Nhà sử học Dương Trung Quốc:
Từ cuộc hội thảo đến ngôi đền tương xứng tầm Lý Nam Đế
VHO - Tháng 10.2012, 15 thế kỷ sau khi Lý Nam Đế lên ngôi, một hội thảo được tổ chức để xác định quê hương của vị anh hùng dân tộc. 12 năm sau cuộc hội thảo, ngày 2.11 vừa qua, UBND TP. Phổ Yên tổ chức lễ khánh thành công trình tu bổ và tôn tạo Di tích đền thờ Lý Nam Đế (đền Mục), nằm trong quần thể Di tích lịch sử Lý Nam Đế gồm đền Mục, chùa Hương Ấp và chùa Mãn Tăng tại phường Tiên Phong.
Đền Mục được dựng để tưởng nhớ Lý Nam Đế, 1 trong 14 anh hùng tiêu biểu của dân tộc Việt Nam. Mỗi năm, người dân tổ chức lễ hội chính vào ngày 12 tháng Giêng Âm lịch để tưởng nhớ công đức của Lý Nam Đế.
Năm 2014, đền Mục và chùa Hương Ấp được Bộ VHTTDL xếp hạng là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Tuy nhiên, qua thời gian và những biến động lịch sử, các hạng mục trong khu di tích đã xuống cấp nặng nề, đặc biệt là các cấu kiện gỗ và kết cấu chịu lực.
Để bảo tồn di sản này, từ năm 2016, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo khu di tích Đền thờ Lý Nam Đế, có diện tích quy hoạch 7.500m², với tổng mức đầu tư 76 tỷ đồng, thời gian thực hiện từ năm 2023 đến năm 2025.
Nói chuyện sâu xa về hành trình xác định quê hương Lý Nam Đế, nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết: “Đền Mục tồn tại từ rất lâu nhưng trước đây chỉ là ngôi đền nhỏ trong quy mô của làng xã. Cách đây 12 năm, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam phối hợp với lãnh đạo địa tổ chức Hội thảo (Một số vấn đề về Vương triều Tiền Lý và quê hương của vua Lý Nam Đế - PV) nhằm xác định quê hương vua Lý Nam Đế ở đâu. Lâu nay trong một số thư tịch có nhắc đến Thái Bình nhưng tất cả phân tích về lịch sử, địa lý thì không gian Thái Bình vào thế kỷ thứ VI chưa hình thành. Và khi chúng tôi đi khảo sát, người dân Thái Bình rất kính trọng ngài nhưng cũng nói rằng hình như quê hương ngài không phải đất Thái Bình ngày nay. Trên cơ sở đó cùng một số khảo cứu khác, giới sử học khẳng định Lý Nam Đế quê gốc ở thôn Cổ Pháp, xã Tiên Phong, huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi xác định được quê hương của Ngài, tại đây tìm thấy đền Mục cùng một số di tích lịch sử. Dựa trên nền tảng khoa học như thế, lãnh đạo địa phương nhanh chóng đưa ra quyết định khôi phục lại ngôi đền để tương xứng với công lao của ngài đối với đất nước”.
Dự án tu bổ không chỉ giúp bảo vệ di tích mà còn nâng cao giá trị văn hóa, tâm linh cho khu vực, tạo điểm nhấn trong quần thể du lịch của TP. Phổ Yên và tỉnh Thái Nguyên. Với vị trí cách TP. Phổ Yên 6 km, TP. Thái Nguyên 20 km và Thủ đô Hà Nội khoảng 50 km, cùng hệ thống giao thông kết nối thuận tiện, khu di tích sẽ đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân và du khách.
Ngoài ra, khu vực còn là điểm trung chuyển lý tưởng trên hành trình tham quan từ TP. Phổ Yên đến hồ Đại Lải, Khu du lịch Tam Đảo (Vĩnh Phúc) và Khu du lịch Hồ Núi Cốc (TP. Thái Nguyên), mở ra tiềm năng lớn trong phát triển du lịch và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội trong vùng.
Nhà sử học Dương Trung Quốc nhấn mạnh: “Trong lịch sử dân tộc, ban đầu ngài là thủ lĩnh chống lại sự đô hộ của nhà Lương rồi trở thành nguyên thủ quốc gia, lấy tên nước là Vạn Xuân, đồng thời trở thành người đầu tiên xưng đế. Ngoài ra, ngài cũng là người sớm nhất chọn mảnh đất đóng đô gắn với Thăng Long-Hà Nội sau này, ở vùng cửa sông Tô Lịch (Hà Nội). Với công lao ấy, triều đại của ngài đã biểu dựng được ý chí của người Việt Nam, luôn luôn tìm cơ hội giành lại quyền tự chủ, điều mà các thế hệ sau này tiếp nối thực hiện. Sau 12 năm, từ những kết luận khoa học, đến hôm nay đã có một cơ ngơi khang trang tương xứng với lòng tôn kính của chúng ta đối với tiền nhân. Đây sẽ là nơi khơi lại giá trị lịch sử, qua đó giáo dục xã hội. Mong rằng đây không chỉ là nơi thờ tự thuần túy mà còn tạo nên điểm đến cho thế hệ trẻ, để hiểu hơn về mảnh đất này, về lịch sử dân tộc”.