Tương tác, trải nghiệm ở bảo tàng... thời 4.0

VHO- Khách tham quan có thể xem, nghe, tương tác để khám phá lịch sử hoặc trải nghiệm các câu chuyện lịch sử được đặt trong bối cảnh cụ thể, sử dụng giọng nói của chính người trong cuộc, gợi mở tiếp cận đa dạng các góc nhìn lịch sử và tự trải nghiệm..., đó là một trong những phương pháp mới đang dần được các bảo tàng thực hiện và thay đổi cách làm truyền thống để hấp dẫn người xem hơn.

Tương tác, trải nghiệm ở bảo tàng... thời 4.0 - Anh 1

  Các em thiếu nhi tham gia vẽ tranh Bác Tôn tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng

 Câu hỏi làm thế nào để trưng bày trong bảo tàng không còn nhàm chán, hấp dẫn người xem, cạnh tranh được với các loại hình giải trí khác hiện nay là điều mà mỗi bảo tàng đều muốn tìm ra lời giải. Xu hướng phát triển phát triển khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin đã khiến cho nhu cầu hưởng thụ văn hóa của công chúng càng ngày càng cao ở mọi lĩnh vực. Trưng bày bảo tàng cũng không nằm ngoại lệ, khi cách trưng bày truyền thống với hiện vật và chú thích sơ sài không còn thu hút được người xem...

Theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy, Phó GĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa cho rằng: Bảo tàng, di tích là những thiết chế văn hóa có môi trường trải nghiệm đặc biệt do con người tạo ra. Môi trường trải nghiệm này là sự đúc rút cô đọng, tinh tế, tinh hoa về lịch sử, cuộc sống và thiên nhiên. Trải nghiệm vô cùng đa dạng với nhiều phương diện, nội dung khác nhau về thời gian, lịch sử, xã hội, chủng tộc, dân tộc, quốc gia... Tuy nhiên, trải nghiệm đó có làm công chúng thích thú hay không phải do nội dung, chất lượng mỗi cuộc trưng bày. Phải có thông điệp rõ ràng. Công chúng được trải nghiệm tất cả các giác quan: vị giác, xúc giác, thính giác... Ngoài trải nghiệm trưng bày thì các hoạt động giao lưu, biểu diễn, tương tác... cũng thu hút được thế hệ trẻ.

Điều này ở các bảo tàng nước ngoài khá phổ biến, việc tương tác trên các thiết bị công nghệ, trò chơi... tạo sự mới mẻ đối với người xem. Trong khi ở Việt Nam hiện nay, việc này mới chỉ bắt đầu chú ý đến phát triển các hoạt động tương tác nhưng còn lẻ tẻ... Lấy ví dụ tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng TP.HCM, vài năm trở lại đây, hình thức tương tác được chú trọng nhiều hơn qua các hoạt động như: Tổ chức hội thi vẽ tranh Bác Tôn cho thiếu nhi tạo sự gần gũi, thân thương đối với Bác Tôn. Trong thời gian tới đây, khách tham quan sẽ được tương tác với các hiện vật, tư liệu thông qua các ứng dụng công nghệ như 3D, công nghệ thực tế ảo. ThS Ngô Thị Hồng Quế, Trưởng phòng Trưng bày- Tuyên truyền Bảo tàng Tôn Đức Thắng cho biết: “Tất cả các bảo tàng đều phải dựa trên các bộ sưu tập hiện vật gốc có giá trị tiêu biểu về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học, thường xuyên bổ sung hiện vật tư liệu mới cho bảo tàng bằng nhiều hình thức khác nhau. Thời gian tới, bảo tàng có các hình thức tương tác trải nghiệm như: hướng nghiệp, dạy nghề với bộ sưu tập đồ nghề làm mộc và sửa xe gắn bó với Bác Tôn, từ đó có những trải nghiệm riêng cho các em học sinh các cấp hay trải nghiệm bằng thiết bị công nghệ, điện tử...”.

TS Hoàng Anh Tuấn, GĐ Bảo tàng Lịch sử TP.HCM cho rằng: Bảo tàng truyền thống ở trong hơn một thế kỷ, đã đóng góp trong việc sáng tạo ra sự kết nối giữa các đối tượng khác theo thời gian và không gian. Bảo tàng đã đi qua những chặng đường để đưa những giá trị văn hóa của nhân loại đến với công chúng... Tuy nhiên, các hoạt động mang tính truyền thống của bảo tàng giờ đây không còn tạo cho du khách những hấp dẫn như ban đầu. Những không gian trải nghiệm tương tác truyền thống đã ít được quan tâm, hoặc thiếu vắng khán giả do thiếu sự cộng tác hoặc tương tác một cách sáng tạo. Ông Hoàng Anh Tuấn chỉ ra hiệu quả của việc tương tác giữa công chúng và bảo tàng thông minh, tương tác công nghệ kỹ thuật số, cho phép thu thập, lưu trữ và phân tích các hành vi của con người, các bảo tàng có thể tạo ra những trải nghiệm và cách tiếp cận không gian, hiện vật của bảo tàng với khách tham quan hoàn toàn khác với truyền thống.

Bà Bùi Thị Thanh Thủy, Phòng Nghiên cứu- Sưu tầm trưng bày Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cho biết: Sau 8 năm thay đổi, khu vực trưng bày tương tác của bảo tàng được duy trì thường xuyên phục vụ nhu cầu của du khách với những thay đổi nội dung liên tục, hiện vật được bổ sung thường xuyên như: Triển lãm “Đồ chơi và trò dân gian của trẻ em Việt Nam và quốc tế” với các trải nghiệm thực tế; Triển lãm “Trang sức phụ nữ và các dân tộc Việt Nam từ truyền thống đến hiện đại” với phần trình diễn thời trang của chính các em học sinh...

Tương tác, trải nghiệm ở bảo tàng rõ ràng là một xu thế của thời đại 4.0, điều quan trọng các bảo tàng phải tìm cho mình một hướng đi đúng, với những cách làm, nội dung hiện vật phong phú, hấp dẫn để kéo người xem đến và trải nghiệm...

 Ngày 20.11, Bảo tàng Tôn Đức Thắng TP.HCM phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa Việt Nam - Hội Di sản văn hóa Việt Nam tổ chức hội thảo “Tương tác, trải nghiệm từ trưng bày bảo tàng” với sự tham gia của chuyên gia lĩnh vực bảo tàng, cán bộ quản lý bảo tàng, di tích... trong cả nước.

 

 H.TRẦN

Ý kiến bạn đọc