Bảo vệ bản quyền trên môi trường số:

Giải pháp nào cho những website vi phạm?

NAM ANH

VHO - Tại Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số diễn ra vừa qua tại Hà Nội, do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) và Bộ VHTTDL Hàn Quốc tổ chức, các đại biểu trong nước, quốc tế đã cùng nhau thảo luận sôi nổi nhiều chuyên đề liên quan đến công tác thực thi, bảo vệ bản quyền trên môi trường số.

 Hội nghị đã tạo diễn đàn, mang đến nhiều sáng kiến, mô hình mới giúp các bên liên quan và Việt Nam có thể học hỏi thêm kinh nghiệm về bảo hộ và thực thi về bản quyền, nhất là trên môi trường số tại mỗi quốc gia, khu vực.

Giải pháp nào cho những website vi phạm? - ảnh 1
Thực thi bản quyền trên môi trường số đang đứng trước nhiều thách thức. Ảnh: Mona Media

Điểm nhấn là Hội nghị xác định được các xu hướng trong xây dựng chính sách, các giải pháp về công nghệ để đối phó với xâm phạm về quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số và trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm nhằm triển khai nhiều chương trình hợp tác trong hoạt động quản lý và thực thi bản quyền trên môi trường số trong tương lai.

Bên cạnh đó, một trong những vấn đề được các đại biểu đặc biệt nhấn mạnh là vi phạm bản quyền trên môi trường số đang gây ra rất nhiều hệ lụy.

Theo ông Xavier Vermandele, cố vấn pháp lý cấp cao, Ban Tôn trọng sở hữu trí tuệ của WIPO, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ gây ra rất nhiều tác động tiêu cực. Trong thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền trên nền tảng số đang diễn ra hàng ngày, vô cùng phức tạp. Điều này ngoài khiến các cá nhân, đơn vị nắm giữ bản quyền thiệt hại số tiền rất lớn còn gây ra tình trạng thất thu thuế.

Ngoài ra, ông Xavier Vermandele cũng cho hay, hành vi vi phạm bản quyền, nhất là trên môi trường số còn khiến tình trạng phạm tội có tổ chức diễn ra ngày càng phức tạp.

Giải pháp nào cho những website vi phạm? - ảnh 2
Các website vi phạm bản quyền còn là ổ cờ bạc trực tuyến

Gắn với câu chuyện thực tế ở Việt Nam, nhiều trang web vi phạm bản quyền còn là ổ cờ bạc trực tuyến, cá độ bóng đá, lôi kéo rất nhiều người tham gia. Giải vô địch bóng đá châu Âu 2024 (EURO 2024) và Giải vô địch bóng đá Nam Mỹ 2024 (Copa America 2024) là 2 sự kiện đang nhận được sự quan tâm của khán giả Việt Nam cũng như trên toàn thế giới. Chỉ cần gõ từ khóa “xem bóng đá online” trên thanh công cụ tìm kiếm của Google, có trên 33 triệu kết quả trả về chỉ trong 0,32 giây.

Thế nhưng, điều đáng ngại là rất nhiều website trong số này dù không có bản quyền nhưng có thể phát sóng hầu hết các trận đấu của không chỉ 2 giải đấu này mà cả các giải vô địch của các châu lục, khu vực. Đi kèm với phát lậu, những website này còn ngang nhiên quảng cáo cá độ rầm rộ để lôi kéo người chơi.

Vào tháng 1.2024, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) đã công bố hơn 400 website có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Trong danh sách này, có gần 100 website được xác định là các website chuyên cung cấp dịch vụ cá độ bóng đá, bài bạc trực tuyến, phát sóng các giải đấu thể thao trực tuyến vi phạm bản quyền 1*bet.com, 1*bet88vn.net, thethao**.org, fb88***.com hay king368*.com...

Dù cơ quan chức năng đã nhiều lần chặn các trang web vi phạm nhưng số lượng các trang web vi phạm bản quyền, phạm pháp vẫn rất nhiều.

Ông Michael Schlesinger, Phó Chủ tịch, Cố vấn pháp lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Hiệp hội Điện ảnh Singapore cho hay, có nhiều giải pháp ngăn chặn các trang web vi phạm bản quyền.

“Nghiên cứu của Hiệp hội Điện ảnh Hoa Kỳ (MPA) chỉ ra rằng, việc xóa tìm kiếm sẽ tạo ra tác động bổ sung trong việc giảm số lượt truy cập vi phạm bản quyền vào các trang web vi phạm. Tính trung bình, số lượt truy cập vi phạm bản quyền vào các trang web bị chặn sẽ giảm thêm 28%, khi trang web đó bị chặn bởi các nhà cung cấp dịch vụ internet và bị một công cụ tìm kiếm (hoặc các công cụ tìm kiếm) xóa khỏi danh sách”, ông Michael Schlesinger nêu.

Bên cạnh đó, ông Michael Schlesinger cho hay cần chặn các bản sao, chuyển hướng, các biến thể chữ và số theo thời gian thực một cách linh hoạt, nhanh chóng. Việc này sẽ ngăn các đối tượng tạo website mới sau khi web cũ bị chặn.

Với những vụ việc có tính chất xuyên biên giới, đại diện Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) cho hay cần tăng cường hợp tác quốc tế.

Trong đó, có việc đề nghị phối hợp cung cấp các thông tin đăng ký tên miền, máy chủ, dịch vụ ẩn danh (Cloudflare), tài khoản tiền ảo, tiền điện tử, email, Facebook, Youtube… có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác xác minh, đấu tranh, xử lý các đối tượng trong lĩnh vực này.

Việc tăng cường hợp tác quốc tế trong quá trình xử lý cũng sẽ giúp tạo thuận lợi trong quá trình xác minh, điều tra, xử lý tội phạm vi phạm bản quyền nội dung số và trao đổi thông tin về các chủ thể quyền bị xâm phạm, cũng như cung cấp chứng từ, tài liệu về thiệt hại do tội phạm vi phạm bản quyền gây ra.