Tên gọi mới sau sáp nhập phải mang hồn cốt dân tộc, trách nhiệm với lịch sử

PHAN HIẾU

VHO - Liên quan đến việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính, rất nhiều phường, xã sau sáp nhập được đặt lại với những tên gọi gắn liền với lịch sử, văn hoá, di sản. Hiện nay, dư luận cũng như người dân rất quan tâm vấn đề này và cho rằng, việc đặt tên mới cần mang đậm dấu ấn hồn thiêng sông núi, hồn cốt dân tộc, đặc biệt có trách nhiệm với lịch sử.

Có trách nhiệm đối với lịch sử

Tại Bình Định, sau sắp xếp, tổ chức dự kiến sẽ có 58 đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh.
Ông Lê Minh Tuấn, Giám đốc Sở Nội vụ Bình Định cho biết: Tên gọi của cấp xã, phường mới không phải do cấp tỉnh đặt mà giao cho các địa phương, Ban Thường vụ Thành uỷ, Huyện uỷ họp bàn và đề xuất. Tất cả đều đã được thăm dò ý kiến, việc này đã tán thành nên không chỉnh sửa, chỉ trừ khi HĐND của các địa phương kiến nghị đổi tên, thì mới có quyết định khác.

Tên gọi mới sau sáp nhập phải mang hồn cốt dân tộc, trách nhiệm với lịch sử - ảnh 1
Sau sáp nhập cái tên Quy Nhơn được giữ lại và trở thành phường Quy Nhơn trên cơ sở nhập toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của phường Hải Cảng, phường Thị Nại, phường Trần Phú và phường Đống Đa thuộc TP Quy Nhơn (Bình Định) hiện nay

Trên tinh thần cầu thị, lắng nghe các ý kiến, thị xã Hoài Nhơn được xem là địa phương đầu tiên của tỉnh Bình Định quyết định đổi phương án đặt tên cho các đơn vị hành chính sau khi sắp xếp từ đánh số thứ tự sang chữ, với những tên gọi mang tính lịch sử, gắn bó với quê hương.

Cách đây 17 ngày, HĐND thị xã Hoài Nhơn đã thống nhất thông qua dự thảo nghị quyết về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Theo đó, Hoài Nhơn sắp xếp thành 7 phường. Đáng chú ý, tên gọi có thay đổi so với phương án ban đầu.

Theo ông Lê Đăng Tuấn, Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, chiều 21.4, tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Bình Định (phiên bất thường), một số lãnh đạo tỉnh cũng gợi ý, cùng với đó qua một số ý kiến của cử tri nên giữ lại những cái tên địa danh lịch sử nổi tiếng lâu đời, nên thị xã quyết định đổi phương án đặt tên.

Sau khi thay đổi, 3 phường có tên là Hoài Nhơn, Bồng Sơn, Tam Quan và 4 phường còn lại sẽ lấy tên Hoài Nhơn làm trung tâm, đặt tên theo hướng Đông - Tây - Nam - Bắc. Qua lấy ý kiến lại, đại đa số người dân đồng thuận.

Tên gọi mới sau sáp nhập phải mang hồn cốt dân tộc, trách nhiệm với lịch sử - ảnh 2
Ông Lê kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định - Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định nhấn mạnh, biểu quyết thông qua trước khi trình HĐND tỉnh, có Nghị quyết trình Trung ương quyết định tên mới, có ý nghĩa rất quan trọng. Tên gọi mới của các địa phương sẽ theo người dân suốt phần còn lại của cuộc đời

Ông Lê kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Bình Định, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định chia sẻ: Trong quá trình công khai trước dân, có một số ý kiến đề nghị lãnh đạo tỉnh nghiên cứu giữ lại tên một số danh xưng, địa danh đi vào lịch sử, thi ca.

“Tại thị xã An Nhơn đặt tên 2 phường mới là Bình Định và An Nhơn, nhận được rất nhiều lời khen. Ngoài ra, một số gợi ý tại huyện Tây Sơn thì nên có tên Phú Phong, thị xã Hoài Nhơn nên có tên phường Bồng Sơn và Tam Quan”, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định cho biết và nhấn mạnh, biểu quyết thông qua trước khi trình HĐND tỉnh, có Nghị quyết trình Trung ương quyết định tên mới, có ý nghĩa rất quan trọng.

Theo ông Lê Kim Toàn, tên gọi mới của các địa phương sẽ theo người dân suốt phần còn lại của cuộc đời. Tên gọi sẽ gắn với vùng đất, truyền thống, văn hoá, con người. Ngoài việc sắp xếp địa giới hành chính thì tên gọi rất quan trọng, nên hết sức cân nhắc. Sẽ khó có cơ hội sửa lại nếu đã có quyết định.

Chia sẻ về việc đặt tên mới cho đơn vị hành chính cấp xã, phường sau sáp nhập, ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định cho biết: Tôi nhận được rất nhiều tin nhắn với đề xuất khác nhau về đặt tên gọi cấp xã. Những ngày qua, tôi rất trăn trở, không ngủ được, phải coi hết các tỉnh đặt tên kiểu gì, để suy nghĩ, phải đúng với thực tế và nguyện vọng đại đa số của người dân. Tỉnh rất lúng túng, nhưng vẫn còn cơ hội để nghiên cứu đặt tên.

Tên gọi mới sau sáp nhập phải mang hồn cốt dân tộc, trách nhiệm với lịch sử - ảnh 3
Ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định mong muốn, trong việc đặt tên mới trong các xã, phường các Bí thư địa phương phải chịu trách nhiệm với lịch sử và yêu cầu các địa phương cần phải suy nghĩ, tranh thủ ý kiến tư vấn của chuyên gia, nguyên lãnh đạo, có cách gì mà tốt nhất thì làm, để sau này con cháu không trách ông cha mình, tại sao ngày xưa lại đặt tên như thế

“Thường trực Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ không áp đặt việc đặt tên và giao quyền cho địa phương quyết định. Ngàn năm sau tên gọi vẫn gắn với các địa phương. Vì vậy, các Bí thư địa phương phải chịu trách nhiệm với lịch sử, tôi mong các đồng chí tìm ra phương án tốt nhất, để người dân đồng tình ủng hộ”, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định mong muốn và yêu cầu các địa phương cần phải suy nghĩ, tranh thủ ý kiến tư vấn của chuyên gia, nguyên lãnh đạo, có cách gì mà tốt nhất thì làm, để sau này con cháu không trách ông cha mình, tại sao ngày xưa lại đặt tên như thế.

Số hoá thay địa danh là vô cảm với truyền thống

TS Nguyễn Quang Cương, nguyên giảng viên Trường Đại học Quy Nhơn cho rằng: Địa danh là đúc kết từ lịch sử, địa lý, triết lý, văn hoá, đời sống; từ trí tuệ, tâm nguyện của người xưa. Số hoá thay địa danh là vô cảm với truyền thống, thiếu tôn trọng tiền nhân và lịch sử.

TS Nguyễn Quang Cương cũng chỉ ra, trước khi đặt tên xã, phường cho địa danh mới thì chính quyền các địa phương cần thông báo rộng rãi đến nhân dân, lấy lắng ý kiến từ nhiều phía. Hoặc có thể mời các chuyên gia nghiên cứu văn hóa, lịch sử để tham khảo lấy tên cho phù hợp với vùng đất nước khi chúng ta đặt tên.

“Có quê hương, mới có đất nước. Đừng chối bỏ tên quê hương, mà hồn trí người xưa để lại. Xây dựng chính quyền gần dân thì đặt tên phải hợp lòng dân”, TS Nguyễn Quang Cương bày tỏ và dẫn chứng, Hà Tĩnh đặt tên phường xã đậm dấu ấn hồn thiêng sông núi. Tất cả các tên phường xã, đều toát lên những mảng màu truyền thống, lịch sử.

Tên gọi mới sau sáp nhập phải mang hồn cốt dân tộc, trách nhiệm với lịch sử - ảnh 4
Xã đảo Nhơn Châu mới (còn gọi là Cù Lao Xanh) được thành lập trên cơ sở giữ nguyên toàn bộ diện tích tự nhiên là 3,62km2, dân số 2.350 người của xã Nhơn Châu thuộc TP Quy Nhơn hiện nay

Ví dụ, xã Tiên Điền là quê hương của Đại thi hào Nguyễn Du, danh nhân văn hoá thế giới; xã Mai Phụ là quê gốc, nơi phát tích Vua Mai Hắc Đế; hay như Thiên Cầm (đàn trời), cái tên có từ thời nhà Hồ… Hầu hết, các địa danh đều được cân nhắc về tiêu chí truyền thống, văn hoá, lịch sử.

Góp ý kiến việc sau sáp nhập, nhiều địa phương có tên gọi mới, đứng ở góc nhìn chuyên gia nghiên cứu, TS Đinh Bá Hòa - nhà nghiên cứu sử học, nguyên Giám đốc Bảo tàng Bình Định cho biết: Người Việt hàng nghìn năm nay luôn gắn kết với xóm làng, chính vì vậy mà hàng nghìn năm bị đô hộ thì dân ta vẫn không bị đồng hóa nổi.

Sau này, đến thời Pháp thuộc vẫn không cai trị được, khi chuyển dịch vào phía Nam người Việt vẫn giữ truyền thông ấy. Và người Mỹ không bao giờ hiểu được, dùng chính sách đồn dân, lập ấp đều thất bại.

TS Đinh Bá Hòa mong rằng, những tên đất, tên làng đối với dân ta là thiêng liêng, quê cha đất tổ đi theo họ suốt cả cuộc đời và đối với họ là không thể quên được, cho nên khi hội nhập chúng ta phải chú trọng điều đó. Tên đường thì có thể số hóa được nhưng tên làng, tên xã, tên phường có từ bao đời nay thì sao chúng ta lại thành số hóa.