Đa quan tâm triển khai thực hiện. Lãnh đạo quận xác định rõ tầm quan trọng của các di tích trên địa bàn, chủ trương biến những địa chỉ này thành điểm du lịch, thăm quan, giáo dục giới trẻ về văn hóa dân tộc.
Bên cạnh việc tu bổ tổng thể, sửa chữa chống xuống cấp di tích bằng nguồn kinh phí của quận và huy động xã hội hóa, thời gian qua, chính quyền quận Đống Đa thúc đẩy các hoạt động chuyển đổi số trong việc quảng bá du lịch, văn hóa.
Cụ thể, kế hoạch số 263/KH-UBND của UBND quận Đống Đa ban hành ngày 30.5.2024 nhấn mạnh vai trò của công tác thông tin, tuyên truyền. Trong đó, quận Đống Đa xây dựng trang thông tin điện tử Website “Godongda” cung cấp các thông tin giới thiệu về Di tích quốc gia đặc biệt Gò Đống Đa theo hướng phát triển du lịch bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và Tiếng Anh, có liên kết với trang thông tin điện tử Đống Đa 360 độ, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu- Quốc Tử Giám.
Các hiện vật tại Nhà trưng bày Quang Trung cũng được số hóa thông tin Mã QR code được kết nối website, gắn liền cùng hệ thống biển chỉ dẫn để du khách truy cập vào website “Godongda”.
Quận chủ trương huy động sự tham gia rộng khắp của các trường trên địa bàn đến với di tích, thiết kế các chương trình giáo dục truyền thống theo hướng đa dạng hóa hoạt động trải nghiệm tại di tích thông qua ứng dụng công nghệ số, các trò chơi trí tuệ và một số hoạt động trò chơi vận động thể chất gắn với các sự kiện lịch sử của nghĩa quân Tây Sơn, Hoàng đế Quang Trung – Nguyễn Huệ và Gò Đống Đa nhằm tăng cường tính tương tác, tạo trải nghiệm gần gũi cho giới trẻ.
Vào tháng 2.2024, công trình Bản đồ số địa chỉ đỏ tại điểm di tích "Nhà lưu niệm Bác Hồ" - nơi Bác đã từng tới thăm và làm việc với cán bộ và nhân dân phường Kim Liên cũng chính thức được khánh thành.
Đây là những tư liệu quý góp phần tăng cường giáo dục truyền thống văn hóa, lịch sử; tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho từng đoàn viên, thanh niên, nhân dân Thủ đô; phát huy lòng tự hào về truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc, ghi nhớ công lao và tinh thần chiến đấu, hi sinh anh dũng vì độc lập và tự do của dân tộc, của thế hệ cha anh đi trước; khơi dậy lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, nâng cao ý thức trách nhiệm của đoàn viên, thanh niên trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Thủ đô, đất nước.
Trước đó, vào tháng 7.2020, quận đã tiến hành xây dựng trang thông tin điện tử “Đống Đa 360 độ”, bằng phần mềm ứng dụng có khả năng tương tác cao với người sử dụng. Trang thông tin điện tử và ứng dụng tương tác là hệ thống lưu trữ dữ liệu các di tích lịch sử, văn hóa và điểm đến về du lịch được số hóa, nhằm cung cấp cho người dùng phương tiện để tìm kiếm, tra cứu các điểm du lịch, dịch vụ, thương mại và các thông tin hỗ trợ trên địa bàn quận.
Những nỗ lực của quận Đống Đa trong công tác bảo tồn, tôn tạo di tích, ứng dụng chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, du lịch trên địa bàn đang bước đầu đạt được những kết quả tích cực. Không chỉ thu hút đông đảo khách du lịch, người dân địa phương, các hoạt động này góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam, giáo dục lớp trẻ về lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc.
Quận Đống Đa xác định mục tiêu cơ bản đầu tư hoàn chỉnh hệ thống các thiết chế văn hóa, hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy hoạch để hỗ trợ ngành công nghiệp văn hóa phát triển… vào năm 2025.
Tới năm 2030, quận phát triển đa dạng, đồng bộ các ngành công nghiệp văn hóa một cách bền vững, được ứng dụng công nghệ tiên tiến; các sản phẩm, dịch vụ, văn hóa có thương hiệu uy tín.
Đến năm 2045, phấn đấu để ngành công nghiệp văn hóa phát triển toàn diện, hình thành một số công trình văn hóa mang biểu tượng quận Đống Đa.