Trưng bày mô hình bảo vật quốc gia và cổ vật văn hóa Óc Eo trên vùng đất Thoại Sơn

KHẮC NGUYÊN

VHO - Ban quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo (tỉnh An Giang) thực hiện không gian trưng bày văn hóa Óc Eo - Phù Nam với chủ đề: “Văn hóa Óc Eo trên vùng đất Thoại Sơn”.

Trưng bày là hoạt động trong khuôn khổ Lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Thoại Sơn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023 và kỷ niệm 45 năm Ngày tái lập huyện Thoại Sơn (23.8.1979-23.8.2024), diễn ra ngày 9.9.

Trưng bày mô hình bảo vật quốc gia và cổ vật văn hóa Óc Eo trên vùng đất Thoại Sơn - ảnh 1
Công chúng tham quan triển lãm

Theo đó, tại Quảng trường Thoại Ngọc Hầu (đường Thoại Ngọc Hầu, khóm Nam Sơn, thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang), Ban quản lý Di tích Văn hoá Óc Eo tổ chức trưng bày các bảo vật quốc gia về văn hóa Óc Eo của tỉnh An Giang, trưng bày bảo vật quốc gia phiên bản 2D và bảo vật gốc và những cổ vật Óc Eo tiêu biểu.

Bên cạnh đó, BTC giới thiệu những những hình ảnh văn hóa Óc Eo trong quá trình nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Óc Eo - Ba Thê.

Thoại Sơn được xem là vùng đất huyền thoại của tỉnh An Giang, có nhiều di tích lịch sử văn hóa với những công trình kiến trúc nghệ thuật, những danh lam thắng cảnh và đặc biệt là những di chỉ khảo cổ ghi đậm dấu ấn lịch sử tồn tại lâu đời.

Từ những hiện vật phát hiện được ở quần thể di tích phân bố trên sườn núi Ba Thê và cánh đồng Óc Eo, chứng minh sự tồn tại của Vương quốc Phù Nam - một vương quốc thịnh trị, có tầm ảnh hưởng bao trùm cả vùng Nam Bộ từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII.

Một số di tích nổi tiếng điển hình như: Khu di tích khảo cổ nền văn minh Óc Eo được công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt, 2 bia đá và tượng phật 4 tay là di tích kiến trúc nghệ thuật tại thị trấn Óc Eo, bia Thoại Sơn tại đình thần Thoại Ngọc Hầu cũng được công nhận là di tích lịch sử cấp Quốc gia…