Từ câu chuyện lễ chào cờ đầu tháng ở Huế

YÊN CHI

VHO - Đầu tháng 9.2020, một sự kiện ở Huế đã gây “chấn động” lớn đối với giới truyền thông và dư luận xã hội: Toàn bộ khối cán bộ công chức của Sở VHTT Thừa Thiên Huế mặc áo dài ngũ thân, áo dài truyền thống Huế tham dự lễ chào cờ tại công sở.

Chuyện có lẽ sẽ không có gì đáng nói nếu chỉ có nữ công chức mặc áo dài, nhưng đây là cả nam và nữ công chức ngành văn hóa Huế cùng mặc đồng phục áo dài, và lễ chào cờ đầu tháng hình như cũng chính họ là người khởi xướng…

  Từ câu chuyện lễ chào cờ đầu tháng ở Huế  - ảnh 1
Lễ chào cờ vào thứ Hai hằng tháng đã được Sở VHTT Thừa Thiên Huế thực hiện gần 4 năm nay

Câu chuyện nam công chức Huế mặc áo dài đi làm đã tốn rất nhiều giấy mực của báo giới, nhưng vượt lên tất cả, ngành VHTT cố đô vẫn duy trì đều đặn quy định này. Gần bốn năm trôi qua, hình ảnh áo dài truyền thống gắn bó với cán bộ ngành VHTT Thừa Thiên Huế đã trở nên rất quen thuộc. Hơn thế, hình ảnh ấy còn trở thành nguồn cảm hứng mạnh mẽ đối với cộng đồng, để từ đó các loại hình áo dài truyền thống và cổ phục Việt có sự phục hưng và lan tỏa rộng rãi.

Ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế, học sinh bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông đã chọn áo dài ngũ thân làm trang phục chính để tham gia các sự kiện, lễ hội truyền thống và các hoạt động ngoại khóa, thậm chí việc phục hồi và lan tỏa trang phục áo dài ngũ thân còn trở thành đề tài nghiên cứu khoa học của một số trường. Mới đây, đề tài “Lan tỏa cổ phục Huế trong đời sống đương đại và đưa cổ phục Huế vào hoạt động giáo dục ở các trường THCS thành phố Huế” của học sinh Trường THCS Tố Hữu còn đoạt giải Nhất giải thưởng khoa học sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2024. Và xa hơn, ngay tại diễn đàn Quốc hội, có đại biểu đã đề nghị Quốc hội cho phép các đại biểu nam mặc áo ngũ thân trong các cuộc họp của Quốc hội thay vì quy định chỉ cho phép mặc bộ complet vốn có nguồn gốc từ phương Tây.

Nhưng thực ra chuyện mặc áo dài chỉ là một biểu hiện hình thức bên ngoài để nhấn mạnh yếu tố bản sắc, còn lễ chào cờ được tổ chức vào thứ Hai đầu mỗi tháng với những mục đích, nội dung rõ ràng mới là điều quan trọng mà ngành VHTT Thừa Thiên Huế hướng đến và khẳng định. Ngay từ buổi đầu, lãnh đạo ngành đã xác định rõ, mục đích của việc tổ chức lễ chào cờ định kỳ là nhằm tuyên truyền giáo dục cho cán bộ đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong toàn ngành tinh thần yêu nước, niềm tự hào, tự tôn dân tộc, về lịch sử hào hùng của đất nước, của Đảng cộng sản Việt Nam gắn với tinh thần trách nhiệm phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam. Việc tổ chức lễ chào cờ là một nội dung quan trọng góp phần thực hiện văn hóa công sở, xây dựng môi trường làm việc văn minh, chuyên nghiệp, hiện đại, từ đó góp phần nâng cao bản lĩnh chính trị, rèn luyện kỹ năng, ý thức tác phong trong công việc. Đồng thời, lễ chào cờ kết hợp với giao ban nhanh đầu tháng chính là dịp để cập nhật, cung cấp thông tin kịp thời về tình hình, nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động từ đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao.

Việc khuyến khích mặc áo dài truyền thống, quốc phục của người Việt Nam khi tham dự lễ chào cờ đối với cán bộ, công chức ngành VHTT là chủ trương của lãnh đạo Sở nhằm nhắc nhở mọi người về truyền thống văn hóa xứ Huế, xứ sở được mệnh danh là quê hương của áo dài ngũ thân, vùng đất của các di sản văn hóa truyền thống. Mặc trang phục áo dài truyền thống tham dự lễ chào cờ, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức sẽ cảm thấy thiêng liêng hơn, tự hào hơn và có trách nhiệm hơn với nhiệm vụ, chức trách của mình. Chủ trương này đã chứng tỏ sự đúng đắn, phù hợp của nó vì đã thực sự đi vào cuộc sống, được cán bộ công chức, người lao động ngành VHTT nhiệt tình hưởng ứng và ủng hộ, và hơn thế, còn lan tỏa mạnh mẽ đến cộng đồng, trở thành nguồn cảm hứng cho rất nhiều tổ chức, cá nhân trong cộng đồng. Một cán bộ trẻ của Sở VHTT Thừa Thiên Huế cho biết, mới đầu mặc áo dài truyền thống tham dự lễ chào cờ vào thứ Hai hằng tháng và cử hành hát Quốc ca cũng cảm thấy bỡ ngỡ, vì chào cờ, hát Quốc ca chỉ diễn ra thời học sinh, sinh viên. Nhưng càng về sau, buổi lễ chào cờ càng mang lại cho bản thân, đồng nghiệp niềm cảm xúc thiêng liêng, qua đó càng có ý thức, trách nhiệm hơn trong công việc được giao. Đây là giá trị tinh thần rất quan trọng mà mỗi cán bộ, viên chức đều cảm nhận rất rõ.

Trung tuần tháng 5 vừa qua, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tỉnh Thừa Thiên Huế đã ban hành công văn số 136-HD/BTGTU về việc tổ chức lễ chào cờ tại các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế với các nội dung gần như tương tự chủ trương của ngành VHTT khi triển khai lễ chào cờ định kỳ hằng tháng. Đây không chỉ là một tin vui đối với cán bộ công chức các Sở, ngành trong tỉnh mà còn chứng tỏ sự đúng đắn và tính tiên phong của ngành Văn hóa cố đô trong việc bảo tồn và chấn hưng văn hóa trong bối cảnh đương đại. 

 Mới đầu mặc áo dài truyền thống tham dự lễ chào cờ vào thứ Hai hằng tháng và cử hành hát Quốc ca cũng cảm thấy bỡ ngỡ, vì chào cờ, hát Quốc ca chỉ diễn ra thời học sinh, sinh viên. Nhưng càng về sau, buổi lễ chào cờ càng mang lại cho bản thân, đồng nghiệp niềm cảm xúc thiêng liêng, qua đó càng có ý thức, trách nhiệm hơn trong công việc được giao. Đây là giá trị tinh thần rất quan trọng mà mỗi cán bộ, viên chức đều cảm nhận rất rõ.