Tạo sự đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa

NGỌC HÀ

VHO - Tại Hội nghị triển khai Chỉ thị số 30/CT-TTg (ngày 29.8.2024) của Thủ tướng Chính phủ về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) do Bộ VHTTDL tổ chức mới đây ở TP. Đà Nẵng, nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc trong phát triển CNVH các lĩnh vực đã được các nhà quản lý, chuyên gia, doanh nghiệp đưa ra luận bàn, qua đó tìm giải pháp khắc phục để tháo gỡ.

Phá bỏ rào cản trong nhận thức về ngành CNVH:

Báo cáo của Bộ VHTTDL cho thấy, trong giai đoạn 2016 - 2018, 12 ngành CNVH đã đóng góp doanh thu khoảng 8,081 tỉ USD (tương đương 3,61% GDP).

Năm 2021, đóng góp của CNVH đạt 3,92% GDP; năm 2022 tăng lên 4,04% GDP. Giá trị sản xuất của các ngành CNVH trong giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước đạt 44 tỉ USD.

Tại nhiều địa phương, các ngành CNVH cũng đạt được những kết quả đáng khích lệ trong giai đoạn 2016 - 2022, nhất là ở những thành phố lớn - những nơi được thiết kế để trở thành trung tâm CNVH của cả nước ở tầm khu vực.

Tuy nhiên, CNVH vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của đất nước, vẫn còn thiếu cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp về thu hút nguồn vốn, phát triển nguồn lực để thúc đẩy các ngành CNVH phát triển toàn diện.

Theo bà Trần Thị Phương Lan, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, nguồn lực đầu tư cho CNVH chưa tương xứng, còn dàn trải. Sự liên kết, phối hợp giữa các lĩnh vực trong việc phát triển CNVH còn thiếu chặt chẽ, chưa thúc đẩy được yếu tố thương mại trong các sản phẩm văn hóa.

Nội dung, hình thức sản phẩm, dịch vụ trong các lĩnh vực CNVH còn hạn chế. Còn ít sản phẩm, tác phẩm văn học, nghệ thuật lớn, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật…

Tạo sự đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - ảnh 1
Phó Giám đốc Sở VHTT Đà Nẵng Nguyễn Thị Hội An cho rằng cần đầu tư cho nhân tài trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật

Bà Phương Lan nhận xét, việc phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, chủ yếu do nguyên nhân chủ quan:

“Điều kiện tiên quyết là phải nhận thức đúng, đầy đủ về vị trí, vai trò, ý nghĩa của phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Những rào cản trong nhận thức sẽ dẫn đến rào cản trong hoạch định đường lối, chính sách văn hóa”.

Đồng quan điểm, Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao TPHCM Nguyễn Thanh Thuý cho rằng, cần nhận thức rõ ràng và sâu sắc, đầu tư cho văn hóa có thể tốn kém, lâu dài, nhưng nhất thiết, phát triển văn hóa phải được xem là một trong những đột phá quan trọng nhất để bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước.

Trong lĩnh vực điện ảnh, TS Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh cho biết còn nhiều hạn chế về cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và địa phương chưa được chú trọng, chính sách về xã hội hóa… chưa được đẩy mạnh.

“Việt Nam có nhiều di sản văn hóa và thiên nhiên đa dạng trải dài khắp đất nước là điều kiện thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Tuy nhiên chúng ta chưa phát huy hết tiềm năng và thế mạnh bởi chưa có chính sách ưu đãi thuế, trang thiết bị kỹ thuật tiền kỳ, dịch vụ hậu kỳ chưa  đồng bộ, hiện đại”, ông Việt nhận xét.

Tạo sự đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - ảnh 2
Lễ hội Cầu ngư tại Đà Nẵng được xây dựng là sản phẩm văn hóa - du lịch đặc sắc

Ông Đỗ Lệnh Hùng Tú, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhận định, dù điện ảnh Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn những rào cản, chính sách ưu đãi chưa hấp dẫn; thiếu sự hợp tác giữa các đơn vị sản xuất phim truyền hình và điện ảnh.

Bên cạnh đó, ông Tú đề cao nhận thức về bản quyền tác phẩm điện ảnh và phim truyền hình là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy nền công nghiệp điện ảnh. Tuy nhiên thực trạng vấn đề bản quyền còn đang bị coi nhẹ.

“Hiện nay, vấn đề khai thác và bảo vệ bản quyền đối vớii tác phẩm điện ảnh đang được đặt ra trước sự phát triển của nền công nghiệp điện ảnh và cần được hiểu, làm cho đúng với pháp luật quy định là cả một vấn đề lớn và cần được phổ biến sâu rộng trong cộng đồng xã hội”, ông Tú nói.

Tập trung đầu tư nguồn nhân lực văn hóa

Bà Nguyễn Thị Hội An, Phó giám đốc Sở VHTT TP. Đà Nẵng có ý kiến: Cần có chính sách bồi dưỡng nhân tài về văn hóa - nghệ thuật; xây dựng chính sách sử dụng tài nguyên cho hoạt động văn hóa, chính sách thuế, tài chính; chính sách xã hội hóa, tập trung vào các chính sách tài chính, đất đai… nhằm tạo môi trường tốt cho phát triển CNVH. 

Tạo sự đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - ảnh 3
Lễ hội truyền thống huyện Hòa Vang - một sản phẩm văn hóa truyền thống cần bảo tồn, gìn giữ

Ông Bùi Nguyên Hùng, Chủ tịch Hiệp hội Sáng tạo và bản quyền tác giả cho rằng, phải tăng cường bồi dưỡng kỹ năng kinh doanh cho người làm nghệ thuật, đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu nhân lực quản lý CNVH; bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ; có chính sách thu hút chuyên gia và đầu tư nước ngoài; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sáng tạo và phân phối sản phẩm văn hóa…

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Phạm Minh Toàn - Tổng Giám đốc VietFest khẳng định, CNVH là một phần quan trọng của “quyền lực mềm” trong nền kinh tế, là công cụ chiến lược mở ra hướng đi mới, sáng tạo và bền vững, Việt Nam là đất nước có những “đặc quyền” thuận lợi đề phát triển lĩnh vực này.

Để ngành CNVH phát triển vững chắc, ông Toàn đề xuất tăng cường nguồn lực giáo dục và đào tạo về văn hóa, nghệ thuật tại các cơ sở đào tạo; xây dựng chính sách quốc gia phát triển CNVH; quảng bá hình ảnh quốc gia thông qua sản phẩm văn hóa; đẩy mạnh hợp tác công tư trong phát triển CNVH; tổ chức các sự kiện văn hóa tầm cỡ, bảo vệ và phát triển di sản văn hóa; ứng dụng công nghệ số và phát triển CNVH...

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó giám đốc Sở VHTT TP. HCM cho hay, hiện tại lĩnh vực văn hóa, thể thao vẫn chưa có ưu đãi về thuế để thu hút DN đầu tư.

"Cần có khảo sát điều tra rộng, đánh giá kỹ trên cơ sở xác định việc phát triển CNVH chính là phát triển, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần, từ đó sẽ có những giá trị cộng hưởng khác chứ không phải văn hóa là tiền tươi thóc thật".

Tạo sự đột phá để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - ảnh 4
Phát triển ngành CNVH bao gồm nâng cao chất lượng chương trình nghệ thuật, văn hóa địa phương

Bà Thúy kiến nghị cần có những chính sách theo kịp thực tiễn, các cơ quan, ban ngành cần phối hợp hiệu quả hơn trong thực hiện luật Sở hữu trí tuệ, quyền tác giả và các quyền liên quan góp phần phát triển ngành công nghiệp sáng tạo.

Phó giám đốc Sở VHTT TP. HCM góp ý cần kiến nghị với T.Ư quan tâm, rà soát các quyết định trước đây của Chính phủ để đề xuất có những phim trường quy mô lớn không chỉ đáp ứng cho ngành điện ảnh mà còn là thiết chế văn hóa phục vụ du lịch, phát triển KT-XH; cần xác định các dự án được thực hiện phương thức PPP (đối tác công - tư) theo luật Đất đai 2024.

"Luật ban hành rồi nhưng vẫn chưa có nghị định, thông tư để hướng dẫn thực hiện. Trong thời gian tới, đây là phương thức kêu gọi khối tư nhân, nhà đầu tư nước ngoài vào đầu tư các công trình lớn, trọng điểm cho văn hóa nên rất cần tháo gỡ và hướng dẫn cụ thể", bà Thúy nói.