Đà Nẵng:
Tuyên dương 56 thôn, tổ dân phố trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa
VHO - Ngày 17.10, UBND TP. Đà Nẵng tổ chức Hội nghị tuyên dương, khen thưởng 56 thôn, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu TP. Đà Nẵng.
11 thôn và 45 tổ dân phố được tuyên dương, khen thường và nhận bằng khen của Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng vì đã có thành tích xuất sắc trong phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn 2019 - 2023. Đây là sự ghi nhận những đóng góp, nỗ lực, sáng tạo và cố gắng của các tập thể trong phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa.
Tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Nguyễn Thị Anh Thi đã ghi nhận những đóng góp của các thôn, tổ dân phố trong các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, đặc biệt là 56 thôn, tổ dân phố được tuyên dương, khen thưởng.
“Qua việc thực hiện các tiêu chí xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa, việc chấp hành pháp luật của Nhân dân được nâng lên, tệ nạn xã hội được đẩy lùi, góp phần giữ gìn an ninh trật tự.
Các giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn và những nét đẹp trong cộng đồng dân cư được lan tỏa.
Nhiều hạng mục thiết chế văn hóa, thể thao của thôn, tổ dân phố đã được chính quyền địa phương, người dân đồng thuận hỗ trợ xây dựng, diện mạo khu dân cư được chỉnh trang, tạo điều kiện cho các hoạt động văn hóa, thể thao, sinh hoạt cộng đồng được phát triển.
Từ đó, đời sống văn hóa, tinh thần của Nhân dân từng bước được cải thiện, nâng cao, các giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn và phát huy”.
Trong những năm qua, thành phố Đà Nẵng đã chỉ đạo xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản quản lý nhà nước về văn hóa, trong đó tập trung bám sát nội dung Nghị quyết số 33/NQ-TW ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” gắn với chủ trương, chính sách phát triển văn hóa - xã hội của thành phố bằng những chương trình an sinh xã hội nhân văn, thiết thực.
Hàng năm, UBND thành phố ban hành kế hoạch thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDĐKXDĐSVH) trong đó có Phong trào xây dựng danh hiệu “Thôn, Tổ dân phố văn hóa”, gắn với phong trào với thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.
Tại các địa phương, phong trào được phát động bằng nhiều hình thức phong phú, như: Hội diễn nghệ thuật quần chúng, hội thi Gia đình văn hóa, liên hoan thôn, tổ dân phố văn hóa tiêu biểu xuất sắc, sáng tác dân ca hò vè, tiểu phẩm sân khấu…
Công tác tuyên tuyền, khen thưởng động viên người dân, cán bộ, đảng viên là hạt nhân xây dựng đời sống văn hóa được đẩy mạnh. Các thôn, tổ luôn nêu cao tinh thần phát huy trong việc cải tạo cảnh quan địa phương, thành lập và phát triển quỹ khuyến học và tôn tạo các di tích lịch sử…
Người dân phối hợp cùng chính quyền đầu tư cải tạo, xây dựng mới nhiều hạng mục: cổng chào, nhà văn hóa, sân thể thao, đường liên thôn, trang trí cảnh quan, cây xanh, hạ tầng môi trường... Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao dần được hoàn thiện đáp ứng nhu cầu cho người dân vui chơi giải trí.
Tiêu biểu như công trình “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Đoạn đường tự quản”, “Đoạn đường an toàn - văn minh - sạch đẹp. Trên 90% tổ dân phố, thôn đảm bảo đường làng, ngõ phố sạch đẹp; 100% kiệt hẻm trên địa bàn thành phố đã được bêtông hóa.
Các mô hình điểm: “Tổ dân phố không rác”, “Tuyến đường văn minh đô thị”, “Chợ văn minh thương mại” được duy trì, đẩy mạnh. Tính đến hết năm 2023, tỷ lệ thôn, tổ dân phố văn hóa bằng 84,9% tổng số thôn, TDP hiện có trên địa bàn thành phố, tăng 79,7% so với năm 2000.
Trên cơ sở đó cũng tồn tại một số hạn chế và nguyên nhân, như quá trình đô thị hóa làm nảy sinh nhiều vấn đề về an ninh trật tự, đặc biệt là sự gia tăng các vi phạm trật tự đô thị.
Hạn chế trong xây dựng đời sống văn hóa, văn hóa ứng xử - giao tiếp nơi công cộng… chưa theo kịp sự phát triển của đô thị. Công tác tuyên truyền thiếu sáng tạo, chưa tiếp cận sâu rộng tới người dân.
Việc lấn chiếm lòng đường, hè phố, đặt biển quảng cáo sai quy định, thu gom rác thải, xử lý rác thải còn nhiều bất cập.
Trước những hạn chế đang tồn tại, ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở VHTT TP Đà Nẵng cho rằng: “Để duy trì và phát triển phong trào toàn xây dựng đời sống văn hóa, thời gian tới cần có các phương thức mới, cách làm mới làm sao để phù hợp trong điều kiện hiện nay nhằm tăng tính hiệu quả.
Tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa của việc xây dựng đời sống văn hóa tới toàn khu dân cư, cộng đồng, cơ sở. bên cạnh đó quy hoạch, triển khai xây dựng cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa nhằm nâng cao hơn nữa đời sống tinh thần cho người dân”.
Nhằm giữ vững kết quả xây dựng, thôn, tổ dân phố văn hóa đã đạt được, đồng thời nâng cao chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa, Phó chủ tịch Nguyễn thị Anh Thi đề nghị các sở ngành, địa phương, cơ sở và các địa bàn dân cư tập trung triển khai 9 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.
Đầu tiên là tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban chỉ đạo Phong trào các cấp về xây dựng đời sống văn hóa.
Qua đó tập trung “xây dựng đời sống văn hóa phong phú, hình thành các giá trị, bản sắc riêng, phù hợp với truyền thống, văn hóa người Đà Nẵng”; đầu tư kinh phí, nguồn lực cho phong trào xây dựng thôn, tổ dân phố văn hóa kết hợp xã hội hóa.
Thực hiện đồng bộ và hiệu quả 4 nhiệm vụ trọng tâm của tổ dân phố, thôn theo Chỉ thị số 40 CT/TU ngày 29.1.2024 của Thành ủy vừa ban hành về tiếp tục lãnh đạo nâng cao chất lượng hoạt động của tổ dân phố, thôn trên địa bàn thành phố, góp phần thực hiện tốt các chương trình thành phố “5 không”, “3 có”, “4 an”.
Bước sang năm 2025, trên cơ sở Luật thi đua khen thưởng và Nghị định khung của Chính phủ về các danh hiệu văn hóa, thành phố Đà Nẵng sẽ ban hành và áp dụng bộ tiêu chuẩn mới cho các danh hiệu Gia đình văn hóa, Thôn/Tổ dân phố văn hóa và Xã/phường tiêu biểu.