Trà Vinh: Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đom Lơng Néak Tà gắn với phát triển du lịch

VHO - Ngày 11.4, Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh đã tổ chức Lễ công bố Quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Trà Vinh: Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đom Lơng Néak Tà gắn với phát triển du lịch - Anh 1

Lãnh đạo Sở VHTTDL Trà Vinh đón nhận Chứng nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Đến dự có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Thanh Bình; Trưởng cơ quan đại diện Văn phòng Bộ VHTTDL tại TP.HCM Nguyễn Hữu Đạt; các nguyên lãnh đạo tỉnh và lãnh đạo các Sở, ban ngành tỉnh.

Ngày 21.2.2024, Bộ VHTTDL có Quyết định số 377/QĐ-BVHTTDL quyết định đưa lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia thuộc loại hình lễ hội truyền thống.

anh tin bai

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thanh Bình khẳng định, Đom Lơng Néak Tà là lễ hội giàu tính nhân văn, đã trở thành một sinh hoạt văn hóa mang đậm tính dân gian và là nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của cư dân Khmer ở Trà Vinh. Lễ hội góp phần tạo ra đời sống tinh thần phong phú, lành mạnh, củng cố bền vững khối đoàn kết cộng đồng dân tộc tại địa phương.

anh tin bai

Để tôn vinh và quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống tiêu biểu của tỉnh, ông Lê Thanh Bình đề nghị, ngành Văn hóa tiếp tục triển khai các hoạt động bảo tồn, khai thác có hiệu quả, phục vụ công tác giáo dục truyền thống văn hóa, gắn với quảng bá du lịch. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của giá trị di sản văn hóa nói chung, lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer tỉnh Trà Vinh nói riêng.

Đồng thời, sưu tầm, hệ thống hóa, tài liệu, hiện vật liên quan đến lễ hội Đom Lơng Néak Tà để gìn giữ và phát huy. Nghiên cứu hàng năm phục dựng một số lễ hội Đom Lơng Néak Tà tiêu biểu nhất, hướng đến hình thành tài nguyên du lịch nhằm gắn với sự phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng.

Trà Vinh: Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đom Lơng Néak Tà gắn với phát triển du lịch - Anh 2

Các đại biểu dự Lễ đón nhận

Như vậy, Trà Vinh hiện có 7 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trong đó có 4 di sản là nghệ thuật và lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer, gồm: Nghệ thuật Chầm riêng Chà pây, nghệ thuật Rô băm, Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà. Ba Di sản phi vật thể Quốc gia còn lại là Lễ hội Vu lan Thắng hội của đồng bào dân tộc Hoa tại huyện Cầu Kè; Lễ hội cúng biển Mỹ Long (thị trấn Mỹ Long, huyện Cầu Ngang) và Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ.

Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Trà Vinh Thạch Bồi cho biết, theo tín ngưỡng của đồng bào Khmer, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà (hay còn gọi là Lễ hội Ông Tà) là loại hình lễ hội truyền thống, diễn ra trên khắp địa bàn tỉnh Trà Vinh; chủ thể văn hóa là cộng đồng dân tộc Khmer. Lễ hội Đom Lơng Néak Tà người Khmer Trà Vinh được cộng đồng cư dân các phum, sóc tổ chức định kỳ hằng năm tại miếu Néak Tà (miếu Ông Tà). Mỗi nơi chọn cho mình một ngày lễ hội riêng nhưng hầu hết đều tổ chức vào tháng 3, 4, 5 Âm lịch. Đây là thời điểm tiết trời đang chuyển dần từ mùa khô sang mùa mưa, nhà nông chuyển từ mùa nông nhàn sang mùa gieo cấy. Nghi lễ này do các vị sư sãi thực hiện, nhằm cầu cho mưa thuận, gió hòa, dân cư trong phum, sóc được bình an, khỏe mạnh. Do vậy, có người gọi nghi lễ này là lễ hội cầu an.

Trà Vinh: Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đom Lơng Néak Tà gắn với phát triển du lịch - Anh 3

Lễ cúng Néak Tà tại ấp Qui Nông A, xã Hòa Lợi, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh

Có nhiều điểm tương đồng với lễ hội Kỳ yên - Hạ điền ở các ngôi đình của người Kinh, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà của người Khmer Trà Vinh trước đây thường kéo dài trong nhiều ngày, nhưng hiện nay đa phần được tổ chức trong hai ngày. Trước ngày diễn ra lễ hội, những người có trách nhiệm trong phum, sóc thông báo cho các gia đình biết ngày, giờ để người dân tập trung. Sáng sớm ngày đầu vào lễ, người dân tập trung về miếu Néak Tà tiến hành dọn dẹp, trang trí, dựng rạp để chuẩn bị vào lễ. Các hòn đá tượng trưng cho Néak Tà được người dân vệ sinh sạch sẽ và phủ lên mảnh vải đỏ mới. Mọi người cũng chuẩn bị các vật phẩm dâng cúng của cộng đồng và của riêng gia đình. Trong Lễ hội Đom Lơng Néak Tà, tùy theo từng nơi sẽ diễn ra nhiều hoạt động văn nghệ, biểu diễn nghệ thuật, thể thao truyền thống như: Nhạc ngũ âm, Rô băm, Dù kê, trống Chhay dam, đập nồi, kéo co, leo cột, nhảy bao, đua ghe,..

Tại tỉnh Trà Vinh, các huyện, thị xã, thành phố đều có miếu Néak Tà với tổng số 242 miếu. Trong số này, huyện Trà Cú có nhiều nhất với 64 miếu. Néak Tà ở tỉnh Trà Vinh có nhiều dạng như Néak Tà Som Rôn (cây trôm), Néak Tà Đôm Prìnl (cây trâm), Néak Tà Đôm Chrey (cây da), Néak Tà Kô Ki (cây sao), Néak Tà Kom Pong Riênl (Bến Củ Chi), Néak Tà Bần Nai (cây duối)... và khá nhiều Néak Tà Méchas Srok (Néak Tà chủ xóm) như: Tà Miês ở Trà Cuôn, Tà Ớt Kim Câu, Tà Năng ở Năng Nơn (xã Kim Hòa, huyện Cầu Ngang)… Các Néak Tà Wạt được thờ trong khuôn viên một số chùa Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh.

Trà Vinh: Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đom Lơng Néak Tà gắn với phát triển du lịch - Anh 4

Người dân đưa kiệu trong nghi thức tống tàu của lễ hội Đom Lơng Néak Tà. Ảnh: TTXVN

Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, từ năm 2011, tỉnh Trà Vinh đang triển khai công tác sưu tầm, hệ thống hóa các hiện vật có liên quan, xây dựng kịch bản thống nhất đối với những nội dung cơ bản nhất của Lễ hội Đom Lơng Néak Tà để triển khai đến các Ban Quản trị Miếu Néak Tà trên địa bàn. Tỉnh hỗ trợ, phục dựng hoạt động Lễ hội Đom Lơng Néak Tà tiêu biểu nhất, hướng đến hình thành tài nguyên du lịch nhằm gắn với sự phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng.

Ông Thạch Mu Ni, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết, tỉnh có hơn 300.000 người Khmer, chiếm gần 32% dân số. Những năm qua, cùng với việc thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Khmer, Trà Vinh luôn chú trọng việc giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa của đồng bào. Nhờ vậy, đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào Khmer địa phương được nâng cao đáng kể. Tại Trà Vinh, các cấp ủy, chính quyền luôn tạo mọi điều kiện để đồng bào và sư sãi Khmer giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn văn hóa vật thể, phi vật thể.

Trà Vinh: Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Lễ hội Đom Lơng Néak Tà gắn với phát triển du lịch - Anh 5

Múa chằn khỉ, điệu múa truyền thống của người Khmer tại lễ hội Đom Lơng Néak Tà

Đến nay, tỉnh đã thành lập được 112 đội dàn nhạc ngũ âm, 95 đội trống Sa Dăm, 35 đội múa Chằn - Khỉ, 40 đội bóng chuyền dân tộc, 8 đội ghe Ngo. Đặc biệt, Trà Vinh có 4 di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia là lễ hội và nghệ thuật truyền thống của đồng bào Khmer, gồm: Lễ hội Ok Om Bok, Lễ hội Đom Lơng Néak Tà, Nghệ thuật Chầm riêng Chà Pây, Nghệ thuật Rô-Băm.

Toàn tỉnh có 143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer; trong đó, nhiều chùa được công nhận là Di sản văn hóa cấp Quốc gia và cấp tỉnh, nhiều chùa có công với cách mạng trong thời kỳ chống giặc ngoài xâm. Từ nhiều nguồn kinh phí, các ngôi chùa có niên đại lâu năm đều được tỉnh giữ gìn, tôn tạo thường xuyên.

Đồng bào Khmer hầu hết theo đạo Phật nên mọi sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng, văn hóa đều diễn ra trong chùa. Hiện nay, hầu hết các chùa Phật giáo Nam tông Khmer đều được trang bị phương tiện âm thanh, nhạc cụ để hoạt động văn hóa, văn nghệ. Đây cũng chính là nơi gieo mầm tình yêu văn hóa, nghệ thuật Khmer cho thế hệ trẻ.

Cùng với việc duy trì các phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống, Tết cổ truyền, nghệ thuật của đồng bào dân tộc Khmer, địa phương còn chú trọng bảo tồn tiếng nói, chữ viết của đồng bào Khmer Nam Bộ; trong đó, việc dạy và học chữ Khmer được duy trì thường xuyên tại các cơ sở giáo dục và các chùa Phật giáo Nam tông Khmer. Hiện, toàn tỉnh có 134/143 chùa Phật giáo Nam tông Khmer tổ chức dạy chữ Khmer dịp hè với trên 20.000 học sinh. Năm học 2023 - 2024, Trà Vinh có 125 trường học từ cấp Tiểu học đến Trung học Phổ thông dạy tiếng Khmer cho gần 36.000 học sinh. Ngoài ra, Báo Trà Vinh và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh cũng phát hành, phát sóng bằng 2 thứ tiếng Kinh, Khmer để tạo điều kiện cho đồng bào Khmer nắm bắt thông tin kịp thời.

THÀNH TÂM

Ý kiến bạn đọc