Nâng cao năng lực quản lý, thực thi bản quyền trên môi trường số:

Chung tay mới hay tiếng vỗ

ĐÌNH TOÁN

VHO - “Bên cạnh tận dụng hiệu quả những cơ hội có được từ việc gia nhập các điều ước quốc tế về bản quyền, Việt Nam vẫn phải từng bước nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý, thực thi bản quyền, nhất là trên môi trường số”.

Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong tại Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số diễn ra vừa qua tại Hà Nội. Hội nghị do Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), Bộ VHTTDL Hàn Quốc tổ chức với sự tham gia của nhiều đại biểu trong nước và quốc tế.

Câu chuyện nan giải

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của truyền thông đa phương tiện, đa nền tảng, “cuộc chiến” về bảo vệ bản quyền trên môi trường số đang ngày càng gay cấn và thách thức hơn bao giờ hết. Theo bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả (Bộ VHTTDL), dù đã có nhiều nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý, thực thi nhưng tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường kỹ thuật số vẫn đang diễn ra ngày càng phức tạp, có tình trạng những người sáng tạo vi phạm bản quyền của nhau.

Chung tay mới hay tiếng vỗ - ảnh 1
Hội nghị bàn nhiều giải pháp bảo vệ bản quyền trên môi trường số

Bà Phạm Thị Kim Oanh cũng cho hay, phải thẳng thắn nhìn nhận công tác bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan nói chung và trên môi trường số nói riêng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu. Đầu tư về nguồn nhân lực tại trung ương và địa phương, nguồn lực về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và thực thi, đấu tranh, phòng ngừa chống xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số, nhất là với những vụ việc có tính chất xuyên biên giới chưa tương xứng với yêu cầu trong tình hình mới.

Nêu dẫn chứng cụ thể, ông Michael Schlesinger, Phó Chủ tịch, Cố vấn pháp lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương Hiệp hội Điện ảnh Singapore chia sẻ, không chỉ ở Việt Nam, câu chuyện vi phạm bản quyền trên môi trường số cũng đang là vấn đề nhức nhối với nhiều nước trên thế giới.

Chung tay mới hay tiếng vỗ - ảnh 2

“Sáng tạo trên môi trường số đã mở ra nhiều cơ hội, đưa đến công cụ sáng tạo mới; đồng thời tạo ra môi trường lưu giữ, phương thức phân phối và các hình thức khai thác, sử dụng mới đối với tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng. Tuy nhiên, “sân chơi” này cũng đặt ra “bài toán” về bảo vệ bản quyền đối với mỗi sản phẩm nội dung số, không riêng ở thị trường Việt Nam mà còn trên phạm vi toàn cầu.

Thách thức trong việc tự bảo vệ quyền của các chủ thể và hoạt động của các cơ quan quản lý, thực thi về bản quyền, xử lý hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số đến từ việc có sự tham gia của nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau; gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán quốc gia. Điều này đòi hỏi mỗi quốc gia, tổ chức quốc tế cũng như các chủ sở hữu bản quyền cần phải có sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ và chia sẻ kịp thời”

(Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hồ An Phong)

Tính chung trong năm 2022, trên toàn cầu có khoảng 191,8 tỷ lượt truy cập các trang web chứa các nội dung vi phạm bản quyền phim và truyền hình. Các trang web vi phạm bản quyền thường chứa rất nhiều nội dung xấu, độc, thậm chí là lừa đảo. Một trong những thủ đoạn thường thấy là những trang web này chứa mã độc ăn cắp thông tin người dùng, chuyển hướng người dùng đến các trang web bất hợp pháp khác.

Ở Việt Nam, bà Sheila Cassells, Phó Chủ tịch điều hành Liên minh chống vi phạm bản quyền nghe nhìn London cho hay năm 2022, Việt Nam đã thiệt hại khoảng 350 triệu USD do vi phạm bản quyền. Việt Nam là quốc gia đứng thứ 3 trong khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền với khoảng 15,5 triệu lượt người thường xuyên truy cập các trang web chứa nội dung lậu.

Hướng đến xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập

Bà Phạm Thị Kim Oanh cho hay, lợi dụng việc cơ quan chức năng gặp khó trong các vụ việc có yếu tố nước ngoài, các đối tượng đã liên tục thực hiện các hành vi vi phạm bản quyền trên môi trường số, vì lợi ích cá nhân mà xâm hại tới quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là việc xử lý hành vi xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe, ngăn ngừa. “Kẽ hở” cũng xuất hiện khi sự phối hợp giữa các cơ quan thực thi chưa thật sự hiệu quả.

Chung tay mới hay tiếng vỗ - ảnh 3
Vi phạm bản quyền trên môi trường số tại Việt Nam đang diễn ra công khai, với nhiều thủ đoạn tinh vi

Do đó, bà Phạm Thị Kim Oanh kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền tác giả, quyền liên quan; trong đó chú trọng đến quy định về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan trên môi trường số. Đặc biệt, sớm nghiên cứu xây dựng Luật Bản quyền tác giả độc lập. Song song với đó, cần phát huy vai trò, tính chủ động của các hội, hiệp hội, tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, quyền liên quan trong việc thực thi, bảo vệ quyền trên môi trường số. Các chủ thể quyền có thể chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi vi phạm.

Nêu quan điểm, ông Soyeong Ahn, Phó Trưởng phòng Hợp tác và Thương mại Văn hoá (Cục Bản quyền, Bộ VHTTDL Hàn Quốc) cho rằng, mỗi quốc gia cần có kế hoạch phối hợp toàn diện nhằm xoá bỏ việc phân phối nội dung bất hợp pháp trên môi trường số. Kế hoạch có thể xây dựng dựa trên 4 chiến lược cụ thể bao gồm tốc độ nhanh và tính nghiêm ngặt, sự hợp tác, khoa học và thay đổi. Cùng với đó, các nhiệm vụ cần được triển khai thực hiện đồng bộ bao gồm ngăn chặn tốc độ phát triển của các trang web phát trực tuyến bất hợp pháp, hợp tác với các tổ chức quốc tế chống vi phạm bản quyền, mở rộng điều tra khoa học để chống vi phạm bản quyền trực tuyến và nâng cao nhận thức về bản quyền.

Cụ thể, ông Soyeong Ahn cho hay, Việt Nam có thể xây dựng hệ thống tự động phát hiện, ngăn chặn các trang web bất hợp pháp với sự cộng tác của tất cả các cơ quan có liên quan. Hơn nữa, mức xử phạt đối với hành vi vi phạm bản quyền cần được tăng lên bởi mức xử phạt hiện tại được cho là “không thấm vào đâu” so với lợi nhuận bất chính mà các đối tượng vi phạm thu về. Ngoài ra, mở rộng giáo dục nhận thức về bản quyền với giới trẻ, thế hệ tương lai và người tiêu dùng nội dung cũng là câu chuyện được ông liên tục nhắc đến.

Tin liên quan

Ý kiến bạn đọc