Bảo vệ và thực thi bản quyền trên môi trường số:
Thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế sáng tạo
VHO - “Môi trường số và thương mại điện tử phát triển đang mở ra nhiều cơ hội, nhưng cũng khiến vi phạm bản quyền gia tăng và ngày càng nhức nhối. Vi phạm bản quyền trong môi trường số ảnh hưởng không chỉ đến quyền lợi của các tác giả, các chủ sở hữu quyền và doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế sáng tạo và thương mại điện tử. Do đó, chúng ta rất cần một hệ thống quản lý bản quyền toàn diện”.
Đó là nhận định của Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) Phạm Thị Kim Oanh khi trao đổi với phóng viên Văn Hóa bên lề Hội nghị - Hội thảo tuyên truyền, phổ biến các nội dung cơ bản của Hiệp ước về quyền tác giả của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WCT), Hiệp ước về cuộc biểu diễn và bản ghi âm của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (Hiệp ước WPPT) và thực thi pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan cho các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung gian, doanh nghiệp khai thác, sử dụng diễn ra vừa qua tại Hà Nội.
.PV: Với sự phát triển của môi trường số như hiện nay, bà đánh giá như thế nào về tác động của sự phát triển này với vấn đề thực thi bản quyền?
- Bà Phạm Thị Kim Oanh: Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến nhiều công cụ sáng tạo mới, đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với các tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
Tuy nhiên, môi trường số cũng đặt ra nhiều thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về quyền tác giả, quyền liên quan. Nhất là trong bối cảnh hành vi vi phạm bản quyền trên không gian mạng có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia.
Lợi dụng những “lỗ hổng” của nhiều nền tảng, website, các tác phẩm nghệ thuật, phần mềm, bài viết, hình ảnh, video và các sản phẩm trí tuệ khác dễ dàng bị sao chép, phân phối mà không có sự kiểm soát đầy đủ; khiến các đối tượng vi phạm dễ dàng hưởng lợi bất chính. Những hành vi xâm phạm bản quyền, như việc tải lên, sao chép và phát tán trái phép các sản phẩm trí tuệ, đang gây thiệt hại lớn cho các chủ sở hữu bản quyền và làm suy yếu nền kinh tế sáng tạo.
Các công cụ pháp lý hiện tại đã cung cấp một số giải pháp quan trọng, nhưng trong bối cảnh ngày càng có nhiều vi phạm và hành vi xâm phạm bản quyền ngày càng tinh vi hơn, chúng ta cần phải có những biện pháp mạnh mẽ hơn.
.Trong bối cảnh các hành vi vi phạm có tính chất xuyên biên giới, để nâng cao hiệu quả về hợp tác quốc tế trong bảo vệ, thực thi bản quyền trên môi trường số, Việt Nam hiện đã tham gia vào những điều ước quốc tế nào thưa bà?
- Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc xây dựng và hoàn thiện các quy định pháp lý liên quan đến bảo vệ bản quyền trong thương mại điện tử. Một trong những bước tiến quan trọng là việc áp dụng các điều khoản trong các hiệp định quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan.
Việt Nam đã và đang chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, trong đó có lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Đến nay, Việt Nam đã tham gia 8 trên 9 Điều ước quốc tế đa phương về quyền tác giả, quyền liên quan; đàm phán, ký kết 2 Hiệp định song phương và 14 Hiệp định kinh tế, thương mại tự do song phương, đa phương với các quốc gia, khu vực kinh tế khác nhau trên thế giới có nội dung về quyền tác giả, quyền liên quan.
Trong đó, phải kể đến 2 Hiệp ước của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO về bản quyền trên internet, đó là việc tham gia WCT năm 2021 và WPPT năm 2022; đó là CPTPP, EVFTA, RCEP… Các thỏa thuận này không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các tác giả và nhà sáng tạo mà còn tạo ra một hành lang pháp lý vững chắc để xử lý các vi phạm.
.Theo bà, việc tham gia những điều ước quốc tế này đã mang lại những hiệu quả như thế nào?
-Việc ký kết và tham gia các điều ước quốc tế, hiệp định thương mại đã đưa Việt Nam lên vị thế bình đẳng, cùng có lợi với các quốc gia có nền công nghiệp bản quyền phát triển, đồng thời cũng đem đến những thách thức mà Việt Nam phải vượt qua khi thực hiện các cam kết trong hội nhập.
Khi các doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân tham gia vào thương mại điện tử xuyên biên giới, họ không chỉ phải đối mặt với các quy định pháp luật của quốc gia mình mà còn phải tuân thủ các tiêu chuẩn và cam kết quốc tế.
Cùng với đó, các quốc gia cần đảm bảo rằng luật pháp của mình tương thích với các cam kết quốc tế về quyền tác giả, quyền liên quan, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp trong nước có thể bảo vệ quyền lợi của mình trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế.
Việc thúc đẩy hợp tác quốc tế trong việc giải quyết các tranh chấp về quyền tác giả, quyền liên quan và xử lý các vi phạm xuyên biên giới cũng là điều cần thiết để đảm bảo hiệu quả trong việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các tác giả và nhà sáng tạo.
.Mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng vấn đề vi phạm bản quyền ở nước ta vẫn diễn ra khá phổ biến, chúng ta cần những giải pháp nào cho vấn đề này?
- Để giải quyết vấn đề này, chúng ta cần có một hệ thống quản lý bản quyền toàn diện, kết hợp giữa các chính sách pháp lý, công nghệ và sự hợp tác quốc tế.
Cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường các biện pháp giám sát, kiểm tra và xử lý vi phạm. Các nền tảng thương mại điện tử cũng cần phải áp dụng các công cụ và công nghệ hiện đại để giám sát và ngăn chặn hành vi xâm phạm.
Các hệ thống nhận dạng nội dung, theo dõi bản quyền tự động và công cụ nhận diện hình ảnh là những giải pháp công nghệ hữu ích giúp phát hiện và ngừng các hành vi xâm phạm ngay từ khi chúng xuất hiện. Việc xây dựng các chính sách bảo vệ bản quyền rõ ràng và công khai trên các nền tảng thương mại điện tử cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tạo dựng niềm tin của người dùng và các tác giả.
Ngoài ra với những quy định pháp luật hiện hành và một số công cụ về công nghệ, những chủ thể quyền cần chủ động áp dụng trong theo dõi, kiểm soát; sớm tiến hành những biện pháp cần thiết khi phát hiện hành vi vi phạm đối với sản phẩm trí tuệ của mình.
Các chủ thể quyền cũng cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng, cung cấp đầy đủ tài liệu, chứng cứ để giải quyết dứt điểm, “có đầu, có cuối” các vụ việc chứ không đi đến giữa chừng rồi… bỏ dở.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân trong sử dụng các sản phẩm có bản quyền. Từ đó, khuyến khích sự sáng tạo, đóng góp vào sự phát triển chung của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam cũng như kinh tế - xã hội của đất nước.
Về phía Cục Bản quyền tác giả, thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục thực hiện tốt chức năng tham mưu, phối hợp trong hoàn thiện hành lang pháp lý về lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan. Cục Bản quyền tác giả cũng sẵn sàng cung cấp các đầu mối, hỗ trợ chủ thể quyền trong quá trình xử lý các vụ việc vi phạm.
Đặc biệt, Cục đang tăng cường kết nối với các quốc gia, đẩy mạnh hợp tác quốc tế nhằm có những hỗ trợ trong thúc đẩy các giao dịch hợp pháp về bản quyền cũng như ngăn chặn, xử lý xâm phạm.