Thanh Hoá: Bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa góp phần phát triển KT-XH
VHO- Trong suốt chiều dài hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, xứ Thanh được ví như hình ảnh của đất nước Việt Nam thu nhỏ, nơi lưu giữ rất nhiều di sản văn hóa. Đây là mạch nguồn mang sức mạnh lan tỏa, là nguồn lực quan trọng để tỉnh Thanh Hóa phát triển kinh tế - xã hội.
Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa)
Theo thống kê hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá có hơn 1.535 di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng và kiểm kê bảo vệ, trong đó, các di tích đã được xếp hạng là 856 di tích, gồm: 1 di sản văn hoá thế giới Thành nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc); 5 di tích quốc gia đặc biệt; 139 di tích quốc gia và 711 di tích cấp tỉnh. Trong thời gian qua, được sự quan tâm của tỉnh Thanh Hóa và Trung ương công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi, chống xuống cấp di tích trên địa bàn toàn tỉnh đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Nhiều di tích cấp Quốc gia trọng điểm như Lam Kinh, Thành nhà Hồ, đền Bà Triệu, Thái miếu nhà Lê, đền Đồng Cổ; Các di tích Quốc gia quan trọng như đền thờ Lê Hoàn, đền Độc Cước, đình Trung, đình Động Bồng… đã được Trung ương đầu tư hàng trăm tỷ đồng để tu bổ, phục hồi, tôn tạo. Nguồn kinh phí địa phương hỗ trợ chống xuống cấp cũng ngày một tăng, từ 30 đến 60 tỷ đồng/mỗi năm, không kể nguồn kinh phí kêu gọi xã hội hóa bình quân gấp 5-7 lần hỗ trợ của nhà nước/năm, đã trở thành sản phẩm văn hóa hoàn chỉnh phục vụ đời sống tâm linh, hấp dẫn du khách tham quan. Bên cạnh đó, không gian văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh là vùng văn hóa phi vật thể với nhiều sắc thái đặc sắc, riêng có của mỗi dân tộc, phản ánh văn hóa, phong tục, tập quán, tín ngưỡng phong phú, đa dạng, nhưng thống nhất trong không gian chung của văn hóa vùng đất xứ Thanh. Cùng với đó, Thanh Hóa còn nguồn tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể vô cùng to lớn, cả về số lượng lẫn giá trị khoa học, văn hóa. với hàng trăm lễ hội, lễ tục, các trò chơi, trò diễn dân gian, các nghề thủ công truyền thống…. đến nay, Thanh Hóa đã có 18 di sản văn hóa phi vật thể được Bộ VHTTDL đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong hơn 10 năm qua, di sản văn hóa phi vật thể ở Thanh Hóa luôn được quan tâm sưu tầm, nghiên cứu, phục hồi đáng kể, tiêu biểu là các lễ Pồn Poông, tục hát chèo làng Mưng, Kin Chiêng Boọc Mạy, Xuân Phả, Dân ca dân vũ, múa đèn Đông Anh, Hò sông Mã, Trò Chiềng, Hát cửa đình…Ngoài ra, hàng năm Nhà nước đã đầu tư để Thanh Hóa nghiên cứu phục hồi 1 – 3 trò diễn, lễ hội, nhất là khu vực đồng bào các dân tộc ít người miền núi. Một số nghề thủ công truyền thống ở Thanh Hóa cũng đã được nghiên cứu, phục hồi, đem lại hiệu quả kinh tế rất đáng kể, điển hình là nghề đúc trống đồng truyền thống, nghề làm bánh gai, nem chua… Chính điều đó mới có ý nghĩa quan trọng, cho thấy những đặc trưng riêng biệt, phong phú của văn hóa xứ Thanh.
Ngoài ra, công tác quy hoạch các khu di tích, danh lam thắng cảnh gắn với phát triển du lịch cũng được tỉnh Thanh Hóa chú trọng; thực hiện nhiều hình thức phát huy giá trị di tích như: Xây dựng và triển khai các Đề án khai thác, phát triển du lịch tại các Khu di tích lịch sử văn hóa (đề án “Khai thác phát triển du lịch Di sản văn hóa thế giới Thành nhà Hồ”; đề án “Đổi mới công tác quản lý, khai thác phát triển Khu du lịch Lam Kinh”); tuyên truyền và giới thiệu về di tích lịch sử văn hóa thông qua việc thực hiện đề án “Truyền thông du lịch Thanh Hóa”; triển khai đề án “Phát triển sản phẩm du lịch mũi nhọn của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, trong đó định hướng các sản phẩm du lịch văn hóa có thế mạnh của tỉnh gắn với tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa, kết nối các tour, tuyến du lịch tại các Khu di tích như: Thành nhà Hồ, Lam Kinh, Hàm Rồng, Bà Triệu, Am Tiên, Đền Sòng Sơn,…hàng năm, triển khai Chương trình phát triển du lịch, trong đó thực hiện đầu tư cơ sở vật chất (các bảng giới thiệu, biển chỉ dẫn, nhà vệ sinh công cộng,…) tại các Khu du lịch gắn với di tích lịch sử. Nhờ đó, hình ảnh, di tích lịch sử văn hóa - danh lam thắng cảnh của Thanh Hóa đã được quảng bá rộng rãi trong và ngoài nước, một số khu, điểm di tích tiêu biểu như: Lam Kinh, Thành nhà Hồ, đền Bà Triệu, đền Sòng Sơn, Am Tiêm, Phủ Na, Cửa Đạt; Sầm Sơn, suối cá thần Cẩm Lương, thác Ma Hao, động Bó Cúng,... đã và đang trở thành địa chỉ hấp dẫn đối với du khách thập phương và góp phần làm cho ngành du lịch dịch vụ của tỉnh Thanh Hóa có những bước phát triển đáng kể, từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Theo ông Phạm Nguyên Hồng, Giám đốc Sở VHTTDL Thanh Hóa, tiềm năng Di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tại Thanh Hóa là vô cùng phong phú, muốn khai thác để phục vụ phát triển kinh tế- xã hội, trước hết phải điều tra, tổng hợp và phân loại được các tiềm năng này theo đúng nội dung của Di sản. Cần đánh giá được mức độ xuống cấp của các di tích, danh thắng, mức độ bảo tồn của các di sản văn hóa phi vật thể, để có thể xác định một cách tương đối yêu cầu tu bổ, phục hồi, tôn tạo và định hướng công tác tu bổ, nghiên cứu phục hồi. Tăng cường tổ chức quảng bá hình ảnh, tuyên truyền cho các di sản văn hóa. Trong số 145 di tích quốc gia, quốc gia đặc biệt và di sản văn hóa thế giới tại Thanh Hóa, đa số là những điểm du khách cần đến, nhiều di tích hội tụ đủ các yếu tố khoa học, tâm linh, cảnh quan, môi trường, danh thắng, có đủ khả năng thu hút mọi đối tượng tham quan, nghiên cứu, học tập, vãn cảnh như di tích Lam Kinh, Thành nhà Hồ, danh thắng Sầm Sơn…là những điểm du lịch rất hấp dẫn và thực sự đã là những địa danh nổi tiếng.
Bên cạnh đó, các di sản văn hóa khác muốn được khai thác triệt để, ông Hồng cho rằng, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương phải tổ chức hướng dẫn, giúp đỡ để mỗi di tích, danh thắng phải có ít nhất một sản phẩm, giới thiệu tóm tắt nội dung di tích, danh thắng này. Các Lễ hội, trò diễn dân gian, sản phẩm thủ công cũng phải được giới thiệu tóm tắt để quảng bá, qua những sản phẩm lưu niệm với mọi hình thức: tờ rơi bản in, ản ảnh, mô hình… Phải nhận thức rõ ràng và đồng bộ quan điểm: Di sản văn hóa là sản phẩm của lịch sử, là duy nhất, không thể làm giả, làm nhái. Vì vậy, phải được bảo tồn tối đa yếu tố gốc theo Luật Di sản văn hóa. Đây là nguồn tài nguyên có thể khai thác vô hạn. Bởi thế, trong quy hoạch địa bàn để phát triển kinh tế, xã hội, phải đặt tiêu chí phát triển bền vững lên hàng đầu, không vì lợi ích kinh tế cục bộ trước mắt mà dẫn tới phá vỡ cảnh quan, môi trường, triệt tiêu mọi khả năng phát huy nguồn lợi vô tận của di sản văn hóa. Vẽ bản đồ phân bố tổng thể các di sản văn hóa, vạch được tuyến đường liên kết ngắn nhất, phù hợp nhất, tiện lợi nhất theo các tuyến, điểm, khu du lịch phù hợp với nội dung, yêu cầu của khách tham quan theo các tua du lịch. Trong giai đoạn 2025-2030, du lịch Thanh Hóa giải quyết được những vấn đề cơ bản nêu trên, đó sẽ là thành công vượt bậc.
Ông Hồng cũng cho biết thêm, hàng năm, Sở VHTTDL có các văn bản đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền Luật di sản văn hóa, các văn bản của Chính phủ và Bộ VHTTDL, các bộ ngành trung ương về công tác bảo quản, tu bổ và phục hồi di tích; tích cực vận động nhân dân tham gia công tác bảo vệ, phát huy giá trị di tích; xử lý nghiêm các hành vi lấn chiếm đất đai xâm phạm di tích. Nhờ chất lượng công tác quản lý Nhà nước về di sản văn hóa từ cấp tỉnh đến địa phương được tăng cường mà công tác quản lý di sản nói chung, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích được nâng cao hiệu quả rõ rệt: việc vi phạm quy trình thủ tục trong việc thực hiện các dự án về di tích giảm đáng kể so với các giai đoạn trước đó. Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm một cách thường xuyên, kịp thời góp phần thuc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh Thanh Hóa.
NGUYỄN LINH