Đà Nẵng:
Tọa đàm khoa học “Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Văn bia Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn”
VHO - Nằm trong khuôn khổ Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn 2025, Sở VHTT Đà Nẵng tổ chức Tọa đàm khoa học “Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Văn bia Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn”.
Chương trình diễn ra lúc 8h30 ngày 17 tháng 3 tại Chùa Quán Thế Âm, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.
Tọa đàm nhằm mục đích đánh giá, lấy ý kiến của các chuyên gia phục vụ cho việc hoạch định các chính sách, xây dựng đề án, kế hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Văn bia Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Theo Sở VHTT Đà Nẵng, tọa đàm thu hút sự quan tâm, tham gia của nhiều nhà nghiên cứu, học giả, nhà quản lý có uy tín:
Hòa thượng Thích Huệ Vinh - Phó Ban Văn hóa Trung ương Giáo Hội Phật giáo Việt Nam; Thượng tọa, TS. Thích Không Nhiên - Phó Viện trưởng kiêm Trưởng phòng Nghiên cứu Khoa học Học viện Phật giáo VN tại Huế.

PGS.TS. Bùi Chí Hoàng - Uỷ viên Hội đồng di sản quốc gia; TS. Nguyễn Văn Tú - Phó Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám; TS. Lê Xuân Thông, TS. Nguyễn Thế Hà, Nhà nghiên cứu Ngô Đức Chí - Viện KHXH vùng Trung Bộ.
TS. Nguyễn Hoàng Thân - Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng; Th.S Đinh Thị Toan - Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng, Nhà nghiên cứu Hồ Xuân Tịnh – Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa thành phố Đà Nẵng; Nhà nghiên cứu Võ Văn Thắng - Hội Khoa học Lịch sử thành phố Đà Nẵng …
Các bài tham luận tập trung vào 2 chủ đề chính, gồm: Ảnh hưởng của Phật giáo trong di sản tư liệu Văn bia Ma nhai tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn; Công tác bảo tồn và phát huy giá trị Văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn là hệ thống gồm 78 văn bản Hán Nôm được khắc trên vách đá và hang động tại danh thắng Ngũ Hành Sơn bởi các vị vua, quan triều Nguyễn, cao tăng, trí thức, có niên đại trải dài từ nửa đầu Thế kỷ XVII đến Thế kỷ XX.

Nội dung các văn bia ma nhai đa dạng, hình thức độc đáo, cùng nhiều thể loại văn học khác nhau, đây là nguồn di sản tư liệu quý hiếm, độc đáo, không thể thay thế.
Do vậy được các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước quan tâm bởi các giá trị về mặt lịch sử, tôn giáo, địa lý, văn học, ngôn ngữ, nghệ thuật tạo hình, văn hóa và giáo dục.
Năm 2022, Văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn chính thức được công nhận là Di sản tư liệu thuộc chương trình Ký ức Thế giới khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trong lịch sử, Ngũ Hành Sơn là một trong những trung tâm Phật giáo lớn của Đại Việt trên bước đường Nam tiến của dân tộc, với sự hình thành những ngôi quốc tự nổi tiếng: Tam Thai, Linh Ứng và lưu dấu bước chân hành hóa của bao bậc cao tăng đạo hạnh trong nhiều thế kỷ.
Do đó, sự ảnh hưởng và hình bóng của Phật giáo trong Văn bia Ma nhai tại danh thắng Ngũ Hành Sơn vô cùng rõ nét.
Mặt khác, những di sản tư liệu này đã trở thành nguồn sử liệu quý về Phật giáo ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung.