Thư viện sách nói Hướng Dương: Ánh sáng văn hóa đọc cho người khiếm thị

VHO - Với những người khuyết tật nói chung, khiếm thị nói riêng, nhu cầu được tìm hiểu, tiếp cận tri thức, phong phú đời sống tinh thần ngày càng lớn. Nhận thức được giá trị lan tỏa văn hóa đọc, Thư viện sách nói Hướng Dương (TP.HCM) ra đời và trở thành thư viện sách nói dành cho người mù đầu tiên ở Việt Nam, mang đến niềm vui, tri thức và niềm tin cho người khiếm thị trên cả nước.

Thư viện sách nói Hướng Dương: Ánh sáng văn hóa đọc cho người khiếm thị - Anh 1

Thư viện sách nói Hướng Dương với đa dạng đầu sách

Được biết, cơ duyên đưa chị Nguyễn Hướng Dương, cố Giám đốc thư viện sách đến với ý tưởng “Thư viện sách nói” cũng rất tình cờ. Chị Hướng Dương đã từng chia sẻ, trong một lần đến Trường Nguyễn Đình Chiểu (TP.HCM) đọc sách cho các em nghe, chị đã cảm nhận được sự thích thú của các em học sinh khi được nghe giọng đọc của mình. Về nhà, chị liền nảy ra ý tưởng, tại sao mình không làm một băng cassette - sách nói để cho nhiều người khiếm thị nghe. Thế là chị quyết tâm thực hiện ý tưởng, việc ban đầu chị tự thu âm các chương trình sách giáo khoa thành sách nói, rồi đưa lên mạng để người khiếm thị trên cả nước được tiếp cận với văn hóa tri thức. Dần dà, độc giả khiếm thị tìm đến những bản thu của chị nhiều hơn và từ đó thư viện sách nói đầu tiên cho người khiếm thị đã ra đời. Lần đầu tiên trên cả nước, người mù có thể học qua radio, qua mạng internet bằng giọng đọc ấm áp, truyền cảm của chị Hướng Dương cùng các cộng sự của mình. Chị từng chia sẻ: “Có một em là Thạc sĩ khiếm thị nói với tôi rằng, sách nói là một cuộc cách mạng đối với người mù. Trong 19 năm, Thư viện sách nói đã giúp cho trên 150 bạn khiếm thị thi đỗ đại học, học chung với người sáng mắt, trong đó có 3 Thạc sĩ, 1 Tiến sĩ”. Có thể thấy, chị Hướng Dương đã dành trọn cuộc đời của mình cho công việc làm sách nói cho người khiếm thị và mang đến những kết quả vô cùng tích cực.

Gắn bó với thư viện sách nói Hướng Dương từ những ngày đầu, bà Huỳnh Thị Hồng Hà, Phó Giám đốc thư viện sách nói Hướng Dương cho biết, sau khi cố Giám đốc thư viện sách nói Nguyễn Hướng Dương qua đời, ban giám đốc cùng toàn bộ tình nguyện viên và nhân viên thư viện đều cố gắng duy trì và phát triển thư viện sách nói này cho đến hôm nay. Theo bà Hà, bằng việc ứng dụng công nghệ, thư viện sách nói Hướng Dương đã tiếp cận và được đến gần với nhiều đối tượng hơn. Thay vì những cuốn cassette thu âm, giờ đây chỉ bằng cú click chuột, những người khiếm thị có thể tiếp cận được rất nhiều thể loại sách như truyện văn học Việt Nam, truyện nước ngoài, hạt giống tâm hồn, kỹ năng sống, kinh tế, gia đình… Đặc biệt, thư viện còn cung cấp tài liệu giáo trình từ căn bản đến nâng cao như sách giáo khoa, tài liệu ôn thi miễn phí cho học sinh và sinh viên mù cả nước. Sau khi tiếp cận được nhiều độc giả, dữ liệu càng lớn với nhiều đầu sách, vì thế thư viện đã nâng cấp sao lưu data, dần dần chuyển sang lưu trữ dữ liệu từ đĩa CD sang USB. Với dung lượng cao, thư viện đã phục vụ miễn phí cho 104 đơn vị trường mù và mái ấm nuôi dạy trẻ em mù, cho tất cả Hội người mù các tỉnh, quận, huyện. Đặc biệt, thư viện còn cung cấp tài liệu giáo trình từ căn bản đến nâng cao như sách giáo khoa, tài liệu ôn thi miễn phí cho học sinh và sinh viên mù cả nước. Năm 2020, thư viện Sách nói Hướng Dương đã trao tặng khoàng 1.040 USB đến toàn thể người mù. Và những năm trở lại đây, thư viện đã có trang web, kênh online chính thức là thuvienhuongduong.com với đa dạng đầu sách, thậm chí là những tác phẩm chỉ vừa mới ra mắt và đang “làm mưa làm gió” trên thị trường.

Thư viện sách nói Hướng Dương: Ánh sáng văn hóa đọc cho người khiếm thị - Anh 2

Thư viện luôn nỗ lực cùng các cộng tác viên thu âm để cho ra những cuốn sách nói mới

Có thể thấy, chính sự phát triển mạnh mẽ của CNTT và Internet, sách nói đã khẳng định được vị thế của mình trong ngành xuất bản hiện đại. Không nằm ngoài xu thế toàn cầu, ngành công nghiệp sách nói ở Việt Nam cũng bắt đầu có những tín hiệu phát triển đầy hứa hẹn với nhiều yếu tố thuận lợi. Đặc biệt, đối với người khiếm thị việc áp dụng công nghệ tiên tiến đã và đang thay đổi văn hóa đọc trong cộng đồng này. Bởi, với người khiếm thị, việc đọc một cuốn sách chữ là vô cùng khó khăn bởi không phải lúc nào cũng có người mắt sáng ở bên cạnh cả ngày để đọc sách cho nghe. Cùng với đó, chi phí sản xuất tài liệu chữ nổi dành cho người khiếm thị cũng khá cao, việc chuyển hóa toàn bộ nguồn tri thức hiện có sang dạng chữ nổi là bất khả thi. Việc các kênh sách nói như thư viện Hướng Dương xuất hiện đã đáp ứng được một phần lớn nhu cầu đọc của người khiếm thị. Không chỉ nâng cao kiến thức cho người nghe, mà việc cho trẻ khiếm thị nghe sách nói ngay từ sớm sẽ giúp các em tránh khỏi nguy cơ mắc chứng tự kỉ, tự cô lập mình.

Với sự nỗ lực của ngành thư viện khi ứng dụng CNTT cùng các kênh sách nói hiện nay, người khiếm thị đã đang và sẽ có nhiều cơ hội biết đến các cuốn sách hay, bổ ích. Nguồn tài liệu này sẽ góp phần giúp họ nắm được chiếc chìa khoá mở ra cánh cửa tương lai của mình. Bởi chỉ khi được bồi đắp tri thức, hoàn thiện nhân cách thì người khiếm thị mới có thể xóa bỏ mặc cảm, có thể tự tin hòa nhập với cộng đồng cũng như có nhiều hơn nữa những cơ hội trong cuộc sống.

THẢO MY

Ý kiến bạn đọc