Tham vấn các chuyên gia về quy hoạch bảo tồn Quần thể Di tích Cố đô Huế
VHO - Ngày 11.10, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến các chuyên gia về đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050.
Khu di sản Kinh thành Huế nhìn từ trên cao. Ảnh: V.Thạnh
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: Từ khi được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa thế giới - di sản văn hóa vật thể đầu tiên của Việt Nam, Quần thể Di tích Cố đô Huế đã trải qua hai thời kỳ quy hoạch (giai đoạn 1996-2010 và giai đoạn 2010-2020). Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các ban, bộ, ngành Trung ương và sự giúp đỡ có hiệu quả của các chuyên gia cùng cộng đồng quốc tế, công cuộc bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai và thực hiện đạt nhiều kết quả tích cực. Hàng trăm công trình di tích đã được bảo quản, tu bổ, phục hồi; trong đó có nhiều công trình lớn, có giá trị tiêu biểu cả về lịch sử và nghệ thuật. Các di sản văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng nghiên cứu bảo tồn một cách bài bản và phát huy một cách hiệu quả. Bộ mặt di sản Huế không ngừng thay đổi, hồi sinh dần trở lại với diện mạo vốn có trong lịch sử và đang vươn mình với sức sống ngày càng mãnh liệt.
Ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại hội thảo
Hiện nay, tỉnh đang triển khai lập và trình duyệt 3 đồ án quy hoạch gồm: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Những đồ án quy hoạch này đều thuộc thẩm quyền Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên cơ sở đồng nhất quan điểm, mục tiêu xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hoá Huế với đặc trưng văn hoá, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh theo tinh thần chỉ đạo xuyêt suốt tại Nghị quyết số 54-NQ/TW ngày 10.12.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
“Đầu năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tại Quyết định số 42/QĐ-TTg, làm cơ sở để tỉnh Thừa Thiên Huế tiến hành tổ chức lập quy hoạch. Đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành các bước về tổ chức lập quy hoạch, báo cáo phương án quy hoạch, và đang tổ chức trưng bày, lấy ý kiến cộng đồng. Hội thảo lần này nhằm lấy ý kiến các chuyên gia, các sở, ban, ngành, địa phương để hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trình Bộ VHTTDL thẩm định và Thủ tướng phê duyệt trong tháng 1.2024”- ông Nguyễn Văn Phương thông tin.
Các chuyên gia tham dự Hội thảo
Tại Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết ở các nội dung liên quan đến đồ án, như: Bối cảnh vùng, các điều kiện tự nhiên và hiện trạng di sản; Tầm nhìn, quan điểm, mục tiêu, các tiền đề về bảo tồn di sản và phát triển bền vững; Quy hoạch phân vùng bảo vệ và bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; Định hướng bảo tồn di sản gắn với phát triển bền vững, định hướng phát triển không gian; Định hướng thiết kế đô thị và cảnh quan văn hóa; dự báo tác động và đề xuất biện pháp bảo vệ môi trường; Các vấn đề kinh tế di sản và giải pháp thực hiện quy hoạch…
Theo ông Lê Quang Minh, đại diện MQL và các đối tác, đơn vị tư vấn và lập đồ án quy hoạch, phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch có tổng diện tích khoảng 134.000 ha, thuộc địa giới hành chính của TP.Huế, thị xã Hương Trà, Hương Thủy, huyện Quảng Điền và huyện Phú Vang. Đó là không gian hình thành và phát triển Cố đô lịch sử, không gian cảnh quan, các địa danh, địa điểm, địa giới tự nhiên có quan hệ mật thiết trong quá trình hình thành Quần thể Di tích Cố đô Huế; bao gồm: khu vực Kinh thành Huế, Kim Long, Bao Vinh, Gia Hội, núi Kim Phụng, núi Ngự Bình, Duệ Sơn, đồi Vọng Cảnh, cồn Hến, cồn Dã Viên, cửa biển Thuận An, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lưu vực sông Hương và các chi lưu…
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam
KTS Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Việt Nam cho rằng, từ lâu quy hoạch của Thừa Thiên Huế đã có quan điểm rõ ràng về bảo tồn và phát huy giá trị của đô thị Huế gắn với sông Hương và hệ thống Kinh thành Huế. Với quy hoạch này, đồ án đã nêu hiện trạng một số công trình tiêu biểu của Quần thể Di tích Cố đô Huế; tuy nhiên chưa đủ, theo tôi cần nhấn mạnh rõ công trình tiêu biểu được trùng tu và phát huy giá trị cũng như công trình nào đang xuống cấp, nguy cơ, các công trình đã có dự kiến kế hoạch tu bổ… Việc giữ gìn, bảo tồn khu di sản Kinh thành Huế ở phía Bắc sông Hương được triển khai tốt, thì khu vực phía Nam và những nơi khác cần tập trung phát triển như thế nào cho phù hợp với định hướng chung của đô thị di sản. Ngoài ra, cần quan tâm đến biến đổi khí hậu bởi Huế là địa phương thường chịu nhiều thiên tai; phải có dự báo cũng như các giải pháp cụ thể cho công tác bảo tồn di tích…
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính cho rằng, đồ án quy hoạch gắn liền với Quần thể Di tích Cố đô Huế nhưng lại khá dàn trải, dành nhiều nội dung về vùng văn hóa xứ Huế, chú trọng nhiều đến phần mở rộng. Quy hoạch này sẽ bổ sung cho Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định. Chính vì thế, đơn vị tư vấn cần xoay vào trọng tâm hơn để phục vụ cho công tác bảo tồn di sản cũng như tính đến tính khả thi, bởi quy hoạch đến năm 2030 thì thời gian chỉ còn mấy năm nữa.
GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính góp ý về đồ án quy hoạch
Đồng tình với ý kiến của GS Hoàng Đạo Kính, PGS.TS Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho rằng, đồ án được thực hiện công phu nhưng các tác giả không nên sa đà vào vấn đề trích dẫn lịch sử. Quy hoạch phải căn cứ vào thực tế hiện nay của Huế, các di tích thuộc quản lý của Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế và những di tích nằm ngoài quản lý cần có đánh giá chung, khu vực nào đã triển khai bảo tồn tốt, chưa tốt để có các giải pháp phù hợp. Đặc biệt, quan tâm đến dân cư đang sinh sống ở khu vực di sản và phụ cận, khi triển khai cần có sự tham gia của họ, thống nhất bàn bạc để hài hòa giữa sinh kế và bảo vệ di sản.
Theo đơn vị tư vấn, đồ án quy hoạch đề cập đến việc phân vùng khu vực bảo vệ di sản và vùng đệm, được phân tách thành 5 cấp độ khác nhau, gồm: khu vực di tích gốc và khu vực bảo vệ trạng thái vật lý (khu vực bảo vệ I của di tích và khu vực bảo vệ di sản thế giới); khu vực bảo vệ cảnh quan văn hoá, lịch sử, bao gồm các yếu tố hình thành, cấu thành/yếu tố lịch sử, văn hóa, thắng cảnh, quần cư di sản, công trình văn hóa, không gian chức năng, hoạt động có liên quan, làm tăng giá trị di tích (khu vực bảo vệ II của di tích và khu vực vùng đệm của di sản thế giới); khu vực bảo vệ không gian tiếp cận, được xác định theo trục tuyến (không gian giao thông thủy, bộ, trên không), trường nhìn và các điểm nhìn bao gồm các tuyến phố, tuyến sông, tuyến di chuyển của phương tiện bay, tuyến đường dân sinh đã tồn tại lâu đời cùng di tích được xác định là vùng đệm, khu vực chuyển tiếp, cần có chỉ dẫn phát triển; khu vực có ảnh hưởng trực tiếp tới cảnh quan, môi trường của di tích, bao gồm các khu phố, khu vực dân cư nông thôn (cũ và mới) song song tồn tại với di tích/cần được kiểm soát phát triển về chiều cao, chức năng, hình thức công trình và các hoạt động có liên quan; khu vực tương tác phát triển bao gồm khu dân cư, tái định cư, khu dịch vụ có mối quan hệ mật thiết với khu di sản cần có yêu cầu cao về chất lượng quy hoạch và thiết kế sáng tạo với các công trình, cảnh quan xây dựng mới, chuyển hóa chức năng thiết kế đô thị, nông thôn có chất lượng tốt với các công trình, cảnh quan hiện hữu. Một số chuyên gia cho rằng, cần xem xét kỹ vấn đề phân vùng khu vực bảo vệ này vì sẽ ảnh hưởng đến rất đông dân cư.
Các đại biểu tìm hiểu đồ án Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi Quần thể Di tích Cố đô Huế đến năm 2030 tầm nhìn 2050
Về góc nhìn kết nối với du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam cho rằng: Đồ án quy hoạch không gian phát triển phải luôn luôn mở, thuận theo thiên nhiên, gần gũi với thiên nhiên và có sự tương tác của cộng đồng. Ở mỗi điểm đến, khách du lịch luôn mong muôn có không gian tương tác, nên nhu cầu về không gian này ở khu di sản Huế là rất lớn. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm của một số nơi trên thế giới, đô thị di sản sau khi thu hút đông đảo du khách chỉ quan tâm đến du lịch mà quên đi yếu tố cốt lõi là di sản, dẫn đến suy tàn. Thế nên, chúng ta cũng cần nghiên cứu, dự báo nguy cơ này. Quy hoạch cần lấy giá trị di sản phi vật thể làm nền, nóng cốt bên cạnh bảo tồn phát huy giá trị di sản vật thể…
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết, những ý kiến tâm huyết của các chuyên gia, nhà nghiên cứu sẽ được trung tâm (chủ đầu tư) và đơn vị tư vấn tiếp thu, nghiên cứu điều chỉnh phù hợp, đúng quy định hiện hành và thực tế của địa phương.
Bài, ảnh: SƠN THÙY